Người trẻ miền Tây khởi nghiệp

0
660

Hoàn thành chương trình thạc sĩ hóa học chuyên ngành phát triển bền vững ở Pháp, anh Ngô Chí Công (SN 1989) trở về quê hương với hoài bão nâng tầm giá trị cây sen đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười.

Vượt qua khó khăn, thất bại

Năm 2015, anh Công thành lập Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Khởi Minh Thành Công chuyên sản xuất, kinh doanh hoa sen sấy khô. Sau khi học hỏi các nghệ nhân ướp hoa tươi ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, anh tự nghiên cứu tìm bí quyết riêng để áp dụng cho hoa sen. Sau 3 lần cải tiến với tỉ lệ hư hỏng từ 40% trở lên, đến nay, sản phẩm hoa sen ướp của Công ty Khởi Minh Thành Công đã bước đầu hoàn thiện.

Công thức ướp hoa tươi ở Đà Lạt chỉ có thể áp dụng cho các loại hoa có đài như hồng, cúc, cẩm chướng… Còn hoa sen thì cực kỳ khó vì không có đài. Thời gian từ lúc cắt dưới đầm đến khi xử lý phải nhanh, khoảng từ 1-2 giờ, thậm chí chúng tôi phải tiền xử lý ngay tại đồng. Có như vậy mới giữ được sắc hoa tươi, bền màu và tự nhiên nhất. Cần 7 ngày để tạo nên một bông hoa và 3 ngày để sản phẩm ổn định rồi mới bán ra thị trường” – anh Công chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP HCM với chuyên ngành công nghệ hóa học, anh Trần Phong Nhã (SN 1987; ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vào làm việc cho một công ty tại tỉnh Bình Dương. Đến năm 2013, nhận thấy bản thân cần có những bước đi mới để phát triển kinh tế, anh quyết định khăn gói về quê khởi nghiệp.

Tận dụng hơn 2.000 m2 đất vườn cùng nguồn nguyên liệu mùn cưa gỗ thu mua từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nguồn lao động sẵn có tại địa phương, anh Nhã dồn hết 150 triệu đồng dành dụm để gầy dựng trang trại trồng nấm linh chi và bào ngư.

Sau nhiều tháng trồng thử nghiệm, anh Nhã gặp thất bại do thời tiết không phù hợp nên nấm nuôi trồng bị chết rất nhiều, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. “Nấm linh chi là loại rất khó trồng, đây cũng là bài học đắt giá trong lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi” – anh Nhã kể.

Hơn một năm nay, túi xách đính hạt gạo của anh Khưu Tấn Bửu (24 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) rất được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng để khởi nghiệp thành công, anh Bửu gặp muôn vàn khó khăn. Lúc còn là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, anh Bửu đã kinh doanh tranh gạo và bán sản phẩm qua mạng. Năm 2016, anh nghĩ ra ý tưởng đính hạt gạo lên túi xách và bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm này. “Lúc đó, tôi chỉ có trong tay 30 triệu đồng nhưng vẫn quyết tâm làm. Tôi ra chợ mua nhiều loại túi xách, giá từ 100.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng để đem về đính hạt gạo lên” – anh Bửu nhớ lại.

Dự án khởi nghiệp từ nấm của anh Trần Phong Nhã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao. Ảnh: Duy Thanh

Dự án khởi nghiệp từ nấm của anh Trần Phong Nhã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao. Ảnh: Duy Thanh

Bắt đầu từ cái tâm

Với vùng nguyên liệu hơn 5 ha từ việc liên kết và thu mua của nông dân tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, trung bình mỗi ngày, Công ty Khởi Minh Thành Công có thể sản xuất 2.000 hoa sen ướp. Nguồn hàng này được cung cấp đến các khu du lịch, cơ quan chính quyền tỉnh và thông qua Công ty Hoa Tâm Việt để tiêu thụ tại TP HCM. Thậm chí, anh Ngô Chí Công còn tận dụng mối quan hệ với một số bạn bè tại nước ngoài để đưa hoa sen xuất ngoại.

Trong khi đó, rút kinh nghiệm sau thất bại và cải tạo lại trang trại bằng việc lập một mái nhà bằng lá, gieo cấy nấm đúng mùa để tạo thời tiết phù hợp cho cây nấm phát triển, anh Trần Phong Nhã đã đạt kết quả như mong đợi. Đến nay, mỗi năm, trang trại thu hoạch khoảng 1,5 tấn nấm linh và 10 tấn nấm bào ngư; doanh thu hơn 250 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Chi nhánh Cần Thơ), các bạn trẻ khởi nghiệp thường có ý tưởng mới nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Có những sản phẩm cơ bản lúc đầu nhận được sự hỗ trợ của nhà trường, giáo viên nhưng nếu đi tiếp thì phải có một người dẫn dắt mới có thể thành công.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng trong hành trình khởi nghiệp, việc kích thích đam mê phải tạo được mối liên kết bằng chính “cái tâm”. Tâm của người khởi nghiệp là tạo ra sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương; cái tâm từ chính quyền, bộ phận giữ vai trò tác động, định hướng, hỗ trợ. “Điều quan trọng là trên hành trình khởi nghiệp, từ chính quyền – doanh nghiệp – người dân phải thấu hiểu ý nghĩa câu nói muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” – ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: “Chính quyền địa phương xác định thúc đẩy khởi nghiệp trên nền tảng đổi mới, sáng tạo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương theo phương châm chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng những dự án khởi nghiệp“.

Đồng Tháp phát động cuộc thi dự án khởi nghiệp

Tỉnh đoàn và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp vừa phát động cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề “Nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng tỉnh Đồng Tháp”.

Mục đích của cuộc thi là nhằm tìm kiếm các giải pháp, dự án hay, có giá trị phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội và giới thiệu cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư xem xét, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.

Dự án xuất sắc được hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh xem xét, đề xuất cho vay vốn để phát triển từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Theo NLD
Bạn đang đọc bài viết Người trẻ miền Tây khởi nghiệp tại chuyên mục Khởi nghiệp của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,
Người trẻ miền Tây khởi nghiệp
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here