Khởi nghiệp: Từ ổ bánh mì qua ngày đến nhà lầu là bao xa?

0
1062

Bài viết cảu anh Võ Hùng (Founder Xe đạp Xanh) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

KHỞI NGHIỆP – TỪ NỬA Ổ BÁNH MÌ SỐNG QUA NGÀY ĐẾN NHÀ LẦU XẾ HỘP LÀ BAO XA?

Tôi định viết bài này từ cách đây vài hôm, nhân tiện lúc sáng sớm nghịch ngợm selfie cảnh đang thèm bánh mì trông rất ngon lành. Nhưng selfie xong thì mất điện thoại nên cảm thấy cụt hứng không viết được luôn. Tối nay tranh thủ lúc bí giải pháp cho công việc nên ngồi thờ thẫn viết đôi dòng tâm sự người khởi nghiệp vậy!

Mà tôi quên mất là những gì tôi viết nên dành cho các bạn có bắt đầu rất khiêm tốn. Bởi vì tôi bắt đầu cũng rất thấp, thấp không những tiền bạc, nguồn lực mà còn thấp cả đủ thứ khác. Tôi không hiểu tại sao mình lại có thể khởi nghiệp được khi sau này có lúc nhớ lại đã có ai đó mỉa mai: cái thằng nhà quê quần không biết chọn mặc mà bày đặt kinh với chả doanh! Quả thật hồi đó mình con nhà nông ở quê ra thành thị có biết gì đâu. Hồi học phổ thông thì quanh năm chỉ có 2 bộ quần áo, 2 cái quần tây và 2 cái áo trắng thay ra thay vào. Cắm đầu học, học thật giỏi chỉ mong làm sao đó thay đổi cái số phận con nhà nghèo theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khốn khổ là càng học giỏi thì càng trở thành mọt sách, hiền như cục bột và thiếu trầm trọng các kĩ năng sống khác. Theo đuổi bạn gái mà cũng không biết phải nên làm thế nào, cứ như thằng ngố, thật đấy!

Rồi hăm hở thi vào đại học, đỗ cả 3 trường thì tự hào lắm. Ba mẹ chẳng dư dả gì cũng ráng làm cỗ làm tiệc tiễn thằng con đi học để xây dựng tương lai. Lúc lên đường đi nhập học tôi đã từng hình dung cuộc đời của mình sẽ lấy tấm bằng đại học, kiếm công việc ổn định gì đó làm và cứ thế, cứ thế. Cũng may là có nhiều cơ duyên và một vài biến cố làm cho thay đổi nhận thức về việc dựng xây cuộc sống sau này. Nhưng nhận thức là một chuyện, thay đổi lại là một câu chuyện khác. Thèm làm chủ, nhưng một thằng nông dân ngố thì làm chủ kiểu gì đây?

Bạn đừng nghĩ hồi 17 năm trước tôi bỏ học ra làm kinh doanh là tôi không hề biết gì về thực lực bản thân. Tôi biết mình ngố, mình lúa, mình hèn, mình quèn lắm. Tôi biết lúc đó người ta nhìn nhận về tôi như thế là họ đã nhìn nhận đúng, chẳng sai chút nào.

Càng thấy người ta nói đúng về bản thân mình, tôi càng muốn làm gì đó để thay đổi. Không lẽ cứ ngố hoài, lúa hoài, hèn hoài, quèn hoài hay sao?

Có người bà con khi biết tôi bỏ học theo nghiệp kinh doanh đã ái ngại: “Con không biết giao tiếp đắc nhân tâm gì hết thì sao làm kinh doanh nổi chứ! Ở cái xứ này mà ngơ ngơ như con thì chỉ có bị lừa tán gia bại sản thôi con à!”

Mà đúng là tôi bị lừa nhiều thật. Những năm mới bắt đầu hình như ai cũng lừa được tôi. Có người rủ làm cái này cái kia. Tính tôi hễ học là cắm đầu học nên khi làm cũng cắm đầu làm. Làm nên chuyện rồi chẳng được tí quyền lợi gì, cũng e dè hỏi họ sao em lại chẳng được gì vậy, và đã có lần từng nghe câu này: “Ai bảo mày ngu!”. Nghe thì tức lắm nhưng cũng lẳng lặng cho qua vậy thôi, chẳng đòi hỏi gì. Có người biết lại còn bồi thêm: “Đúng là thằng đó ngu thật”.

