Đào Thu Hiền làm cùng “ông lớn” giáo dục
6 tháng sau thương vụ Tập đoàn ISA, “ông lớn” trong ngành giáo dục Nhật Bản bỏ vốn vào Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam (GPA), tôi gặp lại Đào Thu Hiền tại văn phòng GPA.
“Sau nhiều thủ tục, chúng tôi đã xin xong giấy phép đầu tư cho thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) đó”, Đào Thu Hiền nói và cho biết, GPA đang tung ra thị trường giáo dục một số sản phẩm mới.
Ngoài việc mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng của trung tâm ngoại ngữ, GPA sẽ phối hợp với mạng lưới của ISA để tổ chức trại hè quốc tế ở nhiều điểm đến trên toàn thế giới và ngay hè năm 2018, sẽ có chương trình ở Mỹ, Canada, New Zealand và Nhật Bản. Đối với trại hè quốc tế trong nước, GPA sẽ tập trung vào sáng tạo, mở rộng và đẩy mạnh phối hợp với các trường phổ thông. Trong mảng du học, GPA sẽ tiếp tục đào tạo tư vấn viên và nhân viên, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và mở rộng ra các nước khác ngoài Mỹ và Canada.
Hiền bảo, thương vụ M&A này đã giúp GPA “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư, các phụ huynh và những người làm trong ngành giáo dục Việt Nam. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh doanh gần 50 năm, ISA bỏ vốn vào một công ty non trẻ Việt Nam, nhằm hiện thực hóa chiến lược phủ sóng giáo dục toàn cầu của hai bên.
Lấy bằng thạc sĩ từ hai trường đại học danh giá ở Mỹ, Đào Thu Hiền từng làm việc ở nhiều nước trong 15 năm trước khi trở về Việt Nam để kinh doanh giáo dục. |
Còn ông Atsushi Ikegame, Giám đốc điều hành ISA từng chia sẻ rằng, ông bị thuyết phục ngay lần đầu tiên gặp Đào Thu Hiền tại Nhật và càng ấn tượng hơn khi trực tiếp tới thăm GPA, nói chuyện với các nhân viên, quan sát một trại hè và các lớp học tiếng Anh của GPA.
“Tôi hiểu ngay rằng, với những gì hai bên có, chúng tôi sẽ tạo ra được những cơ hội mới để giúp nhiều thanh thiếu niên Việt Nam và Nhật Bản phát triển tài năng, xây dựng động lực, đóng vai trò tích cực trong một thế giới toàn cầu hóa”, ông Atsushi Ikegame nói và khẳng định rằng, khi mà mọi người đang sống trong thế giới không biên giới, đan xen nhau, thì buộc các công ty phải thay đổi chiến lược.
ISA muốn cùng GPA tổ chức các chương trình cho học sinh Nhật tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam, một thị trường đang nhận được sự quan tâm hàng đầu ở Nhật Bản. Trong khi đó, GPA đang muốn mở rộng hai mảng trại hè và du học ngắn hạn, hai lĩnh vực mà ISA có bề dày lịch sử và kinh nghiệm.
Với Đào Thu Hiền, vì GPA có tham vọng “phủ sóng” toàn cầu nên không quan trọng ai làm chủ, mà chỉ mong có “người đồng hành” để có thể mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.
Ước mơ xây thương hiệu giáo dục việt
Có hai trường phái đối với những người bước vào kinh doanh. Có người chỉ kinh doanh cái gì đó nho nhỏ nhưng kiếm thu nhập cao. Có người lại muốn tạo ra sản phẩm nào đó mang tính bền vững, phục vụ nhu cầu xã hội, đưa doanh nghiệp của mình thành tập đoàn lớn.
Đào Thu Hiền theo trường phái thứ hai. Cô muốn xây dựng thương hiệu giáo dục Việt Nam nhưng có thể cạnh tranh về chất lượng và tính sáng tạo ở tầm quốc tế. Có hoài bão đó, có lẽ là bởi Hiền đã có 15 năm ngao du và làm việc ở nước ngoài.
Công việc gần nhất của Đào Thu Hiền trước khi về Việt Nam là quản lý dự án tại Văn phòng Thị trưởng New York. Sau 6 năm làm việc ở đó, nhận thấy thành phố lớn hàng đầu nước Mỹ này đang gần bão hoà, Hiền quyết định rời vị trí này để tìm một thử thách mới, có thể tạo sự đổi thay lớn cho xã hội…
Lần nhảy việc này, Đào Thu Hiền quyết định giã biệt Mỹ để trở về Việt Nam (năm 2013). 15 năm sống ở nước ngoài, Hiền lao vào học tập và làm việc như thiêu thân, ít liên lạc với gia đình, ít tìm hiểu tin tức về Việt Nam. Với chị, lần trở về này như đang đến một đất nước mới mẻ và đầy bí ẩn cần khám phá.
