Chấn động giới khởi nghiệp: Founder 7X của 1 startup bị phanh phui làm giả bằng tiến sĩ Cambridge, đổi tên để lừa nhà đầu tư tới 2 công ty

0
82

Hiện rất nhiều nhà đầu tư vào công ty của founder này tỏ ra rất tức giận.

Jon Lee – nhà sáng lập kiêm CEO của Vizzio Technologies đang rất bận rộn trong quá trình đưa Singapore tiến vào bản đồ AI của thế giới. Nhưng nhiều năm trước, trong cuộc phỏng vấn với BBC, anh này vẫn đang điều hành một công ty ở Trung Quốc và được tâng bốc rằng đây là “ngôi sao thực thụ”.
Hồi tháng 10/2023, Vizzio là một trong những công ty có trụ sở ở Singapore có mặt trong danh sách 50 startup tiềm năng do tạp chí The Information bình chọn. Nhiều tờ báo khác cũng có những bài viết khen ngợi công ty này.

Nhiều người trong ngành cũng dành những lời có cánh cho Vizzio – công ty vốn nhắm tới sử dụng AI và phần mềm để tạo ra phiên bản 3D của nhiều thứ từ những thứ nhỏ đến cả 1 thành phố với mức giá phải chăng.

Những nhà đầu tư nổi tiếng vào công ty này có cả SIngatel Innov8 và Sinovation Ventures. Kai-Fu Lee – một chuyên gia về AI tạo sinh, đồng thời là Chủ tịch, CEO của Sinovation từng công khai việc rót vốn cho Vizzio và ủng hộ nhà sáng lập.

Nhưng khoảng cuối năm 2023, chỉ vài ngày sau khi tờ Techin asia đăng tải bài viết về Vizzio, đã có những bất ngờ được hé lộ. Trong đó, có việc Jon Lee cất giấu những bí mật vốn giày vò anh ta từ lâu và quan trọng hơn, những tiết lộ này có thể sẽ làm sáng tỏ hơn nữa công việc mà công ty Vizzio và các nhân viên của anh ta đang làm.

Bản thân Lee và 3 người khác thân với anh này đã xác nhận với Techinasia rằng anh ta thực ra là Dennis Lee – cựu Giám đốc công nghệ (CTO) của Elipva – một startup có trụ sở tại Singapore được thành lập trong thời kỳ bong bóng dotcom những năm cuối 1990.

20 năm trước, Lee phải rời công ty sau khi bị The Business Times phanh phui về việc giả thông tin và các giải thưởng, bằng cấp của mình.

Hiện tại, Lee cũng xác nhận rằng tên hợp pháp của anh ta là Lee Seang Fook. Sau khi rời Elipva, anh ta đã tìm kiếm khởi đầu mới và xây dựng nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc. Cuối cùng, anh ta đã thành lập nên Vizzio tại Singapore vào năm 2019.

Chấn động giới khởi nghiệp: Founder 7X của 1 startup bị phanh phui làm giả bằng tiến sĩ Cambridge, đổi tên để lừa nhà đầu tư tới 2 công ty - Ảnh 1.

Tech in Asia đã xác minh về việc Vizzio đang đạt được tiến bộ với những khách hàng thực sự và công nghệ đầy hứa hẹn như họ tuyên bố. Lee cũng nói rằng doanh thu của Vizzio đã tăng vọt lên 12 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2023 từ mức chỉ 2 triệu USD trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, Lee đã không gửi cho Techinasia báo cáo tài chính của Vizzio khi được yêu cầu.

Lee dường như đang trong quá trình chuộc lỗi với sự thành công ngày càng tăng của Vizzio, nhưng anh ta đã “tái nghiện” sở thích khoe khoang quá đà. Sau khi thành lập Vizzio, Lee bắt đầu nói với mọi người rằng anh ta có bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Cambridge ở Anh.

Cuộc điều tra của Tech in Asia đã phanh phui sự thật phía sau tuyên bố này. Thậm chí, tờ Techinasia còn đưa những phát hiện của mình hỏi Lee trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 12/1. Tại cuộc phỏng vấn, Leee thừa nhận không chỉ nói dối về bằng cấp tại Cambridge của mình.

“Tôi thực sự không có bằng tiến sĩ”, Lee nói. “Sau ngày hôm nay, đây sẽ là một sự giải thoát cho tôi. Tôi không còn bí mật nào để che giấu nữa”.

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố này, Tech in Asia vẫn tiếp tục tìm thấy những lỗ hổng trong câu trả lời của Lee.

