Chàng kỹ sư ‘gàn dở’ và niềm đam mê với nông nghiệp sạch

0
743
chang ky su gan do va niem dam me voi nong nghiep sach
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng khởi nghiệp với sản phẩm xúc xích từ thịt lợn quế của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đồng Farm tại lễ phát động bữa ăn an toàn của TP Hà Nội. Ảnh: HH.

Lạc lối trong “cơn say” nông nghiệp

Cách Hà Nội gần 100km, nông trại lợn giun quế của anh Lê Trọng Hà – nằm cạnh bờ sông Luộc, tiếp giáp giữa hai xã Quỳnh Thọ và An Đồng thuộc huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Khắp khuôn viên nông trại được phủ đầy những sắc màu rực rỡ của hoa. Nếu không được giới thiệu trước, tôi cứ nghĩ đang lạc vào khuôn viên của một gia trang nào đó.

Thay nhanh bộ đồng phục lao động, anh Hà dẫn tôi thăm quan khu nuôi lợn, qua dãy chuồng giun. Nhanh thoăn thoắt, “ông chủ” nông trại vục tay vốc từng vốc bùn đất chứa giun quế lên cho tôi xem: “Nhìn ghê thế thôi nhưng thực ra con giun này vô cùng có ích trong chăn nuôi đấy”.

Rồi anh giải thích: “Khu vực nuôi giun quế này được ví như “nhà máy xử lý chất thải” và sản xuất thức ăn hữu cơ của nông trại. Tất cả chất thải của lợn, bò, gà sẽ được ủ làm thức ăn nuôi giun. Giun lớn lại làm thức ăn cho lợn, gà. Phân giun thì bón cây cối trong nông trại”. Nghe anh nói, tôi mới vỡ lẽ vì sao nông trại chăn nuôi cả mấy trăm con lợn, gà, bò… nhưng không hề có mùi hôi thối.

chang ky su gan do va niem dam me voi nong nghiep sach

Đi thăm nông trại, tôi “mắt tròn mắt dẹt” khi biết anh nuôi lợn bằng… âm nhạc. Anh thiết kế hệ thống âm thanh khắp chuồng trại cho lợn nghe nhạc Pháp thư giãn sau các bữa ăn, để cho chất lượng thịt thơm ngon nhất.

Nghe ông chủ trẻ say sưa nói về kỹ thuật chăn nuôi, tôi không thể hình dung cách đó 2 năm anh còn là một kỹ sư cầu đường “chính cống”, những kiến thức về nông nghiệp với anh là con số không tròn trĩnh.

Chia sẻ về bước ngoặt cuộc đời mình, anh Hà cho biết, ban đầu anh chỉ nghĩ sẽ làm một trang trại nho nhỏ để cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, bạn bè. Nhưng khi bắt tay vào làm, anh mới thấy mình như bị lạc lối trong “cơn say” với nông nghiệp sạch. Anh cùng hai người bạn hùn vốn đầu tư hàng tỷ đồng bắt tay vào chăn nuôi hữu cơ, nói không với tăng trọng, tạo nạc.

“Khi thấy chúng tôi cho lợn ăn giun quế, nghe nhạc, ai cũng tò mò. Có người ái ngại nói, lợn nuôi cám công nghiệp, tăng trọng 3, 4 tháng xuất chuồng còn khó lãi lời huống chi là nuôi như vậy thì đến bao giờ cho lớn?”, anh Hà nói.

Và như dự đoán, lứa lợn đầu tiên phải 8 – 9 tháng sau mới được xuất chuồng, không may cho anh là lại rơi đúng vào thời điểm giá lợn rớt… thê thảm. Lợn nuôi công nghiệp có giá… “rẻ như cho”. Thị trường lợn sạch cũng không nằm ngoài cơn khủng hoảng.

Không thể ngồi nhìn công sức đổ sông đổ biển, anh Hà cùng cộng sự dốc hết những đồng vốn cuối cùng, thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đồng Farm.

