Với những người hay lang thang ở những quận trung tâm hay khu phố Tây ở TP. HCM và Hà Nội hẳn là đã không ít lần thấy những mô hình giấy xếp tinh xảo để làm đồ lưu niệm, được rất nhiều người bán rong mang đi chào mời khắp nơi. Và nếu bạn ấn tượng với những mô hình kiến trúc bằng giấy đó 1, thì bạn sẽ ấn tượng 10 khi thấy những sản phẩm tương tự của TayTa.
Như chia sẻ của Lê Ngọc Tuấn Anh – founder của TayTa với chúng tôi, ngay cả người Nhật – thủy tổ của bộ môn 3D Kirigami (sản phẩm đầu tiên mà anh sáng tạo là dựa vào việc nghiên cứu cách tạo hình – kỹ thuật của nghệ thuật này của người Nhật), cũng hết sức ngạc nhiên và thán phục khi thấy những tác phẩm thủ công kỳ công và độc đáo của TayTa. Và quan trọng hơn nữa, là Tuấn Anh có thể công nghiệp hóa chúng mà vẫn giữ được những những giá trị cốt lõi của bộ môn nghệ thuật này – tinh tế và mộc mạc.
Để có những thành quả đó, chàng trai trẻ sinh năm 1989 này đã trải qua rất nhiều thăng trầm và thử thách, mà nếu anh không quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp thì chắc chắn đã không phải đau khổ như thế.
Tác phẩm đầu tiên được thai nghén trong vòng 6 tháng chỉ với suy nghĩ đơn giản – làm gì đó thật đặc biệt tặng ‘người dẫn đường’ sắp đi Ý
Startup Lê Ngọc Tuấn Anh – founder của TayTa
Không như nhiều câu chuyện khởi nghiệp khác, lý do và hành trình khởi nghiệp của Tuấn Anh khá kỳ lạ. Sau nhiều năm lang thang khắp Việt Nam với nghề kiến trúc sư và cũng tích cóp được một số tiền nhất định, cách đây hơn 3 năm, anh đã quyết định về Huế nghỉ ngơi sau một quãng thời gian dài làm việc vất vả liên tục.
Cũng trong thời gian đó, Tuấn Anh biết ‘người dẫn đường’ cho mình sắp đi định cư tại Ý, nên anh quyết định phải làm cái gì đó thật đặc biệt để tặng cho người ấy. Sau nhiều lần cân nhắc suy nghĩ, Tuấn Anh quyết định làm mô hình nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế – một trong những biểu tượng kiến trúc tôn giáo ở Huế, dựa vào nghệ thuật xếp giấy của Nhật Bản, cụ thể là 3D Kirigami.
Sau đó, kiến trúc sư trẻ này đã mất 6 tháng để hoàn thành tác phẩm của mình; từ nghiên cứu các kỹ thuật về nghệ thuật cắt xếp giấy của người Nhật, đi khảo sát thực địa công trình, đo đạc để có bản vẽ sơ bộ công trình, cân đối hài hòa tỷ lệ và kích cỡ để cắt lớp trên máy tính cho chính xác, cắt laser… Bây giờ hồi tưởng lại, kể cả bản thân Tuấn Anh cũng không hiểu vì sao lúc đó mình lại “điên” và kiên nhẫn hay chấp nhất đến vậy, khi chỉ mày mò làm 1 tác phẩm bằng giấy trong 6 tháng liên tục mà không làm bất cứ công việc gì khác.
“Có lẽ, tôi là người hội tụ đủ những yếu tố để thành công ra sản phẩm đầu tiên. Ba tôi là thợ mộc, nên tôi cũng di truyền được sự khéo tay – tỉ mẩn của những người thợ mộc ở Huế. Từ nhỏ, tôi đã thích làm các con vật nhỏ xinh bằng gỗ, rồi sau đó tự chơi. Bây giờ, thỉnh thoảng ba tôi còn đùa, nếu để lại những sản phẩm mà Tuấn Anh hồi đó hay tạo ra, có khi lại bán được tiền. Nói chung, tôi có đủ kiên nhẫn để ngồi làm bất cứ thứ gì, nếu tôi thích.
Hơn nữa, tôi còn xuất thân từ kiến trúc sư, nên có kiến thức tổng thể về một công trình, mặt bằng, mặt cắt, cách triển khai và sắp xếp một công trình như thế nào“, Tuấn Anh cho biết.