Ví dụ, một nhà đầu tư của Vizzio cho biết Lee đã đích thân gửi cho họ chứng chỉ Cambridge gian lận của anh ta và kiên quyết về điều này mặc dù Lee khẳng định trong cuộc phỏng vấn rằng anh ta không làm như vậy.

Sự giả dối ở Elipva

Vào tháng 5/2001, bong bóng dotcom vỡ tung còn chỉ số Nasdaq rơi tự do. Những khách hàng vốn đang lo lắng bắt đầu cân nhắc lại về việc mua phần mềm từ Elipva, công ty khởi nghiệp mà Lee – người lúc đó lấy tên là Dennis thay vì Jon – đang giữ chức vụ CTO.

Rồi sau đó, tờ The Business Times bất ngờ tiết lộ rằng Lee đã đưa ra nhiều tuyên bố sai sự thật. Ví dụ, anh ta nói rằng mình là người nhận được giải thưởng MIT-AT&T Innovator 2000. Tuy nhiên, hoá ra đây chỉ là một giải thưởng “hư cấu”.

Chấn động giới khởi nghiệp: Founder 7X của 1 startup bị phanh phui làm giả bằng tiến sĩ Cambridge, đổi tên để lừa nhà đầu tư tới 2 công ty - Ảnh 2.

Một giải thưởng giả tạo khác mà Lee gọi là “giải thưởng AI hiếm có” do Hiệp hội vì sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AAAI) và Đại học Stanford tài trợ. Hai nhà tài trợ nói với The Business Times rằng giải thưởng không tồn tại.

Lee củng cố tuyên bố này bằng một chứng chỉ được in trên giấy có tiêu đề thư của Stanford và chữ ký của George Karkowski, một giáo sư không tồn tại, người được cho là giám đốc nghiên cứu tại AAAI và điều hành Phòng thí nghiệm AI của trường đại học. Lee cũng tuyên bố rằng ta là đồng tác giả 4 cuốn sách với một số nhà xuất bản. Tuy nhiên, các công ty xuất bản nói rằng họ không có hồ sơ nào về các tác phẩm được cho là của Lee hoặc bất kỳ hợp đồng nào với anh ta.

Một trong những cuốn sách này đã được trao cho các nhà báo trong 1 hội nghị của Elipva. Nhưng sau đó, cuốn sách được phát hiện là một tác phẩm tự xuất bản, với nội dung được lấy từ các tạp chí nội bộ của một số công ty công nghệ bao gồm IBM, Sun Microsystems, Netscape và SAP.

Bên cạnh việc giả mạo học bổng và giải thưởng của Đại học Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Lee còn không nhất quán về nơi mình học.

Trong báo cáo năm 2001, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New Straits Times của Malaysia, Lee cho biết đã tốt nghiệp “chương trình thạc sĩ được công nhận” tại Đại học Quốc gia Singapore vào năm 1995, nhưng anh ta lại nói với Tech in Asia rằng mình thực sự đã học tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU).

Lục lại hồ sơ của NTU cho thấy Lee Seng Fook, hay còn gọi là Dennis Lee và Jon Lee, đã học ngành kỹ thuật máy tính vào năm 1995.

Sau quá nhiều bằng chứng xác đáng được tung ra, Lee cuối cùng đã bị Elipva sa thải, mặc dù trong cuộc phỏng vấn ngày 12/1 với Tech in Asia, anh ta khẳng định rằng mình đã từ chức. Danh tiếng của Elipva không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau khi những điều bịa đặt của Lee bị phanh phui, mặc dù đây là một doanh nghiệp thực sự và có những khách hàng lớn.

Hồi đó, Lee đã từ chối mọi lời mời phỏng vấn của giới truyền thông. Nhưng ngồi trong phòng họp Vizzio hơn 20 năm sau, người đàn ông 53 tuổi, hiện đã có những vệt bạc trên tóc nhưng vẫn giữ được gương mặt trẻ trung, tỏ ra tiếc nuối.

“Tôi đã phạm phải một sai lầm ngu ngốc, ngu ngốc nhất”, Lee nói. “Khi còn trẻ, tôi khao khát danh vọng và quyền lực – hơn cả tiền bạc. Tôi đã làm rất nhiều điều ngớ ngẩn và đó là một trải nghiệm rất tồi tệ. Tôi đã để mất uy tín”.

Quá khứ của Lee với tư cách là Dennis Lee là một bí mật mở. Cựu nhân viên của Elipva, những người vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau cho đến ngày nay, đã được cảnh báo khi anh ta tái xuất hiện.

