Đàm (36 tuổi), lớn lên ở đất cà phê Đắk Lắk nhưng chưa một ngày anh biết đến con dao, cái cuốc vun đất, làm cỏ. Con út trong nhà có 4 anh em trai, cha là thầy giáo, mẹ làm nông, Đàm được chiều chuộng từ nhỏ.
“Đây có lẽ cũng là căn nguyên để tôi sa đà vào tội lỗi. Năm tôi 13 tuổi, bố bị bệnh nặng, cả nhà tập trung chăm bố, không ai quản lý, tôi lêu lổng, ăn cắp tiền vàng của nhà, lập băng đảng trộm cướp để làm đại ca, sống giang hồ”, Đàm kể.
Gia đình nhỏ của Đàm; Ảnh nhân vật cung cấp
Biết đau khi mẹ khóc
“Ngày đó, thu hoạch một rẫy cà phê là thu được nhiều cây vàng. Khi đã lún sâu vào các trò điện tử, rượu chè, chất kích thích với đám bạn, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao ăn cắp được nhiều tiền. Tôi lén nhìn mẹ cất vàng, đánh cho mình một cái chìa khóa và rút mỗi lần cả chỉ vàng. Trước khi vào tù, tôi lấy trộm của nhà có khi đến 10 cây vàng. Anh trai nhiều lần cầm cả bó cà phê hay dây thép đánh tôi thập tử nhất sinh, nhưng tôi vẫn chứng nào tật đó”, Đàm nhớ lại những năm tháng ăn chơi không suy nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của người mẹ vất vả gầy dựng sự nghiệp bên rẫy cà phê và người cha liệt nửa người vì tai biến.
17 tuổi, Đàm cầm đầu băng nhóm cướp tài sản dọc các quốc lộ 27, 26, 14 và bị bắt. Sau khi được tại ngoại để thi xong THPT, Đàm bị tuyên án 30 tháng tù giam. Từ con cưng của cả nhà, Đàm phải đi cải tạo, cuốc đất, chăn lợn, xây nhà, nhưng tâm tính của đứa con ngỗ ngược vẫn không mấy đổi thay. Ra tù, Đàm vẫn chơi bời lêu lổng. Có lần, anh cả nói chuyện với Đàm, hoặc đi theo giang hồ và từ mặt gia đình, hai là quay trở về sống đúng nếp nhà. Đàm chưa quyết định ngay, cho đến một tối, anh đi chơi về và bắt gặp mẹ liêu xiêu vác một bao tải lớn cà phê nặng trĩu và té ngã, bà ôm chân Đàm và khóc: “Đừng đi nữa, ở nhà đi Đàm ơi”. Lần đầu tiên, tiếng nói của chữ “người” bật lên trong Đàm: “Tôi đã làm gì bao năm qua? Tại sao tôi có thể ăn chơi trác táng như vậy khi mẹ ở tuổi này vẫn cơ cực như thế. Mắt tôi nhòe đi. Tôi phải làm lại”.
Sau tất cả, tôi nhận ra, cái gốc rễ của một con người chính là gia đình, bờ bến bao dung để một người quay đầu và làm lại, cũng chính là gia đình. Hãy trân trọng và yêu thương tổ ấm của mình trước khi quá muộn
Đàm vào TP.HCM, ở trọ cùng người anh thứ 3 đang học bác sĩ để ôn thi ĐH. Vì mất căn bản, anh mua tất cả sách giáo khoa từ lớp 7 để ôn lại từ đầu. Nhiều bạn bè giang hồ cũ rủ rê, Đàm mua sợi xích lớn, xích chân mình vào chiếc rương, quăng chìa khóa đi, đến bữa nhờ bạn mua cơm hộp về. Học ngày đêm, năm đầu tiên anh thi được 22 điểm, dù không đậu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM như mong đợi nhưng anh học ngành công nghệ thông tin của một trường khác, sau đó ôn thi lại và đỗ vào ngành cơ khí ô tô của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Mẹ Đàm vui đến khóc ngất đi, nhưng niềm vui chưa bao lâu, Đàm sa chân vào đường dây tiêu thụ xe gian khắp các tỉnh thành. Anh chưa thể dứt hết máu giang hồ trong mình.