Con đường không trải hoa hồng…

Càng làm càng khó, thịt làm ra chất lượng rất tốt, nhưng đã có lần anh phải âm thầm chở đi thiêu hủy vì… tủ bảo quản gặp vấn đề.

Thành quả cả năm trời là… con số 0, hai người bạn dần bỏ cuộc. Bản thân anh chán nản, áp lực: “Lúc đó tôi đã nghĩ đến việc dừng lại”. Nhưng “trong cái khó, ló cái khôn”, anh Hà tìm hướng tiêu thụ thịt lợn quế qua sản phẩm chế biến giò, chả. Tuy nhiên, vì “nói không” với chất bảo quản, hàn the… nên sản phẩm rất nhanh hỏng. Không ít lần anh lại đi… tiêu hủy.

“Nhiều người nói tôi gàn dở, đang ở vị trí điều hành một công ty xây dựng thu nhập ổn định lại quay sang làm nông nghiệp, làm thực phẩm sạch để rồi điêu đứng. Những người bạn động viên tôi đi theo con đường này cũng không dám tin tôi sẽ thành công”, anh Hà tâm sự.

“Trời không phụ công người”, tháng 7/2017, may mắn anh gặp được chuyên gia về thực phẩm chế biến người Đức. Trò chuyện và thấy được tâm huyết của anh, người bạn này đã gợi ý cho anh làm sản phẩm xúc xích từ lợn quế theo công nghệ Đức.

Như bắt được vàng, anh về bàn với vợ cắm nhà, xe vay ngân hàng để đầu tư vào công nghệ và quy hoạch lại trang trại chăn nuôi.

Khi những chiếc xúc xích lợn quế đầu tiên ra đời, anh mang sản phẩm đi kiểm nghiệm và chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Giữa lúc lợn gặp cơn bão xuống giá, rất nhiều người chăn nuôi và tiêu thụ thịt lợn tươi chuyển hướng chế biến thịt lợn thành xúc xích. Câu hỏi luôn khiến tôi trăn trở là làm thế nào để sản phẩm sạch của mình được người tiêu dùng tin tưởng và không bị lẫn vào hàng trăm thương hiệu khác?”, anh Hà nói.

Nghĩ là làm, anh Hà tìm cách dán tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi sản phẩm. Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối 3G, bất kỳ khách hàng nào cũng có thể xem được quy trình chăn nuôi lợn và sản xuất xúc xích, theo dõi được nguồn thức ăn hàng ngày, sự phát triển của từng chú lợn cũng được đánh số.

chang ky su gan do va niem dam me voi nong nghiep sach
Đàn lợn của nông trại được nuôi bằng giun quế và cho nghe nhạc mỗi ngày. Ảnh: HH

Miệt mài, cần mẫn anh đem sản phẩm của mình tới khắp các triển lãm, hội trợ về thực phẩm sạch để giới thiệu. Mặc dù giá xúc xích của anh cao hơn so với thị trường nhưng chỉ cần được nếm thử sản phẩm, khách hàng dù khó tính nhất cũng cảm thấy hài lòng vì chất lượng thơm ngon và khác biệt.

Kiên trì với con đường đã chọn, sau vài tháng ra thị trường, những khách hàng đầu tiên sử dụng sản phẩm lại giới thiệu người quen, bạn bè cùng mua, các đơn bán lẻ cứ nhiều dần. Hiện, sản phẩm xúc xích từ thịt lợn quế của An Đồng Farm đã có mặt tại rất nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội và các thành phố lớn.

Chưa thực sự hài lòng với thành quả có được, nhưng anh Hà vẫn cho rằng đó là những nền tảng đầu tiên, là động lực để anh bước tiếp: “Khởi nghiệp nông nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng cả. Nếu không có sự kiên trì, mục tiêu và sự ủng hộ của những người xung quanh thì sẽ rất khó vượt qua những thử thách phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt”, anh Hà chia sẻ.

Thanh Tra

Chàng kỹ sư ‘gàn dở’ và niềm đam mê với nông nghiệp sạch
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here