Câu chuyện đời doanh nhân

0
674

Vô số diễn đàn diễn ra để khen thưởng tầng lớp doanh nhân về những thành quả kinh doanh, về hội nhập kinh tế, về chấp hành chính sách pháp luật, về sự đổi mới sáng tạo, nghĩa cử vì cộng đồng…

Mà quả thật, nhìn trong xã hội, ta có thể gặp những câu chuyện về doanh nhân xứng đáng được tôn vinh! Nhiều doanh nhân nổi tiếng cuối đời hiến tặng cả khối tài sản cho xã hội, như anh Phạm Văn Bên – Cố Chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, hiến cả một ký túc xá 500 chỗ và những suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó.

Nhiều doanh nhân cuối đời đã hiến cả tài sản của mình để thành lập các quỹ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, cả tài trợ nghiên cứu vũ trụ.

Có doanh nhân nổi tiếng trên thế giới đã tài trợ cho các nhà khoa học tìm ra các loại thuốc chữa trị những căn bệnh thế kỷ. Có nhiều doanh nhân đến với những người không may mắn trong xã hội với những mái ấm tình thương ngôi nhà tình nghĩa, với những chiếc xe lăn, với những suất học bổng khuyến học khuyến tài.

Có nhiều doanh nhân tài trợ xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội. Họ làm bằng cái tâm và tấm lòng thiện nguyện, bằng sự tử tế, chứ không phải để đánh bóng tên tuổi cho riêng mình.

Nhiều người nhìn người giàu mà cứ tưởng rằng họ “giàu ba họ”, sinh ra đã giàu có!?! Đúng là có những người như vậy! Tuy nhiên, có biết bao doanh nhân thành đạt hôm nay đã đi lên từ hai bàn tay trắng, trải qua những nghề tạm gọi là thấp hèn, như: bồi bàn, phụ bếp, mua bán nhỏ, thu gom phế liệu, bán cà rem.

Doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh là một trong những người như vậy. Họ giàu là nhờ biết chắt chiu, dành dụm. Họ làm giàu nhờ ý chí mạnh mẽ, không cam chịu, không đổ thừa cho số phận. Họ làm giàu nhờ biết học cách làm giàu, khát vọng làm giàu cho mình, cho quê hương xứ sở.

Họ làm giàu để chứng minh rằng doanh nhân Việt không hề thua kém thiên hạ về sự thông minh, tài trí, về khát vọng sống, làm việc và cống hiến. Họ giàu là nhờ biết nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội cho chính mình. Họ cũng “lao tâm khổ tứ”, thức khuya dậy sớm, dọc xuôi ở trong nước, vùng vẫy ở nước ngoài, đối mặt với bao sóng to gió lớn, rủi ro chốn thương trường. Thậm chí có lúc trắng tay, nhưng rồi họ lại đứng dậy tiếp tục đi lên từ con số không.

cau chuyen doi doanh nhan
Bao doanh nhân thành đạt hôm nay đã đi lên từ hai bàn tay trắng, trải qua những nghề tạm gọi là thấp hèn, như: bồi bàn, phụ bếp, mua bán nhỏ, thu gom phế liệu, bán cà rem

Đúng là trong số doanh nhân cũng có người này, người nọ. Cũng có kẻ mua gian bán lận, cũng có người làm hàng gian hàng giả, cũng không ít làm giàu mà bất chấp đạo đức xã hội. Cũng có người giàu tiền bạc mà nghèo nàn về tình thương với đồng loại.

Cũng có người làm giàu mà làm tổn thương đến môi trường, đến cộng đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, là cá biệt. Vì vậy, vai trò và vị trí của tầng lớp doanh nhân mới được xã hội trân trọng ghi nhận. Kinh tế tư nhân đã được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước rồi. Nhà nước chăm lo cho các doanh nghiệp hiện có mạnh lên, bền vững hơn. Nhà nước đã có cả chính sách quốc gia về khởi nghiệp để số lượng doanh nghiệp nhiều hơn nữa, nhiều người giàu có hơn nữa. “Dân có giàu thì nước mới mạnh” mà!

Sách xưa ghi nhận: “… Sáu năm được mùa thì sáu năm mất mùa, cứ 12 năm thì có một lần đói lớn. Phàm giá gạo mua hai bán mười thì có hại cho nhà nông, mua chín bán mười thì có hại cho người buôn. Người buôn bị hại thì của cải không có, nông dân bị hại thì cỏ dại không trừ. Lên không quá mua tám bán mười, xuống không dưới mua ba bán mười thì nghề nông nghề buôn đều được lợi, giá gạo ổn định vật dụng đầy đủ, chợ không thiếu hàng”. Vậy đấy, không có doanh nhân, không có người giàu thì làm sao xã hội ổn định và phát triển? Nhiều người hay than rằng: “Giàu nghèo có số cả, giầy dép còn có số nữa kia mà?”.

Vậy là an phận rồi! Nếu cứ suy nghĩ như vậy, sẽ tự bằng lòng, rồi đeo đẳng cái kiếp nghèo. Và rồi sẽ tiếp tục nhìn người giàu với cái nhìn thiếu thiện cảm. Trong một xã hội bao giờ cũng có những người vượt lên trước để kéo những người khác đi theo. Không bao giờ có cảnh dàn hàng ngang mà đi cả.

Vấn đề là phải làm sao kết nối mọi người lại với nhau, hỗ trợ nhau, tiếp sức cho nhau trên con đường gồ ghề đi đến sự giàu có, thịnh vượng. Muốn vậy, đừng tiếp tục hoặc bắt đầu tạo ra sự đố kỵ, mặc cảm, khoét sâu hố ngăn cách giữa nghèo và giàu.

Không ai “giàu ba họ, và không ai khó ba đời”. Chỉ thái độ của mình quyết định mình “giàu” hay “khó” cho mình thôi. Chỉ có sống không cam chịu, chỉ có “thắng không kêu, bại không nản” thì mình mới có cơ hội vững bước tiến lên phía trước trong môi trường làm ăn kinh tế luôn biến đổi không ngừng!

Thời báo Doanh nhân

Câu chuyện đời doanh nhân
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here