Nhưng càng dấn thân vào con đường kinh doanh, tôi càng dẹp đắc nhân tâm vào xó nhà, bởi tôi ghét cay ghét đắng cách thức ngoại giao bề mặt theo kiểu đó. Tôi bắt đầu nhận ra một con đường khác để đi, con đường khởi nghiệp mà không cần tới những trò tiểu xảo, những chót lưỡi đầu môi. Con đường khởi nghiệp mà mình có thể làm những việc đúng đắn một cách nhẫn nại, chính trực, đôi khi sẽ bị chèn ép chơi xấu nhưng mình chẳng bao giờ phải cúi mặt khi nhìn lại bản thân mình. Trên con đường đó lắm lúc sẽ chịu thiệt thòi nhưng nhất định về lâu về dài mình sẽ có những chiến hữu, những người bạn kề vai sát cánh bất chấp mọi trở ngại, thất bại hoặc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Khi tôi nhận ra “ngu” không phải là ngu cũng chính là lúc mà tôi cực kì tự tin để lên kế hoạch thực hiện một chặng đường dựng nghiệp đầy thú vị của mình.

Và tôi đã đúng khi chọn cách đi đó cho bản thân mình!

Không có ai thích làm việc với những kẻ xảo trá, khôn ngoan quá. Hoặc nếu có làm việc thì chỉ là dựa trên quyền lợi mà thôi, chẳng còn gì nữa. Cuộc chơi đó thật nhạt nhẽo và tầm thường. Cuộc chơi đó chỉ dành cho những kẻ tiểu nhân và họ có quyền ở đó chung với nhau. Sau ngần ấy năm trôi qua, tôi thấy những kẻ đã từng giở trò đều dần dần đánh mất rất nhiều thứ trong cuộc sống của họ. Những “cái khôn” chốn phồn hoa này hóa ra lại chẳng quyền năng như họ tưởng. Những cái ở miệt quê “hai lúa” lại hóa quyền năng nếu chúng ta cam kết thực hiện với ngọn lửa chính trực bên trong mình, tuân thủ bất chấp hoàn cảnh.

Tôi bắt đầu có những người bạn tốt, rồi những người bạn rất tốt, rồi những chiến hữu có thể chia sẻ với mình những khó khăn và cả những thành công.

Một gói mì 2000đ. Mỗi lần ăn chia ½ ra để đề phòng đói. Có 2000đ một gói mì thế mà chúng tôi nợ tiền mì dì Hai tạp hóa ở khu nhà trọ tới gần 500.000đ. Chuyện đó lâu lâu lai rai 2 anh em chúng tôi vẫn nhắc lại, ông anh giờ đã là triệu phú đô la cười tếu: đúng là anh với chú hồi đó trên răng dưới dép đứt, vậy mà vẫn sống được và làm được nghĩ cũng hay!

Làm nhiều thứ nhưng để thoát nghèo không dễ đâu. Câu thần chú của chúng tôi mỗi khi thất vọng là: “Ông trời đang nhìn xuống và bảo cố thêm tí nữa đi là được!” Sáng nào cũng chỉ lẩm nhẩm bấy nhiêu đó để có tinh thần mà tiếp tục. Thế mà thoát được cái nghèo lúc nào không hay!

10 năm trước, khi làm có tiền tôi mới lần đầu tiên ghé về nhà ông anh chiến hữu đồng cam cộng khổ bao nhiêu năm. Nhìn ngôi nhà của anh ấy trống hoác chẳng có thứ gì với mái rách tả tơi, tôi lặng người vì bấy lâu cứ tưởng nhà mình là nghèo lắm. Tôi nghèn nghẹn: “Mấy trăm triệu anh chia tôi để tôi trả nợ, anh lấy một nửa góp vào làm nhà cho cụ đi, rồi tụi mình sẽ kiếm tiếp”.

Đúng là trời thương, chúng tôi tiếp tục gặt hái được trong công việc. Giờ thì anh ấy đã xây cái nhà rách nát ấy thành một ngôi nhà rất to và lo cho cụ ông, giờ đã hơn 90 tuổi một cuộc sống sung túc.

Hiện tôi vẫn là một người khởi nghiệp, tôi thích những cái mới mẻ và muốn chơi cuộc chơi này một cách sảng khoái. Trong công việc tiếp xúc nhiều với các bạn khởi nghiệp, tôi thấy nhiều bạn trẻ rất liều, thậm chí liều hơn cả tôi thời trước. Tôi chẳng nói gì chỉ lặng lẽ quan sát, nếu bạn nào sẵn sàng xả thân để bảo vệ ngọn lửa chính trực bên trong mình không tắt đi, tôi tin rằng bạn đó sẽ có cơ hội tỏa sáng. Làm gì thì làm, nếu mình sai thì sửa, nhưng nếu mình chẳng may “hai lúa” quá, thật thà quá, nông dân quá thì cũng cứ thế mà tiến lên, đừng cố thay đổi chi cho mất công, tôi biết đó chính là lợi thế!

Nhà lầu, xế hộp thì cũng ngon đó, nhưng sắm nhà lầu xế hộp mà vẫn giữ được cái chất của mình qua đảo điên thế tục, thì đó mới là thượng thừa, bạn ạ!

Khởi nghiệp: Từ ổ bánh mì qua ngày đến nhà lầu là bao xa?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here