Chính phủ cần tạo cơ chế vốn và tín dụng thông thoáng cho startup

0
1802

Nhận định trên được đưa ra tại Diễn đàn Khởi nghiệp lần thứ III với chủ đề “Hệ sinh thái Khởi nghiệp: Mô hình và hiệu quả thực tiễn” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 9/11, tại Hà Nội.

Startup Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí của quỹ đầu tư

Nhận định về tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp ĐMST, trong đó, một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực. Hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp ĐMST cũng rất năng động với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP). Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng của hệ sinh thái.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng, bà Thạch Lê Anh – Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Chủ nhiệm đề án Thung lũng Silicon Việt Nam cho biết, về đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thì thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)… Nguồn vốn đầu tư cho startup của các quỹ kể trên là tương đối lớn nhưng startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn đầu tư của các quỹ này.

Về các kênh huy động vốn truyền thống, startup có thể tận dụng kêu gọi vốn từ người thân và gia đình; ngân hàng; quỹ đầu tư mạo hiểm; sàn chứng khoán; các quỹ của nhà nước, các tổ chức phi chính phủ. Mặc dù có các kênh huy động vốn như trên nhưng startup thường chỉ có thể gọi được vốn từ Nhà đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư vốn giai đoạn đầu. Ngoại trừ lợi nhuận khi bán cổ phần thì số tiền quản lý quỹ là rất nhỏ và thường không đủ để tạo quy mô xây dựng đội ngũ quản lý quỹ. Đây cũng là 2 nguyên nhân chính làm cho startup Việt không có cơ hội phát triển.

Chính phủ tham gia với vai trò nhà đầu tư

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như xây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các tổ chức khởi nghiệp mà còn cần đến rất nhiều từ nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp.

 “Điều quan trọng nữa trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các vùng miền, với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học trong cả nước. Thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vùng và cả nước” – Thứ trưởng nói.

Theo bà Thạch Lê Anh, để giải quyết những khó khăn kể trên, và để thu hút nguồn vốn đầu tư tạo đà cho việc xây dựng thị trường vốn Đầu tư mạo hiểm, Đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) đã nỗ lực thí điểm mô hình đầu tư vốn gieo mầm kết hợp huấn luyện tập trung được gọi là Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh – Accelerator, mô hình đã được minh chứng thành công vang dội ở Mỹ và các quốc gia tiên tiến khác như Singapore, Hàn Quốc…

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ Chính phủ các nước, bà Lê Anh cho biết, trong tất cả các quốc gia có hệ sinh thái Startup đặc biệt phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ… đều có sự tham gia của Chính phủ và không chỉ với vai trò chính sách mà dưới vai trò nhà đầu tư.

“Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời qua đó thu hút khối tư nhân cùng đầu tư startup”, bà Lê Anh nói.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp –Chủ tịch LP Group, Luật hỗ trợ DNNVV có đối tượng hỗ trợ thứ hai là startup, điều này thể hiện chúng ta đã có sự thành công nhất định. Nhưng vướng mắc là câu chuyện khi chúng ta đang nói về hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta đã có mô hình, đã khởi động các mô hình, nhưng còn hiệu quả ra sao vẫn là câu chuyện cần bàn. Khi chúng ta đã có chính sách rồi thì câu chuyện thực thi phải cao lên.

Ông Lộc kiến nghị một số chính sách cần thực thi như tiếp tục và nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV. Để luật đi vào đời sống cần thực thi chính sách trong tính thống nhất, các cơ quan cùng tạo điều kiện chứ không phải một bên trải thảm một bên lại tạo rào cản.

Ngoài ra, đầu tư mạo hiểm cần là nguồn cơ, cần tạo cơ hội cho startup phát triển, bởi quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư và xuống tiền rất nhanh; trao và khuyến khích cho các địa phương cơ chế chủ động trong hỗ trợ startup như Đà Nẵng và Đồng Tháp đã làm.

Cùng với đó, cơ chế vốn và tín dụng cần thông thoáng để cho tư nhân làm thì những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần mới có cơ hội hỗ trợ startup./.

Theo Thời báo Tài Chính Việt Nam

Chính phủ cần tạo cơ chế vốn và tín dụng thông thoáng cho startup
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here