Tuần tự nhi tiến, Tuấn Anh cùng 4 người bạn nữa, đã mang sản phẩm và mô hình kinh doanh này đi thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế năm 2016 và đạt giải nhất. Rồi sau đó, với ý nghĩ muốn làm gì đó cho quê hương bằng cách giới thiệu những vẻ đẹp tiêu biểu của Huế qua các tác phẩm của TayTa, Tuấn Anh đã quyết định dừng chân và khởi nghiệp tại Huế.
Một tác phẩm của TayTa về kiến trúc tiêu biểu của TP. HCM.
Từ đỉnh cao tới vực sâu, cú vấp ngã ‘đầu rơi máu chảy’ ngay vạch xuất phát
Tuy nhiên, đời không như là mơ! Cuộc đời không vì lý tưởng tốt đẹp hay khát vọng cháy bỏng lập nghiệp của ai đó mà nhẹ tay với họ. Trong năm đầu tiên khởi nghiệp, quả thật Tuấn Anh đã bị cuộc đời ‘dần’ cho te tua.
Với tinh thần ‘vị nghệ thuật’, anh đã thuê hai mặt bằng khá hoành tráng tại thành phố Huế để trưng bày các tác phẩm của TayTa, nhằm thu hút khách du lịch và làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định sáng suốt với một doanh nghiệp còn non trẻ như TayTa.
Cùng thị trường khá hẹp ở thành phố Huế, nhà cung cấp các linh kiện để cải tiến sản phẩm rất hiếm…, TayTa không chỉ gặp khó khăn trong việc cải tiến sản phẩm mà còn rất khó khăn trong việc bán sản phẩm. Thế nên, với việc doanh thu ít hơn tiền mặt bằng cộng tiền chi phí vận hành – sản xuất, số tiền ít ỏi mà Tuấn Anh tích cóp được trước đó đã nhanh chóng đội nón ra đi. Và đau đớn hơn, những đồng đội từng cùng anh chinh chiến ở cuộc thi khởi nghiệp năm nào cũng ra đi nốt.
Có thể nói, đó là những năm tháng mà Tuấn Anh phải vẫy vùng giữa ‘vũng lầy’ do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo nên. Nguyên nhân khách quan là anh vẫn khá ngây thơ trong những ngày đầu khởi nghiệp cũng như không lường trước được những khó khăn mà một doanh nghiệp sản xuất có thể gặp phải ở giai đoạn đầu tiên; còn nguyên nhân chủ quan thì quả thật Huế không phải là địa phương lý tưởng để những sản phẩm của TayTa có thể nhanh chóng bay cao và bay xa.
Một mô hình về dự án bất động sản mà TayTa đã thực hiện.
Tỉnh dậy sau chương trình Shark Tank và quyết định hành phương Nam
Theo đó, đầu năm 2018, để có thể vực dậy TayTa cũng như tìm lối ra cho doanh nghiệp, Tuấn Anh đã quyết định lên Shark Tank gọi vốn. Và như chúng ta đã biết, Tuấn Anh không hẳn thất bại nhưng cũng chẳng thành công, khi anh từ chối duy nhất lời mời từ Shark Trần Anh Vương vì cho rằng ông trả quá rẻ.
“Dù không gọi được vốn, nhưng Shark Tank đã giúp thương hiệu TayTa được biết đến nhiều hơn cũng như giúp tôi tỉnh ra. Sau khi quay trở lại Huế, tôi quyết định lần nữa vào TP. HCM khởi nghiệp, làm lại từ đầu.
Khi quyết định vào đây tôi cũng đã rất là đắn đo suy nghĩ, vì Huế đã kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Nhưng mặt khác, kiểu như nếu như tôi ‘không đi sẽ chết’. Thêm nữa, tôi muốn bắt đầu lại từ đầu, không thấy thì không phiền lòng và không đau“, Tuấn Anh hồi tưởng về việc hành phương Nam của mình vào thời điểm năm ngoái.
Tuy nhiên, như mọi sự việc khác, đập đi xây lại lúc nào cũng gian truân và mệt mỏi. Để có thể lập nghiệp lần nữa ở TP. HCM, Tuấn Anh buộc phải đi vay mượn tiền. Nhưng, kể cả thế thì anh vẫn chưa đủ cẩn trọng với số tiền mà mình có và tiếp tục mắc sai lầm với bài toán thuê showroom trưng bày.
Anh đã thuê một cửa hàng sang chảnh ở đường Cách Mạng Tháng 8, nhưng sau vài tháng thì không thể một lúc kham nổi cả tiền mặt bằng showroom và tiền vận hành – chi phí sản xuất ở công xưởng tại quận Thủ Đức; thế là lần nữa đóng cửa showroom.