24 tuổi, Đàm lại vào tù. 12 tháng trong trại giam, Đàm gặm nhấm sự hối hận, cắn rứt, xót xa khi mỗi lần mẹ vượt hàng trăm cây số vào thăm và mang cho anh những món ăn anh thích nhất, tóc mẹ đã bạc đi rất nhiều. “Mẹ khóc và dặn tôi cố gắng cải tạo để về. Tôi bảo mẹ, không nỗi khổ nào có thể giết được con, chỉ có nỗi nhớ mẹ khiến con chết mất”, Đàm rưng rưng kể.
Đứng dậy sau vấp ngã
Với quyết tâm làm lại cuộc đời, vừa ra tù, Đàm tiếp tục hoàn thành chương trình ĐH và sớm trở thành sinh viên năng nổ của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Được nhiều thầy cô, bạn bè quý mến, Đàm xây dựng cộng đồng liên quan lĩnh vực ô tô OTO-HUI với hơn 200.000 thành viên.
29 tuổi, tốt nghiệp ĐH, anh xin làm việc không lương cho một công ty, không ngần ngại làm tất cả các việc từ quét dọn, lập trang web, quảng cáo, thiết kế bao bì sản phẩm… Công ty đến bờ vực phá sản, phải mở tiệm cà phê để duy trì tồn tại, Đàm kiêm cả nhân viên trông xe. Anh động viên ngược lại ông chủ của mình: “Cháu đang chờ chú dạy cháu bài học, đứng lên sau thất bại như thế nào”.
Chặng đường dài gầy dựng sự nghiệp, Đàm chưa thể quên 5 lần khởi nghiệp và phá sản: “Năm 2011 tôi phá sản với một dự án phần mềm, năm 2012 phá sản với dự án dành cho xe máy, sau đó lại khởi nghiệp và phá sản tiếp với chuỗi sửa xe máy công nghệ cao. Năm 2013 phá sản với dự án chống trộm thông minh dành cho xe máy, sau đó dự án kỹ thuật ô tô VN cùng 2 người bạn nữa cũng không thành công”.
Tháng 6.2013, Đàm xin giấy phép thành lập Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật ô tô VN (VAST) với 4 thành viên, cung cấp dịch vụ đánh bóng nano, chăm sóc xe hơi nhưng có thời điểm ngồi chơi cả tháng trời vì không có khách. “Ngày chúng tôi có hợp đồng đầu tiên ở Bến Tre, chuyển giao mô hình chăm sóc xe hơi tại đây, giá trị 30 triệu đồng, 4 anh em lái xe giữa ngày mưa gió, làm việc mệt nhoài, mừng rỡ chia nhau những đồng thù lao đầu tiên”, Đàm nói.
Đến giờ, VAST là một tập đoàn lớn với 4 công ty con, chuyên đầu tư các dự án khởi nghiệp về công nghệ – kỹ thuật dành cho ngành ô tô; nghiên cứu nhập khẩu, phân phối các thiết bị chẩn đoán, sửa chữa ô tô; tổ chức các khóa huấn luyện về kỹ thuật và dịch vụ chuyên ngành ô tô; tổ chức các sự kiện trong ngành ô tô.
Đàm đã có tổ ấm của riêng mình với một nữ bác sĩ, cùng nhau có một bé gái đáng yêu. Nhưng có một nỗi day dứt đến giờ vẫn chưa khiến Đàm nguôi ngoai, khi VAST mới thành lập được chưa đầy 4 tháng, mẹ anh bị bạo bệnh và qua đời. Thời gian nghiệt ngã không thể nào quay trở lại, để anh được có mẹ, ôm trong vòng tay và động viên “Đàm ơi gắng lên con!”.
“Sau tất cả, tôi nhận ra, cái gốc rễ của một con người chính là gia đình, bờ bến bao dung để một người quay đầu và làm lại, cũng chính là gia đình. Hãy trân trọng và yêu thương tổ ấm của mình trước khi quá muộn”, Đàm xúc động.