Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: “Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền”

0
379

Ruồi là loài đem lại cảm giác “ghê” mỗi khi nhắc đến, nhưng có một loại ruồi có giá trị kinh tế cao vì biến chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi. Mỗi tháng, 3 người đồng sáng lập doanh nghiệp nuôi ruồi Larva Farm có doanh thu khoảng từ 180 triệu đến 350 triệu đồng.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: "Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền"

Đó là câu chuyện nuôi ruồi lính đen của anh Nguyễn Văn Nhu (sinh năm 1992, quê Bến Tre) . Anh Nhu tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, chuyên ngành kỹ sư điện. Sau 5 năm đi làm, anh Nhu bỏ nghề để bắt đầu nuôi ruồi lính đen và xây dựng thương hiệu Larva Farm.

Gần 2 năm gắn bó với con ruồi, anh Nhu đã có 2 trang trại: một tại Nhơn Trạch, Đồng Nai; một tại Củ Chi, TPHCM. Câu chuyện chàng trai Bến Tre đi nuôi ruồi còn mang một ước mơ khác, đó là tham gia vào chuỗi thức ăn vật nuôi, tăng thu nhập cho người nông dân.

Bố mẹ không kịp ngăn cản tôi

Là một kỹ sư, vì sao anh lại bỏ nghề để nuôi ruồi – loại côn trùng mà nhắc tới người ta đã không có thiện cảm?

Khi mình đam mê một cái gì đó thì biểu hiện cụ thể nhất là không bao giờ chán. Tôi cũng mê ngành kỹ thuật nhưng khi đi làm được 2-3 năm thì tinh thần bắt đầu chùn xuống vì công việc cứ êm đềm trôi.

Tôi suy nghĩ phải tìm ra hướng đi mới để thay đổi cuộc đời và làm giàu. Trong 2 năm sau đó tôi đã trải qua nhiều dự án làm ăn thua lỗ như kinh doanh thuốc Nam, đầu tư tiền ảo, sản xuất miếng dán chóng bụi cho mũi…

Vào một ngày, tôi vô tình lướt thấy tiêu đề “Nuôi ruồi bán lấy trứng thu hơn trăm triệu mỗi tháng”. Tôi đã dành ra một tháng để nghiên cứu mọi ngóc ngách về nghề mới này. Hai tháng sau tôi bắt đầu xây dựng 1 trại nhỏ đầu tiên và chính thức bén duyên với nghề nuôi ruồi.

Bố mẹ anh phản ứng ra sao khi con trai bỏ việc để theo công việc mới này?

Bố mẹ không kịp ngăn cản tôi. Sau cú điện thoại vào chiều hôm trước thì sáng hôm sau vật tư làm trại đã chuẩn bị đầy đủ tại nhà. Bố tôi đã giúp tôi rất nhiều trong giai đoạn chập chững bước vào nghề mới, từ xây dựng chuồng trại cho đến chăm sóc ruồi lính đen. Gia đình luôn là chỗ dựa chứ không phải rào cản đối với tôi.

Khu anh ở bao quanh là rừng. Đã bao giờ anh thấy nuôi ruồi là lựa chọn sai lầm và anh muốn bỏ cuộc?

Một khoảng thời gian làm tổ trưởng quản lý anh em, tôi biết được công việc văn phòng là như thế nào. Thời gian đó tôi đã bị stress do tính chất công việc, tay chân ít hoạt động, đầu óc luôn căng thẳng kể cả khi rảnh việc. Vì vậy, tôi nghĩ công việc trong văn phòng với quần áo phẳng phiu tươm tất không phù hợp với tôi.

Nuôi ruồi đến nay đã gần 2 năm nhưng tinh thần khởi nghiệp vẫn còn hừng hực và ngày càng mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ tôi đã chọn đúng. Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền. Tôi cảm thấy mình làm rất tốt trong lĩnh vực này và quan trọng hơn nữa là xã hội cần tôi làm việc này.

Kiếm tiền từ ruồi lính đen

Anh có thể chia sẻ, ruồi lính đen có lợi ích kinh tế như thế nào?

Phong trào nuôi ruồi lính đen bắt đầu rầm rộ tại Việt Nam từ tháng 12/2018. Trải qua gần 2 năm, ruồi lính đen đã không còn quá mới mẻ với người nông dân.