Với những gì đã có trong tay, Hiền muốn dùng kinh nghiệm và những quan hệ của mình góp phần giáo dục thế hệ trẻ có tầm nhìn và năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.
Theo Hiền, học sinh Việt Nam có khả năng tài chính và học lực, nhưng vẫn thiếu thông tin và dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Là một người đã đi trên con đường ấy, Hiền muốn GPA sẽ chính là “bệ phóng” để các em học sinh có đủ tự tin theo đuổi các mục tiêu cao hơn trong học tập và sự nghiệp.
Từ trải nghiệm của bản thân, Hiền nhận thấy, cần phải phát triển toàn diện cho trẻ từ nhỏ. Các em khi rời khỏi cha mẹ, sẽ tự tin, độc lập, ít chịu ảnh hưởng bởi số đông.
Là cô em gái út duy nhất trong gia đình có 4 anh em, nhưng Hiền đã tự tin bứt khỏi tình yêu thương của cả gia đình, khi quyết định những điều quan trọng của cuộc đời mà không hề nao núng hay bị ai cản trở.
Hồi bé, Hiền học nhiều hơn chơi. Hiền tự tin vì điều đó. Nhưng khi sang Mỹ du học, cô mất khoảng thời gian dài để kết nối, làm quen với các bạn.
Đáng nhớ nhất là, lần đầu tiên đi lễ hội Halloween ở trường Columbia, Hiền không biết cách trang điểm, mặc váy, uống rượu, khiêu vũ. Ngoài 20 tuổi mà thấy thiếu tự tin vậy thì về sau, khó có cơ hội phát triển mối quan hệ, khó làm điều to tát. Trở về Việt Nam sau ngần ấy năm, Hiền vẫn thấy các em học sinh giống mình ngày trước.
“Điều đó thật tệ. Học sinh đến với GPA sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết”, Hiền khẳng định. Có hai thứ Hiền muốn làm ở Việt Nam: phát triển các kỹ năng cần thiết để học sinh có thể sống, làm việc và nhận thức rõ ràng về bản thân; có quyền lựa chọn, đưa ra quyết định cho cuộc sống mình.
Đây là tư duy hiếm có trong giáo dục ở Việt Nam, khi hầu hết các trường được mở ra chỉ vì muốn cấp cho học sinh cái bằng. GPA không có trường, không cấp bằng thì phải có sản phẩm giáo dục mang tới những lợi ích thiết thân cho học sinh. May mắn cho Hiền, bởi tư duy của các phụ huynh ở Việt Nam về giáo dục đã thay đổi. Chính họ là người mong muốn, thúc đẩy sự thay đổi đó.
Tự hào vì những gì mình có
Ngày đầu năm 2018, trong chuyến du lịch hiếm hoi cùng gia đình, bạn thân tại Nha Trang, khi đón bình minh ở Hòn Tre, Hiền háo hức bóc tờ lịch đầu tiên của năm trên mảnh đất quê hương với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Đã 5 năm từ khi Hiền về Việt Nam lập nghiệp – một quyết định đơn giản với bản thân nhưng lại là điều mà ai cũng hỏi tại sao. Đó là thời gian rất hạnh phúc và ý nghĩa với cô, dù không phải mọi việc đều trơn tru và còn nhiều việc phải làm. Tuy vậy, Hiền vẫn lạc quan về đất nước, con người và tiềm năng của quê nương. Nghèo, chậm, chưa phát huy hết năng lực và còn nhiều bất cập, nhưng phần lớn người Việt Nam cầu tiến, sẵn sàng đối mặt với hoàn cảnh để mưu cầu hạnh phúc, để có một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Và đó là cơ hội cho Hiền.
Mỗi người có một lý do để chọn công việc của mình. Với Hiền, được làm công việc có ý nghĩa và tạo ra giá trị cho xã hội là một may mắn. Vậy nên đến giờ, Đào Thu Hiền vẫn chưa quen với việc mình là doanh nhân.
“Nhưng đúng là phải đặt mình vào vị trí người kinh doanh thì các sản phẩm làm ra mới tốt được”, Hiền nói.
Điều này càng quan trọng hơn khi thị trường Việt Nam đang bị “tấn công” bởi những sản phẩm giáo dục nước ngoài. Nếu không sáng tạo kết hợp kiến thức địa phương với tầm nhìn quốc tế để cho ra những sản phẩm phù hợp và hấp dẫn, thì khó có “cửa sống”.
Nhưng Đào Thu Hiền tin mình sẽ làm được. Niềm tin chính là điểm mạnh nhất ở cô gái có dáng vóc mảnh khảnh, mái tóc đen dài suôn mượt ôm lấy khuôn mặt đầy cá tính này.
Anh Hoa
Đầu Tư