CEO Lozi – Nguyễn Hoàng Trung đã bỏ việc học tại KAIST, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc để bước trên con đường khởi nghiệp. “Chúng tôi ngừng học đại học chứ không ngừng học” là tâm niệm của nhóm bạn trẻ sáng lập lên Lozi thành công.
Quyết định ngừng học theo đuổi đam mê
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, sau khi tốt nghiệp cấp 2, Hoàng Trung thi đậu vào trường Chuyên Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội và quyết định rời xa gia đình đến Thủ Đô trọ học. Thời gian trôi đi, kết thúc 3 năm học tại ngôi trường có bề dày thành tích lớn nhất Việt Nam, chàng trai sinh năm 1992 tiếp tục nhận được suất học bổng du học toàn phần tại KAIST, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, là một trong 3 trường đại học dưới 50 năm thành lập tốt nhất thế giới.
Trong một lần ngồi lướt web tìm kiếm những món ăn đặc sắc, những địa điểm thú vị để vui vẻ cùng bạn bè nhưng không có một website nào có thể giải quyết được nhu cầu một cách triệt để. Lúc này, chàng trai trẻ nhận thấy “ăn gì? ăn ở đâu?” không phải là vấn đề của riêng mình mà là câu hỏi chung của rất nhiều người. Anh chàng ngay lập tức nảy ra ý định xây dựng một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống. Anh quyết định bỏ học để thực hiện ý tưởng.
Trước khi gặp được 3 người bạn đồng sáng lập LOZI, Hoàng Trung đã từng đem câu chuyện
ước mơ của mình kể cho nhiều người và tiếp nhận khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đó là một ý tưởng hay nhưng họ lại không mấy hứng thú. Gạt đi những hoài nghi, kiên định với ước mơ, cuối cùng Trung cũng tìm được những chiến hữu sẵn sàng cùng mình tạo dựng, cùng mình chiến đấu để hiện thực hóa khát khao cháy bỏng đã ấp ủ bấy lâu.
Tại thời điểm khởi nghiệp, Trung đã thực sự gặp phải hàng loạt khó khăn khi giấc mơ về LOZI vẫn chỉ là những nét vẽ mơ hồ và chàng trai loay hoay giữa mớ hỗn độn không biết phải làm gì tiếp theo. Hơn thế nữa, vấn đề vốn kinh doanh cũng là một yếu tố đau đầu không kém.
Trung chia sẻ: “Vốn đổ vào cho LOZI ban đầu chỉ là số tiền tiết kiệm mà Trung tích góp từ những ngày làm thêm tại Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, Trung và một thành viên đồng sáng lập tên Thành Trung đã chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm những nguồn vốn hỗ trợ ban đầu. Có những ngày, cả 2 phải uống đến 3 bình bia to tướng với đối tác để nhận được 2.000 USD tiền tài trợ. Đó là những kỷ niệm Trung nghĩ cả đời này cũng không thể nào quên”.
Và rồi, kể đến những khó khăn trong quá trình 4 người bạn hợp tác cùng nhau, Trung cho biết: “Mâu thuẫn là vấn đề thường xuyên gặp phải nhưng Trung quan niệm đó là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề quan trọng là bạn dám lên tiếng về quan điểm của riêng mình và sau mỗi lần cãi nhau như vậy, mọi người phải cùng ngồi lại phân tích điều gì tốt nhất cho LOZI. Có những cuộc tranh luận mãi không đến hồi kết nhưng là một CEO Trung nghĩ bản thân phải đóng đúng vai trò của riêng mình. Khi đó dù hơi cực đoan nhưng mình sẽ là người đưa ra tiếng nói sau cùng và bắt buộc mọi người phải đi theo”.
Bên cạnh những thách thức trong công việc, thời điểm quyết định rẽ lối về Việt Nam lập nghiệp, chàng trai trẻ còn vấp phải áp lực gay gắt từ phía gia đình.
“Giai đoạn đầu rất khó khăn bởi quyết định nghỉ học của chúng tôi không được gia đình ủng hộ. Mẹ tôi khóc, còn cha giận tím mặt” – Hoàng Trung nhớ lại. Có thành viên chỉ dám về nhà sau khi gia đình đã ngủ say.
“Người ta thậm chí nghĩ tôi cá độ, học không nổi nên mới bỏ học. Thấy cha mẹ buồn và lo lắng vì không rõ công việc con mình đang làm nên chẳng biết giải thích cho hàng xóm như thế nào, thật lòng tôi thấy rất xót xa”.
