Phạm Phan Uyển Đan (Tổng giám đốc Công ty Thiết kế nội thất DAAN Interior), 28 tuổi, mở công ty riêng chuyên về thiết kế nội thất đã gần 3 năm.
Công việc xuất phát từ chính đam mê của Uyển Đan và quyết định hoàn thành tiếp ước mơ của ba – kỹ sư phóng đường thường xuyên đi làm việc xa nhưng đã gác lại tất cả, tìm công việc khác để có thể dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn.
Cô cũng từng ngày cố gắng chứng minh, phản biện và đứng vững với nghề khi một kiến trúc sư đàn anh đã từng nói thẳng: “Con gái không làm được nghề này đâu. Lại càng không làm được kiến trúc sư ngành giải trí – công cộng”. Câu nói này khiến cô đau đáu, ôm mãi để làm động lực thành công trong sự nghiệp.
Từ nhỏ, Uyển Đan đã có thiên hướng yêu thích việc xây nhà bằng bao diêm và vỏ thuốc lá. Ba mẹ sớm phát hiện, bồi dưỡng ước mơ cho cô con gái duy nhất bằng cách cho đi học vẽ. Đến năm lớp 8, Đan xác định mình sẽ trở thành kiến trúc sư.
Đến năm 2 đại học, Uyển Đan chợt nhận ra rằng những đồ án trong trường mang tính lý thuyết và quá vĩ mô như công trình bảo tàng, nhà hát… nhưng khi đi làm, thực tế chắc chắn sẽ không gặp được những dự án lớn như vậy, cô quyết định đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Khi đi làm, Đan lại nhận ra rằng mỗi cá nhân chỉ đảm nhiệm một bộ phận trong tổng thể một công trình, ví dụ người chuyên ngồi ghế triển khai, người thì viết ý tưởng concept, người vẽ phối cảnh 3D… và sẽ mất vài năm kinh nghiệm để trở thành trưởng phòng hay còn gọi là chủ trì dự án.
Từ đây, Đan quyết vạch ra hướng đi trong tương lai – nhất định phải mở công ty riêng, vì chỉ khi làm được điều đó cô mới có thể tự chủ và biến tất cả những thứ trên bản vẽ của mình thành một công trình sống thật sự.
Bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ, Đan quyết tâm đốt cháy giai đoạn. Mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, đi làm thêm, cô chỉ ngủ khoảng 4, 5 tiếng, dành hết thời gian cho việc tìm hiểu lý thuyết và bắt tay thực hành trên những công trình làm khoán sản phẩm, ròng rã mấy năm trời.
Nhưng đến năm thứ 5 đại học, giám đốc của công ty Đan đang làm thêm và cũng là một đàn anh già dặn trong nghề kiến trúc nói với cô gọn lỏn: “Em nên bỏ nghề đi!”. Câu nói khiến Uyển Đan rất sốc. Từng một mình chủ trì thiết kế cả một công trình, giờ anh ấy lại yêu cầu Đan chỉ tập trung vẽ từng cái bàn, cái ghế.
Bảy tháng chịu khó chỉ ngồi vẽ từng thứ nhỏ nhặt, cô bàng hoàng nhận ra mình đã hoàn toàn không hiểu mấu chốt chân bàn liên kết với mặt bàn như thế nào để có phương án vẽ đỡ tốn gỗ. Bấy lâu cô cứ vẽ cho bằng thích và “làm khó” các bác thợ thi công.
Thật ra, một người thiết kế thông minh sẽ biết tính toán thiết kế vật dụng nội thất sao cho không bị lỡ khổ ván, lãng phí nguyên vật liệu. Và người đàn anh ấy đã dạy cô kiến trúc sư tương lai bài học cần phải hãm cái tôi, phải rèn luyện từ những chi tiết nhỏ nhất…
Một công việc nhàn, lương cao ở công ty bạn của ba mẹ đang chờ đợi Uyển Đan ở quê nhà nhưng vì muốn phát triển sự nghiệp với mảng giải trí – công cộng, nên cô quyết định một thân một mình lập nghiệp ở Sài Gòn dù ba mẹ không đồng tình, cho rằng ngang bướng, xốc nổi tuổi trẻ.
Bởi vậy, những khi gặp khó khăn, vất vả trong công việc, Đan chỉ cắn chặt răng, phần sợ ba mẹ lo lắng, phần khác vì đây là lựa chọn của mình nên phải tự chịu trách nhiệm. Bao nhiêu khó khăn, cú sốc phải đối diện khi lập nghiệp nhưng cô vẫn cố gắng chịu đựng, một mình dấn bước trong cái nghề – không – dành – cho – phụ – nữ.
Có những khi một mình trên đường dài, nửa đêm vẫn còn ở công trình, giữa khuya phải đích thân ra ký nhận bảo lãnh trong hệ thống tòa cao ốc, những lúc ấy Uyển Đan không tránh khỏi cảm thấy tủi thân. Nhưng cô chấp nhận đánh đổi, để đi được đến tận cùng của đam mê và khát vọng. Bởi nghề kiến trúc xây dựng không phải là một sân khấu dành cho ca sĩ trình diễn. Đây là ngành nghề của một cuộc thập tự chinh mà họ phải luôn chiến đấu một cách bền bỉ.
Cà phê Souvenir ở Dinh Độc Lập, karaoke Hồ Tràm, các hệ thống karaoke lớn, chuỗi cà phê và quán bar của Sài Gòn… đấy là những công trình lớn Uyển Đan tự hào đã mang dấu ấn của cô.
Lý giải tên công ty, cô giải thích DAAN cũng chính là tên em, nhưng thêm một chữ A để đứng cho vững, hai cái giá vẽ song hành trong cuộc đời. Yếu thế vì là nữ, Uyển Đan phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để biến điểm yếu thành điểm mạnh. Chính vì thế, thời gian dành cho bản thân không còn nhiều, nhưng cô tự hào việc quản lý rất tốt khoảng riêng tư ấy.
Mọi thứ chỉ mới là bước đầu với cô kiến trúc sư nhỏ nhắn luôn mang vác trên vai những nhiệm vụ nặng nề. Cô còn vẽ tiếp giấc mơ, muốn trở thành giảng viên vì tuổi đời nữ kiến trúc sư khá ngắn do bị chi phối về sức khỏe, tuổi tác, gia đình. Yêu đời, yêu người, mỗi sáng thức giấc thấy mình phấn chấn, có người thân bên cạnh, làm công việc yêu thích, với Uyển Đan, ấy là hạnh phúc.