“Tôi và một hai người bạn rất may mắn khi tìm ra một giải pháp cho vấn đề mà hàng triệu người trên thế giới quan tâm. Sau khi trở thành nạn nhân của một vụ cướp ở bãi biển, chúng tôi quyết định sáng chế loại hộp cất đồ cơ động mang tên AquaVault”, Jonathan Kinas – giám đốc điều hành công ty AquaVault tại thành phố Florida, bang Miami, Mỹ – kể. Anh nói thêm rằng ý tưởng là phần dễ nhất của hành trình khởi nghiệp. Thách thức lớn nhất là đưa ý tưởng ra thị trường dưới dạng sản phẩm.
Hành trình khởi nghiệp của Jonathan và nhóm bạn bắt đầu trong khi họ không biết chút nào về quá trình sáng chế. Họ dự đoán họ sẽ mắc phải nhiều sai lầm, gặp nhiều trở ngại trong hành trình. Hy vọng duy nhất của họ là nhóm sẽ không mắc phải sai lầm quá nghiêm trọng hoặc gặp trở ngại lớn đến nỗi họ không thể vượt qua.
Để giảm thiểu rủi ro, nhóm sáng lập đề nghị 10 người thông minh nhất mà họ biết chỉ ra những yếu điểm của ý tưởng, đặc biệt là hai lý do lớn nhất khiến mô hình kinh doanh có thể thất bại. Sau đó họ phân tích và xử lý các mối lo ngại.
“Chuẩn bị là yếu tố tiên quyết và bạn không nên coi nhẹ nó. Một thiên tài nào đó từng nói: Đừng thực hành trước khi bạn tìm ra hướng đúng, nhưng khi đã thực hành thì chỉ dừng lại khi bạn không thể sai nữa”, Jonathan nói.
Khi bắt đầu quá trình sáng chế, 3 chàng trai phải đối mặt với vô số vấn đề – như số tiền để biến ý tưởng thành sản phẩm, nên tạo phiên bản thử nghiệm hay không. Họ muốn thuê một luật sư để xin cấp bằng sáng chế, nhưng lại lo ngại vị luật sư đó có thể lấy cắp ý tưởng của họ. Tìm một nhà sản xuất đáng tin cậy cũng là vấn đề mà họ quan tâm. Nhóm muốn sản xuất ở Trung Quốc, song bắn khoăn liệu Trung Quốc có phải là nơi tốt nhất để sản xuất hay không.
“Nỗi sợ thất bại có thể ngăn cản nhiều người trở thành nhà phát minh. Mọi người đều không muốn rời khỏi vùng an toàn để phấn đấu cho một mục tiêu mà họ không nắm chắc thành công, đặc biệt khi họ biết quá ít về lĩnh vực ấy. Đó là lý do khiến phần lớn ý tưởng chết yểu từ khi ra đời. Vì thế, doanh nhân là những người dám nhảy khỏi vách núi rồi chế tạo máy bay trong quá trình rơi xuống để thoát hiểm”, Jonathan bình luận.
Sau khi thuê một nhà máy gia công sản phẩm, 3 chàng trai tìm tới các khách sạn, du thuyền để chào hàng. Ý tưởng của họ là khách sạn, du thuyền có thể mua sản phẩm để cho du khách thuê. Ngoài ra, họ cũng bán cho các cá nhân trên mạng. Giá bán lẻ cho mỗi sản phẩm khi ấy là 49,99 USD, song giá bán buôn chỉ là 22,95 USD. Chi phí sản xuất mỗi sản phẩm là 11 USD. Với mỗi đợt sản xuất, nhà máy yêu cầu họ đặt tối thiểu 5.000 sản phẩm.
Để gọi vốn, họ đăng ký chương trình Shark Tank và nhà sản xuất sắp xếp để họ lên sóng vào năm 2016. Vào thời điểm gặp các nhà đầu tư Shark Tank, nhóm mới bán 250 sản phẩm. Họ muốn kêu gọi 75.000 USD cho 12% cổ phần, song cuối cùng chấp nhận đề nghị của tỉ phú John Daymond là 75.000 USD cho 25% cổ phần.
Nhờ sự hỗ trợ của tỉ phú John Daymond, công ty AquaVault đã xâm nhập thành công vào hệ thống bán lẻ trên khắp cả nước. Ngoài khách sạn, du thuyền, người ta cũng thấy sản phẩm của họ ở các công viên nước, công viên chủ đề.
6 tháng sau khi hợp tác với John Daymon, công ty đạt doanh thu 87.000 USD, đồng thời tổng số đơn đặt hàng để lấy vào cuối năm 2016 lên tới 10.000 chiếc.
Vào năm 2018, AquaVault tung ra loại túi AlexSafe để thay thế hộp AquaVault, sản phẩm mà họ đưa lên chương trình Shark Tank. Giá của túi FlexSafe là 39,95 USD. Đây là loại túi chống nước và kẻ gian không thể dùng dao để rạch hay cắt.
Tính tới cuối năm ngoái, doanh số của AquaVault đã đạt hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, một số đối thủ đã xuất hiện với những sản phẩm cùng công dụng. Vì thế, để có thể phát triển mạnh hơn, công ty quyết định hướng ra thị trường quốc tế.
“Ban đầu chúng tôi chẳng có đối thủ và việc kinh doanh có vẻ thuận lợi. Giờ đây, đối thủ đã xuất hiện, song chúng tôi vẫn vui vì thực tế đó chứng tỏ ý tưởng của chúng tôi hấp dẫn và giờ đây nhiều người muốn theo đuổi nó”, Jonathan bình luận.