Lee nói rằng chủ tịch của Vizzio, Abu Bakar Bin Mohd, người có chân trong hội đồng quản trị của nhiều công ty nổi tiếng ở Singapore, đã được kể về quá khứ của Lee nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ anh ta.

Điều gì đã xảy ra với Lee trong những năm từ khi rời Elipva vào năm 2001 cho đến khi thành lập LightMagic – công ty Trung Quốc có liên kết với Vizzio – vào năm 2018, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

“Tôi thậm chí không thể kiếm được việc làm ở nhà máy vì sẽ không có ai muốn thuê tôi”, Lee nhớ lại. Điều này khiến Lee phải “rời khỏi” Singapore.

Theo Lee, anh ta là thành viên sáng lập của công ty công nghệ di động Picsel của Anh từ năm 1999 đến năm 2009. Công ty đã đệ đơn kiện Apple trị giá 200 triệu USD về các khiếu nại vi phạm bản quyền liên quan đến công nghệ có trên iPhone. Lee nói với Tech in Asia rằng vụ việc đã bị hủy bỏ vì Picsel phá sản.

Hồ sơ LinkedIn của anh ta cho biết từ năm 2009 đến 2019, anh ta đã thành lập và bán một công ty Pixel Games của Trung Quốc với giá 120 triệu nhân dân tệ (16,8 triệu USD).

Tuy nhiên, khi Tech in Asia hỏi về thương vụ này, Lee từ chối cung cấp bất kỳ bằng chứng nào liên quan. Lee chỉ nói rằng Pixel đã được bán cho một tập đoàn game Trung Quốc. Mặc dù Lee đã cung cấp tên tiếng Trung của công ty nhưng Techinasia không thể tìm thấy bất kỳ thông tin chi tiết nào về giao dịch.

“Tiến sĩ. Jon Lee”

Sau khi thành lập Vizzio, Jon không muốn ở lại Singapore lâu vì anh ta vẫn đang điều hành LightMagic ở Trung Quốc. Lee cũng sợ quá khứ của mình sẽ bị đào bới lại.

“Kế hoạch không phải là quay lại đây và lừa đảo mọi người bằng danh tính giả”, Lee khẳng định. Nhưng Covid-19 ập đến nên anh ta ở lại thành phố.

Chính trong thời gian này, Lee bắt đầu tuyên bố có bằng tiến sĩ để nâng cao uy tín cho công ty của mình.

Tech in Asia đã tìm thấy một số thông cáo báo chí của Vizzio gọi Lee là “Dr. Jon Lee”. Ngoài ra, các tài khoản LinkedIn của anh ta cũng như các thông cáo báo chí và các cuộc phỏng vấn khác nhau đều tuyên bố rằng Lee có bằng Tiến sĩ về khoa học máy tính hoặc đồ họa máy tính từ Cambridge.

Chấn động giới khởi nghiệp: Founder 7X của 1 startup bị phanh phui làm giả bằng tiến sĩ Cambridge, đổi tên để lừa nhà đầu tư tới 2 công ty - Ảnh 3.

Các nhà đầu tư cũng được Lee bán cho cuốn tiểu thuyết hư cấu này, nhưng một số đã… không mua. Trong những ngày đầu thành lập Vizzio, Lee nói với một nhà đầu tư tiềm năng rằng anh ta đã nhận bằng tiến sĩ từ Cambridge. Công ty không thể xác minh tuyên bố này và quyết định không đầu tư.

Tương tự như vậy, Tech in Asia không thể xác nhận liệu bằng cấp Cambridge của Lee có phải là thật hay không. Khoa khoa học máy tính của trường đại học nói với chúng tôi rằng không có hồ sơ nào về việc Lee học ở đó.

Khi được yêu cầu giải thích những khác biệt này, Lee thừa nhận rằng bằng tiến sĩ của anh ta là giả tạo.

Lee nói thêm rằng một nhân viên đã thay mặt Lee tạo hồ sơ LinkedIn và tự ý thêm mục bằng cấp Cambridge. Nhân viên sau đó đã vô tình truyền bá lời nói dối thông qua các thông cáo báo chí và các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông.

“Nhưng người đáng trách là tôi chứ không phải họ”, Lee nhấn mạnh.

Để che đậy sự dối trá về bằng tiến sĩ của mình, Lee đã tiến thêm một bước.

Là một phần trong quá trình thẩm định của một công ty đầu tư mạo hiểm cuối cùng đã đầu tư vào Vizzio, họ đã nhận được một bức ảnh có vẻ như là bằng tiến sĩ của Lee.

