Đây là lý do vì sao nữ CEO start-up tỷ đô cảm thấy may mắn vì mình đã đi làm thuê trước khi làm chủ sự nghiệp của chính mình.
Nhiều người trong chúng ta nuôi dưỡng ước mơ trở thành một doanh nhân thành công, với tài sản hàng triệu USD ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và mơ mộng chuyện thành công chỉ sau một đêm. Điều đó là bình thường, nhưng chưa trải qua những tháng ngày làm nhân viên mà đã nghĩ đến chuyện làm chủ thành công là một chặng đường rất khó mà rất ít người đạt được.
Ankiti Bose, một nhà phân tích tài chính nữ tại Sequoia India và Dhruv Kapoor, một kỹ sư phần mềm tại studio game Kiwi nhanh chóng nhận ra họ có cùng tham vọng khởi nghiệp. Bose và Kapoor từ bỏ công việc và mỗi người bỏ ra 30.000 USD thành lập Zilingo, một nền tảng trực tuyến cho phép các thương nhân Đông Nam Á xây dựng quy mô kinh doanh thời trang.
Vào ngày 5/2/2019, Zilingo cho biết họ đã huy động 226 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Sequoia Capital, Temasek. Zilingo hiện được định giá 970 triệu USD, đồng nghĩa với việc Bose, 27 tuổi, là một trong số các CEO nữ trẻ tuổi nhất lãnh đạo startup gần 1 tỷ USD tại châu Á. Kapoor giữ chức Giám đốc công nghệ của công ty.
Những năm trước khi khởi nghiệp, Bose đã nói: “Tôi giơ tay và nói ‘Hãy dạy tôi mọi thứ’… Tôi làm việc 18 tiếng mỗi ngày vì điều đó rất thú vị. Chúng tôi là một nhóm những người tầm 20 tuổi, không có gì ngoại trừ ước mơ này và chúng tôi quyết định theo đuổi nó đến cùng”.
Trước đó, Bose làm việc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và chính thời gian làm việc văn phòng đó đã giúp cô tích lũy kinh nghiệm, phán đoán chính xác điều gì nên làm và điều gì thì không, những gì sẽ giúp xây dựng một doanh nghiệp bền vững…
Ở vị trí công việc cũ là một nhà phân tích đầu tư, cô đã theo dõi sự xuất hiện của các cường quốc thương mại điện tử như Amazon, Alibaba và Flipkart tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời cho cô thấy cơ hội tại Đông Nam Á – một trong những thị trường sản xuất thời trang lớn nhất thế giới.
Cô phát hiện ra sự phát triển nhanh chóng của thị trường Đông Nam Á trong chuyến đi tới chợ Chatuchak ở Bangkok, Thái Lan. “Mọi người giờ đều có thể truy cập internet nhưng còn những thứ xảy ra trước khi bạn thực sự bán sản phẩm thì sao?”.
Bose đã liệt kê thêm những rào cản chung của các nhà bán lẻ như nguồn cung, thiết kế và quản lý tài chính. Đó chính là những lỗ hổng để Zilingo chen chân vào. Đó là sự khởi đầu để nữ CEO xây dựng công ty Zilingo có trụ sở tại Singapore, chuyên giúp các nhà bán lẻ thời trang bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Với Ankiti Bose, cô thừa nhận mình cảm thấy hạnh phúc vì đã đi làm thuê cho công ty trước khi quyết định tạo dựng sự nghiệp riêng. Trên thực tế, công việc đó đã giúp cô rất nhiều để có được vị trí như ngày hôm nay. “Công việc trước đây đã cho Dhruv và tôi cơ hội đi vòng quanh và tìm hiểu người tiêu dùng thực sự muốn gì” – Ankiti Bose.
Bose nghỉ việc vào năm 2015, ngay trước sinh nhật thứ 24. Cô cùng với người đồng sáng lập Dhruv Kapoor đã dành bốn năm qua để xây dựng một nền tảng thương mại điện tử trị giá gần 1 tỷ USD, để giúp các nhà bán lẻ thời trang độc lập ở Đông Nam Á bán sản phẩm của họ trên online.
Tính đến tháng 2 năm 2019, Zilingo – trụ sở đặt tại Singapore đã có 7 triệu người dùng hoạt động trên toàn cầu và định giá 970 triệu USD. Điều đó đã chính thức đặt Bose vào vị trí người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp có giá trị 1 tỷ USD.
Ankiti Bose và các cộng sự của cô.
Bốn năm kể từ khi bắt đầu khi khởi nghiệp, Bose vẫn giữ được ý thức quan sát nhạy bén đó. Cô vẫn tiếp tục theo dõi ngành công nghiệp và các đối thủ cạnh tranh chặt chẽ, để “đi tắt đón đầu”. Cứ khoảng 3-4 tháng là cô lại học được một điều gì đó mới để ứng dụng cho công ty của mình. Đó cũng chính là cách Bose giúp Zilingo trở nên khác biệt trên thị trường đầy cạnh tranh. Hiện nay, Bose nằm trong nhóm các nhà sáng lập ở Đông Nam Á đang khai thác tiềm năng từ điện thoại thông minh, thương mại điện tử với tiềm năng phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Theo Minh An
Nhịp sống kinh tế