“Sau khi vào TP. HCM, tôi đã hợp tác với thêm 2 người bạn, họ hùn một số cổ phần nhỏ và giúp tôi chuyện sale – marketing, còn tôi chỉ chuyên tâm vào sản xuất. Kể từ đó, TayTa bắt đầu từ từ tốt lên và phát triển đúng theo những gì tôi mong đợi lúc quyết định bước vào con đường khởi nghiệp“, Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo Tuấn Anh, quyết định vào TP. HCM khởi tạo lại TayTa là một trong những quyết định sáng suốt trong cuộc đời của anh. Mặc dù vẫn luôn áy náy vì đã bỏ quê hương ra đi, nhưng với anh, ‘TP. HCM quả là thiên đường của giới khởi nghiệp’.
Tại đây, anh đã rất dễ dàng trong việc tìm nhà cung cấp, trong khi lúc ở Huế anh đã gặp rất nhiều khó khăn – linh kiện không những mắc mà còn nhiều thứ tìm chẳng thấy; ví dụ như chốt – dây thừng, phích cắm đèn mà anh đang mua của 1 startup tại TP. HCM… Sau khi chọn được nguồn hàng thích hợp, anh chỉ ngồi tại chỗ và nhà cung cấp sẽ mang hàng tới tận xưởng.
Ở khía cạnh khác, TayTa ngày càng tối ưu hóa được quy trình sản xuất. Như đã kể ở trên, để làm ra sản phẩm đầu tiên, Tuấn Anh đã mất 6 tháng, nhưng hiện tại, anh và đội ngũ của mình chỉ mất 3 ngày, kể từ khi khách hàng gửi yêu cầu cho đến lúc ra sản phẩm cụ thể, kể cả sản phẩm màu. Có thể nói, quy trình sản xuất này chính là tài sản lớn nhất mà TayTa đang có.
Để sản xuất 1 sản phẩm, đội ngũ của TayTa phải tiến hành những bước sau: sau khi nhận đơn hàng, nhận cọc, Tuấn Anh cùng 1 đệ tử nữa sẽ thiết kế – đồ họa sau đó cắt ra từng chi tiết, rồi đưa cho nhân công trong xưởng hoặc người làm bán thời gian mang về xếp như kiểu lego, to xếp trước – nhỏ xếp sau. Hiện tại, hầu hết công đoạn trong 1 sản phẩm của TayTa được làm bằng tay, tức là sản phẩm của TayTa được thực hiện thủ công gần như toàn bộ.
Doanh nghiệp này hiện có khoảng hơn 10 nhân viên chính thức và khoảng từng đó người làm bán thời gian. Người làm bán thời gian giỏi, lúc hàng nhiều có khi kiếm từ 8 triệu đến 10 triệu/tháng.
Sản phẩm hiện tại của TayTa đã được cải tiến đáng kể so với thời gian ban đầu, gọn nhẹ và thêm ánh sáng.
Không chỉ ở mặt sản xuất, mặt bán hàng cũng rất là thuận lợi. TP. HCM không những là một thị trường rộng lớn mà còn là nơi để những thương nhân nước ngoài về tìm kiếm nguồn hàng tốt để nhập về nước họ bán.
Hồi ở Huế, doanh thu của TayTa khoảng 100 triệu/tháng, song vào TP. HCM lại lên đến 700 triệu/tháng, đó là còn chưa kể những đơn hàng xuất khẩu lớn. Hiện tại, TayTa có 3 đơn hàng xuất khẩu với số lượng đáng kể qua Singapore và Mỹ, cũng như sản xuất hàng cho các nhà buôn sỉ đi thăm dò ở thị trường nhiều nước khác nhau trên thế giới. Sản phẩm của TayTa có giá từ 350.000 đồng đến 700.000 đồng ở thị trường nội địa.
“Hiện tại, cuộc sống của tôi gắn chặt với cái xưởng, khi ăn ngủ và làm việc cùng các anh chị em nhân công. Tuy nhiên, tôi lại thấy rất vui! Tôi đã trả được hết nợ và TayTa bắt đầu có lời, doanh nghiệp cũng đang vận hành thông suốt và ngày càng đi lên. Với đà phát triển như thế này, tôi có thể phần nào mường tượng được tương lai tươi sáng của TayTa.
Trong tương lai gần, tôi sẽ lại ra Huế để mở rộng công xưởng ở ngoài đó. Dù gì, thì tôi cũng không thể bỏ Huế được! Tôi dự định sẽ nghỉ hưu lúc 40 tuổi và về Huế sinh sống“, Tuấn Anh tiết lộ mục tiêu của mình và TayTa.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