Tuy mang tiếng là ruồi nhưng ruồi lính đen có hình dạng rất giống ong bắp cày. Ấu trùng ruồi lính đen có hình dạng giống con dòi nhưng có 10 vạch đen xung quanh thân rất dễ phân biệt.

Loài ấu trùng này sẽ chuyển đổi phế phẩm hữu cơ thành nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi , ngoài ra còn tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 1.

Cận cảnh ruồi lính đen. Ảnh: Nhu Nguyễn

Người ta thường cho ấu trùng ruồi lính đen ăn các phế phẩm hữu cơ như: bột phế phẩm từ các cơ sở chế biến bún; Cơm thừa từ các xí nghiệp, căn-tin; bã các loại hạt sau khi đã lấy dầu hoặc sữa; rau củ quả hư hỏng ngoài chợ, thậm chí phân gà, vịt, heo cũng dùng để nuôi ấu trùng ruồi lính đen.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 2.

Bên trong trại ruồi của anh Nguyễn Văn Nhu. Ảnh: Nhu Nguyễn

Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của mảng này?

Quy mô thị trường này rất lớn. Để dễ tưởng tượng, tôi có thể lấy ví dụ: 1 ao cá lóc 30 tấn cá thì mỗi ngày sử dụng khoảng 2,5 tấn thức ăn. Giá trị năng lượng trao đổi trong thức ăn công nghiệp cho cá và ruồi lính đen là gần bằng nhau (không tính khoáng, vitamin….).

Doanh thu mang lại mỗi ngày nếu chỉ bán riêng cho khách hàng này là khoảng 25 triệu đồng. Chỉ riêng cá tra có sản lượng thu hoạch tại Việt Nam hàng năm trên 1 triệu tấn, chúng ta có thể thấy được nhu cầu thị trường là rất lớn.

Anh đang nuôi ruồi ở đâu?

Trại ruồi đầu tiên của tôi được thành lập tháng 1/2019. Tháng 6/2010, Larva Farm được thành lập. Hiện Larva Farm có 2 chi nhánh:

Chi nhánh 1 ở Đồng Nai. Đây là mô hình chuẩn để khách đến tham qua vì được đầu tư bài bản và đẹp đẽ. Diện tích nuôi ấu trùng 400 m2, diện tích mùng 150 m2, khuôn viên khoảng 3000 mét vuông.

Tại đây, chúng tôi thuê 1 công nhân và 1 người nhà. Trại này để sản xuất trứng ruồi lính đen bán cho khách, sản lượng từ 500 gram đến 900 gram trứng mỗi ngày.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 3.

Ấu trùng của ruồi lính đen làm thức ăn cho heo, gà, vịt, chim, cá… Ảnh: Nhu Nguyễn

Chi nhánh 2 ở Củ Chi. Diện tích máng nuôi sâu thương phẩm 1000 m2. Sản lượng sâu canxi sản xuất mỗi tháng khoảng 25-35 tấn (sản xuất theo nhu cầu khách đặt hàng). Diện tích màn nuôi ruồi lính đen lấy trứng khoảng 200 m2, mỗi ngày cho ra khoảng 700 gram trứng.

Khuôn viên trại 4 ha bao gồm các hạng mục khác như ao cá chuồng gà. Trứng này dùng để sản xuất ấu trùng là chính, nếu dư mới bán ra ngoài. Số nhân công tại trang trại này là 3 người.

Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng chi nhánh 3 tại Xuân Lộc, Đồng Nai.

Đâu là nguồn thu chính của anh từ ruồi lính đen?

Chúng tôi có 2 nguồn thu chính: trứng ruồi lính đen (giống), ấu trùng ruồi lính đen. Trứng ruồi lính đen mỗi ngày với sản lượng 0,5 kg – 1kg với giá trung bình 5-8 triệụ/kg.

Nguồn thu nhập từ ấu trùng ruồi lính đen do bán sỉ là chính. Chúng tôi cung cấp cho các ao nuôi tôm, cá bè, và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá bán sỉ 10.000/kg. Ngoài ra Larva Farm còn bán lẻ ấu trùng ruồi lính đen cho các trại gà đá 30.000 đồng/kg. Nhu cầu của nhóm này khá cao nhưng sản lượng không lớn.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 4.

