Bằng cách phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ những bạn trẻ có ý tưởng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, các cấp bộ Ðoàn thanh niên huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đang dần tạo ra một mạng lưới khởi nghiệp năng động, sáng tạo và tràn đầy sức trẻ.
Anh Ngô Quang Tuấn (ngoài cùng bên trái) đón đoàn kiểm tra của Tỉnh đoàn Bắc Giang khảo sát mô hình khởi nghiệp trồng lan rừng.
Đến thăm anh Ngô Quang Tuấn (thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) vào một buổi sáng đầu hè oi ả, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khu vườn lan xanh mát mắt với mùi hương thơm ngát. Ít người biết rằng, vườn lan đỏng đảnh, “khó chiều” này đã được anh Tuấn tự tay vun trồng, chăm bón từ gần chục năm nay. Anh Tuấn cho biết, ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường tại Trường đại học Nông – Lâm Thái Nguyên, anh đã mơ ước có một khu vườn trồng lan. Ra trường, dù bận rộn trong vai trò cán bộ khuyến nông của thị trấn Thắng, anh vẫn cố gắng dành thời gian hiện thực hóa ước mơ thời sinh viên.
Vườn lan cảnh của cán bộ khuyến nông trẻ Ngô Quang Tuấn được chuyển đổi thành mô hình kinh tế cách đây khoảng ba đến bốn năm. Thời điểm đó, gia đình và bạn bè thấy anh rất “có duyên” với cây lan nên khuyến khích anh chuyển đổi sang làm kinh tế. Cũng như những nhà khởi nghiệp trẻ khác, anh Tuấn gặp không ít khó khăn về nguồn vốn phát triển mô hình. Gom góp số tiền tiết kiệm nhiều năm từ đồng lương công chức, anh vay mượn thêm người thân được khoảng 100 triệu đồng để dồn cho vườn lan. Quả thật, ngay từ khi bắt tay vào chuyển đổi sang mô hình kinh tế, vườn lan của anh Tuấn phát triển thuận lợi hơn nhiều mô hình trồng lan khác ở Bắc Giang, nhờ anh nắm vững kiến thức chuyên môn về nông nghiệp từ khi còn đi học cùng kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc lan. Tiếng lành đồn xa, nhiều thanh niên ở cả địa phương và các tỉnh lân cận đã “cắp sách” đến học nghề của chàng công chức trẻ yêu lan. Ngô Quang Tuấn liền thành lập một hợp tác xã trồng lan, đồng thời đảm nhận trách nhiệm cố vấn, bao tiêu đầu ra cho các “đồng nghiệp” mới vào nghề.
Hiện tại, anh Tuấn sở hữu khu vườn rộng hơn 100 m2, chia làm hai tầng, với tổng cộng gần 20 loại lan quý hiếm trong tất cả các mùa. Trong đó, nhiều loại lan quý như hồ điệp, hoàng thảo long nhãn, vảy rồng, đuôi cáo… Mô hình trồng lan của anh đã được đoàn kiểm tra của Tỉnh đoàn Bắc Giang lựa chọn giới thiệu với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ vốn vay, phát triển mở rộng trong thời gian tới.
Ðối với những thanh niên đam mê làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ mang lại sự hỗ trợ kinh tế, mà còn là nguồn động viên quý báu về mặt tinh thần. Bởi hiện nay, không ít bạn trẻ nói chung và thanh niên tỉnh Bắc Giang nói riêng luôn ấp ủ những kế hoạch khởi nghiệp táo bạo, nhưng lại chưa dám mạnh dạn thực hiện do thiếu sự cổ vũ, động viên cần thiết. Anh Trần Văn Vượng và mô hình chăn nuôi chó giống tại xã Lương Phong (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) là một thí dụ điển hình. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cho nên khi chia sẻ về mô hình khởi nghiệp mới, anh Vượng lập tức bị phản đối. Thế nhưng, chàng thanh niên dáng người nhỏ bé với giọng nói rụt rè vẫn bắt tay vào nuôi những con chó đầu tiên trong “trang trại” của mình. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc, cho nên đàn chó đáng giá cả gia tài với người dân quê lần lượt mắc bệnh, ốm đau liên miên. Nhiều người trong thôn biết chuyện, được dịp cười chê, cho rằng anh “dở hơi”, “thừa thời gian” và “không biết quý đồng tiền”. Không nản lòng, anh tự mày mò, tìm hiểu kiến thức trên in-tơ-nét, đồng thời tìm đến những người nuôi chó có tiếng tại Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm.
Dần dần, đàn chó trở nên khỏe mạnh hơn và bắt đầu mang về lợi nhuận. Anh Vượng tiếp tục dùng nguồn tiền thu được để “thử sức” với nhiều loại chó giống lớn, mở rộng các loại hình dịch vụ như chăm sóc chó tại nhà, hỗ trợ nhân giống… Chỉ sau vài năm, “trang trại” của anh đã có hơn 20 chú chó với nhiều chủng loại quý, có giá trị cao như Dobermann, Rottweiler, Labrador, Phú Quốc… Từ thành công ấy, mô hình chăn nuôi chó giống của anh đã được Tỉnh đoàn Bắc Giang giới thiệu vay vốn khởi nghiệp của Ngân hàng Chính sách xã hội.