Nhìn lại hành trình đầy gian nan, Trung tâm sự: “Có đôi lúc mình cảm thấy những nỗi cô đơn không thể gọi tên. Khi ấy, Trung thường tự bước ra khỏi căn phòng làm việc, bước ra thế giới bên ngoài và nhìn lại mọi thứ. Có lẽ đó là cách giúp Trung có cái nhìn tổng quan về tất cả, về những gì đang có và nó tạo động lực để bản thân tiếp tục cố gắng tiến về phía trước”.
Thương hiệu dần định hình
“Kiến tha lâu đầy tổ”, những nỗ lực của LOZI dần được ghi nhận. Nhóm đoạt giải nhì cuộc thi Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp (do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN tổ chức) vào năm 2013 và mới đây là 1/9 công ty khởi nghiệp được đề án Silicon Valley Vietnam (dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học – công nghệ) chọn đầu tư 10.000 USD trong năm 2014.
Quan trọng hơn, số lượng người truy cập vào trang lozi.vn hiện chạm mốc gần 150.000 lượt/ngày và trở thành “người bạn” thân thiết của giới trẻ ngoài Hà Nội. Nguồn thu dần ổn định, LOZI hiện đã có thể trả lương cho nhân viên và có văn phòng ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM, LOZI cũng nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác từ các nhà đầu tư.
Nói về lý do chọn đầu tư vào LOZI, ông Hàn Ngọc Vũ (tổng giám đốc Ngân hàng VIB) cho biết: “Quyết định của tôi đến từ việc LOZI có tiềm năng về mặt quảng cáo, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ngoài ra tôi còn thấy ở các thành viên LOZI sự đam mê cống hiến, tài năng”.
Còn theo ông Phạm Hồng Quất (phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp và thị trường khoa học công nghệ, Bộ Khoa học – công nghệ): “Tiềm năng của LOZI rất lớn, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, nhà hàng…”. Ông Quất cũng cho rằng những sản phẩm như LOZI sẽ góp phần làm cho cuộc sống ngày càng phong phú, tiện lợi hơn.
Khi được hỏi về quyết định bỏ học ngày nào, Thành Trung cho rằng anh chưa từng hối hận bởi: “Tuy kiến thức từ nhà trường có những giá trị nhất định nhưng tôi nghĩ cơ hội không đến nhiều lần trong đời. Và chúng ta cần toàn tâm toàn ý thì việc đi theo đam mê mới ý nghĩa”. Còn Hoàng Trung chỉ trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi ngừng học đại học chứ không ngừng học”.
Ðồng quan điểm, ông Aaron Everhart (người Mỹ, đồng sáng lập tổ chức ươm mầm khởi nghiệp Hatch!Program) nói: “Trường học không là điều bắt buộc, chỉ có tri thức và khả năng tự học mới là điều bắt buộc phải có. Vẫn có nhiều người thành công dù tự học vì họ chịu bắt tay vào làm”.
Tuy bản thân có con đường học vấn bài bản và từng lấy bằng thạc sĩ nhưng ông khẳng định: “Tôi không phủ nhận vai trò của nhà trường nhưng khi cơ hội đến thì chúng ta phải nắm bắt ngay. Tôi tin LOZI sẽ thành công dù tuổi đời còn rất trẻ và nhiều người trong số họ không có mảnh bằng đại học trong tay”.
[…] người biến thất bại thành lợi thế? Thái độ của bạn khi đối mặt với thất bại ảnh hưởng rất nhiều đến công việc tiếp tục hay dừng […]
[…] cả học viên cũng không cần quan tâm đến học phí, bởi đối với chúng tôi, đam mê chinh phục dòng bánh kiêu kì này mới là điều quan trọng nhất”, Hoàng Anh […]
[…] việc xuất phát từ chính đam mê của Uyển Đan và quyết định hoàn thành tiếp ước mơ của ba – kỹ sư […]
[…] những startup (doanh nghiệp mới thành lập), chỉ có đam mê thôi là chưa đủ, doanh nhân cần phải có những tố chất dưới […]
[…] thể, bất cứ nghề nào cũng có thể giúp bạn kiếm ra tiền chỉ bằng niềm đam mê và sự chăm […]
[…] Duy Khoa (TP Huế) được các bạn bè trong nghề yêu mến không chỉ bởi đam mê mà còn bởi những chiếc xe anh làm ra rất sáng tạo và đẹp mắt. Anh cùng nhóm […]
[…] tưởng đến hành động thì nhất định bạn cần có cảm hứng, có động lực, đam mê đích thực. Cảm hứng, đông lực của bạn là thứ thôi thúc bạn hành động và theo đuổi […]