Ấu trùng ruồi lính đen dùng làm thức ăn cho gà. Ảnh: Nhu Nguyễn

Thêm vào đó, sản phẩm ấu trùng sấy khô, giòn, phồng mang tên Larva Food đã chính thức lên kệ tại các cửa hàng chim cá cảnh thú cưng tại khu vực miền Nam trong tháng 9/2020. Trong tháng 10/2020 chúng tôi tiếp tục triển khai trên thị trường miền Bắc và cuối cùng là miền Trung.

Theo định hướng phát triển của trại, chúng tôi theo dõi và quan sát những hướng đi của các nước phát triển ruồi lính đen trước Việt Nam và đi theo lối đi của họ.

Theo đó, chúng tôi sẽ phát triển thị trường bột đạm từ ấu trùng ruồi lính đen để làm nguyên liệu chăn nuôi. Đó là quãng đường còn rất dài và gian nan.

Bỏ việc tại một công ty lớn, đổi lại cảnh hàng ngày tiếp xúc với mùi rất khó chịu từ thức ăn của ruồi, hẳn việc nuôi ruồi mang lại cho anh thu nhập xứng đáng?

Do trại vẫn còn trong giai đoạn khởi nghiệp, đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng nên lợi nhuận được xoay vòng tiếp tục chứ không phân chia cho cổ đông. Trại đang có 3 thành viên sáng lập (bao gồm tôi). Doanh thu mỗi tháng dao động từ 180-350 triệu, tùy từng tháng. Lợi nhuận trứng khoảng 50%, của sâu khoảng 30%.

Nhưng quan trọng hơn, từ khi bước chân vào ngành này, tôi có cơ hội gặp rất nhiều người là chủ của những trang trại chăn nuôi. Dù là mình tìm đến hỗ trợ họ xây dựng chuồng trại hay bán sản phẩm cho họ thì tôi cũng được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp, có người còn dạy tôi cách làm người.

Có thể nói, họ vừa là khách hàng, vừa là thầy của mình, đó cũng có thể xem là thu nhập về kiến thức và công việc chăm sóc khách hàng, gặp gỡ họ cũng là công việc yêu thích.

Không phải ai cũng chịu nổi những “nỗi sợ” của việc nuôi ruồi

Có những người nuôi ruồi lính đen đã bỏ cuộc. Anh thấy trở ngại việc nuôi loài này là gì?

Nuôi ruồi lính đen, theo tôi có nhiều trở ngại, nhất là trong việc kinh doanh trực tiếp các sản phẩm của ruồi lính đen. Cụ thể:

Thứ nhất, trứng ruồi lính đen sau khoảng 48 giờ là bắt đầu nở, khoảng 3-4 ngày là nở hết hoàn toàn, chúng cần có nơi trú ngụ và thức ăn. Việc tích trữ tồn kho trứng là không thể.

Cho nên, phải tìm kiếm khách hàng đều đặn và liên tục mỗi ngày. Nếu không tìm được số lượng khách để tiêu thụ hết lượng trứng, bắt buộc trang trại phải để lại nhân giống tiếp tục. Nếu dư quá nhiều, việc hủy bỏ sẽ xảy ra vì dư thừa.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 5.

Trứng của ruồi lính đen. Ảnh: Đỗ Lan

Thứ hai, ấu trùng ruồi lính đen được xuất bán vào khoảng 12-14 ngày tuổi. Nếu không tìm được khách hàng để bán hết lượng hàng, đến ngày tuổi thứ 17-20, những con ấu trùng ruồi lính đen này sẽ lột vỏ biến thành màu đen sau đó sẽ hóa kén và nở thành ruồi.

Vì vậy, việc chế biến, tinh chế ấu trùng ruồi lính đen thành các sản phẩm có thể bảo quản được như sấy khô, làm đạm vi sinh là cần thiết.

Nhìn thấy ruồi, người ta đã rất ghê. Còn với anh, anh ngán nhất điều khi nuôi ruồi?

Lúc mới khởi nghiệp chúng tôi ngán nhất là tiền. Chúng tôi nghĩ phải cần nhiều tiền mới có thể bắt đầu và thành công được. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu, khởi nghiệp cần vốn (kiến thức chuyên môn, tư kinh doanh, maketing…) chứ không cần nhiều tiền.