Nhà đầu tư giấu tên đã gửi cho Tech in Asia một bản sao của tài liệu, sau đó chúng tôi chuyển tiếp đến trường Cao đẳng Churchill của Cambridge, nơi Lee được cho là theo học.

Một nhân viên của trường đã đặt câu hỏi về tính xác thực của và nói rằng “không có hội đồng nào cấp bằng” vào ngày ghi trên giấy chứng nhận. Nói cách khác, “khi đó sinh viên sẽ không thể tốt nghiệp được”.

Nhân viên này cho biết thêm, trường đại học cũng không có hồ sơ về bất kỳ bí danh nào mà Lee sử dụng.

Khi Tech in Asia đề cập đến vấn đề này trong cuộc phỏng vấn ngày 12/1, Lee giải thích rằng đã có “thông tin sai lệch” với công ty VC và anh ta “không cấp cho họ bất kỳ” chứng chỉ nào.

Tuy nhiên, sau khi bị ép hỏi thêm, Lee thừa nhận rằng anh ta đã đưa tài liệu giả mạo cho một nhân viên của Vizzio.

Vào ngày 13/1, công ty VC đã phản đối tuyên bố của Lee, nói rằng một trong những thành viên trong nhóm của họ đã nhận được “bản sao kỹ thuật số của chứng chỉ” từ chính Giám đốc điều hành Vizzio “thông qua tin nhắn cá nhân 1-1, trừ khi ai đó đã xâm nhập vào tài khoản của anh ấy”.

Deja vu

Tình hình ở Vizzio lặp lại chính xác những gì đã xảy ra ở Elipva hơn hai thập kỷ trước. Dẫu vậy, vẫn có sự khác biệt. Thứ nhất, lần này Lee có nhiều nguy cơ hơn vì anh ta hoàn toàn nắm quyền điều khiển với tư cách là Giám đốc điều hành của Vizzio.

Lee cũng lớn tuổi hơn và đã mất 23 năm để cứu vãn danh tiếng của mình. Vizzio dường như đang tăng trưởng dần nhờ sự quan tâm từ các chính phủ và các tổ chức liên kết với chính phủ. Đáng tiếc, đây đều là những cơ quan đặc biệt muốn tránh xa rủi ro về danh tiếng.

Nhưng cả hai tình huống đều giống nhau ở chỗ Lee lại đưa ra những lời nói dối và sự lừa dối của anh ta đang đe dọa hủy hoại công việc của một công ty khởi nghiệp có công nghệ đầy hứa hẹn.

Lee nói với Tech in Asia rằng anh ta đang tìm kiếm người kế nhiệm để có thể “nhanh chóng rời khỏi” Singapore và làm việc trên công nghệ của Vizzio một cách bí mật.

Thật vậy, mọi thứ dường như đang diễn ra theo đúng kế hoạch khi startup AI này bổ nhiệm đồng CEO vào tháng 10/2023 là Chau Nguyen, người từng là đối tác có trụ sở tại Singapore tại công ty tư vấn McKinsey & Company.

Trong khi đó, các cổ đông, hội đồng quản trị và lãnh đạo cấp cao của Vizzio hiện đang vật lộn với sự lừa dối của Lee.

Trong khi đó, một nhà đầu tư cảm thấy rất tức giận. Họ nói với Tech in Asia sau cuộc phỏng vấn: “Có vẻ như người sáng lập vẫn đang đưa ra một loạt lời nói dối”.

SingTel Innov8 đã không trả lời các yêu cầu bình luận nhiều lần. Trong một tuyên bố gửi qua email, Sinovation cho biết họ đã triệu tập một cuộc họp hội đồng khẩn cấp và đang thực hiện “các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư”.

Chủ tịch Kai-Fu Lee, dường như đã xóa bài đăng trên LinkedIn bày tỏ sự ủng hộ đối với Vizzio.

Nhưng ít nhất một thành viên hội đồng quản trị và nhà đầu tư của Vizzio vẫn tiếp tục ủng hộ Jon Lee.

COO John Hui của Vizzo, người ngồi cạnh Lee trong cuộc phỏng vấn với Tech in Asia cho biết: “Tôi nhìn thấy công nghệ và hành trình cá nhân cũng như cách anh ấy thay đổi. Mọi người đều xứng đáng có cơ hội”.

Theo: Techinasia

Phương Linh

Chấn động giới khởi nghiệp: Founder 7X của 1 startup bị phanh phui làm giả bằng tiến sĩ Cambridge, đổi tên để lừa nhà đầu tư tới 2 công ty
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here