Chúng tôi đã nhận được lời mời đầu tư từ rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Hiện chúng tôi đang hợp tác với 2 đơn vị để phát triển quy mô. Tuy đã được đầu tư trang bị đầy đủ, nhưng vấn đề môi trường vẫn là vấn đề lớn cần giải quyết để tránh mùi hôi trong chăn nuôi ảnh hưởng môi trường. Bài học là đã có công ty lớn bị ngưng cấp phép nuôi ruồi lính đen.

Vấn đề thứ hai là pháp lý. Lợi ích của ruồi lính đen rất to lớn nhưng đến nay cơ sở pháp lý của Việt Nam về ruồi lính đen vẫn chưa được hình thành. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc mạnh dạn phát triển quy mô cũng như xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Nhu cầu thị trường ở nước ngoài là rất lớn, do chi phí sản xuất tại nước họ khá cao.

Một thực tế là cái mùi đồ ăn của ruồi lính đen rất khó chịu, anh đã vượt qua và có giải pháp như thế nào về vấn đề này?

Sau quá trình nuôi tôi cũng đã học hỏi được nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng mùi thức ăn của ruồi. Chúng tôi sử dụng chế phẩm sinh học (vi sinh), dùng những vi sinh vật có lợi ức chế vi khuẩn để khống chế mùi hôi, vi sinh cũng làm tăng hiệu suất của thức ăn, giúp tiết kiệm thức ăn hơn.

Biện pháp này đã được ứng dụng rộng rãi và đạt được hiểu quả cao. Việc sử dụng vi sinh sẽ tốn thêm chi phí chăn nuôi. Vì vậy tôi đã tìm tòi, tìm được biện pháp nhân giống vi sinh vật tại nhà, tốn rất ít chi phí, trong thời gian tới tôi sẽ chia sẻ rộng rãi cho bà con nông dân trên kênh youtube của Larva Farm. Hi vọng sẽ giúp ích được cho nhiều người, giúp cho người nông dân đỡ khổ hơn.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 6.

Ấu trùng của ruồi lính đen làm thức ăn cho cá.

Tôi tin, ruồi lính đen sẽ cải thiện được cuộc sống của nhiều người

Trong tương lai, anh muốn mở rộng mô hình như thế nào?

Chúng tôi muốn xây dựng một nhà máy hiện đại với quy trình nuôi ấu ruồi lính đen hoàn toàn bằng máy móc như một nhà máy ở Trung Quốc đã làm. Lúc đó sản lượng mới có thể đủ lớn, đủ ổn định để cung cấp cho thị trường.

Tôi mong muốn việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong chăn nuôi sẽ được đại trà và quảng bá nhiều hơn. Như vậy, người chăn nuôi có cơ hội tiếp cận, giúp giảm chi phí và đem lại lợi nhuận nhiều hơn.

Tôi tin, ruồi lính đen sẽ cải thiện được cuộc sống của nhiều người.

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền - Ảnh 7.

Nuôi ruồi được gần 2 năm, anh có chia sẻ gì với những người muốn khởi nghiệp ở mảng này?

Sau gần 2 năm nuôi ruồi, chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn muốn khởi nghiệp và làm giàu từ con ruồi lính đen như sau:

Tìm hiểu thật kỹ mọi ngõ ngách thông tin về kỹ thuật nuôi, tốt nhất là đến tham quan các trang trại nuôi lớn để học hỏi cách thức xây dựng chuồng trại của họ cũng như đặt những câu hỏi để được giải đáp cụ thể.

Nên bắt đầu từ nhỏ đến lớn, hãy thử nghiệm để có kinh nghiệm tránh mất thêm học phí.

Vấn đề đầu ra luôn là câu chuyện muôn thuở. Bạn cần có kỹ năng bán hàng nếu kinh doanh trực tiếp sản phẩm ruồi lính đen. Tuy là mảng mới nhưng hiện nay cạnh tranh rất cao.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!



Theo Đỗ Lan

Trí thức trẻ

Bỏ nghề kỹ sư, chàng trai đi nuôi ruồi trong rừng: “Tôi được làm việc mình thích, kiếm được tiền”
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here