“Cá mập” công nghệ Dzung Nguyễn lấng sân sang lĩnh vực mỹ phẩm
Sau một năm ký thoả thuận và thử nghiệm tại Việt Nam, DHC – “đế chế” trong lĩnh vực sức khoẻ và làm đẹp hàng đầu Nhật Bản đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với CTCP Belie. Theo đó, Belie trở thành nhà phân phối độc quyền của DHC trong 10 năm tới.
Người hậu thuẫn cho Belie là một nhân vật nổi tiếng trong giới đầu tư công nghệ Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Dũng, hay còn được giới khởi nghiệp biết đến là “shark” Dzung Nguyễn. Hiện nay, ông đang là Chủ tịch HĐQT của công ty.
Đây là một dự án mang tính chất cá nhân và shark Dzung đóng vai trò hỗ trợ, không liên quan đến quỹ đầu tư CyberAgent Capital mà ông đang quản lý. Đáng chú ý, Belie là dự án đầu tiên knằm ngoài lĩnh vực công nghệ – vốn được coi là “sở trường” của cá mập công nghệ này.
Ông chia sẻ: “Sau 11 năm đầu tư và triển khai trong lĩnh vực công nghệ, tôi muốn vươn ra một lĩnh vực ngoài công nghệ. Trước đây, tôi có tham gia một dự án phi công nghệ và tôi muốn dành sự hỗ trợ thêm cho các bạn trẻ trong lĩnh vực phi công nghệ”.
Nói về cơ duyên đối với Belie, ông cho biết: “Tình cờ, tôi gặp đội ngũ của Belie cách đây một thời gian, cũng xuất phát ở Nhật Bản. Với tôi, Nhật Bản là quê hương thứ hai. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định tham gia, đóng vai trò Chủ tịch, đồng thời đàm phán thêm với DHC để mang thương hiệu này trở thành nhà nhà phân phối độc quyền của DHC trong 10 năm tới”.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn DHC và nhà phân phối độc quyền Belie ngày 12/1. |
Nhu cầu làm đẹp ở Việt Nam ngày càng tăng cao, đến mức chúng ta thấy nhiều thương hiệu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả tràn lan. Gắn bó với đất nước Nhật 20 năm nay, ông Dzung tin những sản phẩm sản xuất ở Nhật với quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của những sản phẩm mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
“Đấy là lý do khiến tôi tin rằng DHC nên là thương hiệu phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, DHC là thương hiệu có doanh số trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản trong 18 năm liền. DHC có doanh số hàng năm khoảng 1,3 tỉ USD, nhưng lại không phải là công ty niêm yết. Vì vậy, không có nhiều thông tin về giá trị doanh nghiệp của công ty”.
Hướng đến tập khách hàng đại chúng
Thương hiệu DHC được thành lập tại Nhật Bản vào 45 năm trước. Bắt đầu từ một công ty dịch thuật phát triển thành một đế chế trong lĩnh vực sức khoẻ và làm đẹp, hiện nay, DHC là công ty có doanh thu số một ở Nhật Bản thông qua bán hàng thương mại điện tử.
Người đại diện bên phía DHC, thành viên HĐQT của Tập đoàn này, cho biết: “Công ty có 84.000 điểm bán hàng toàn thế giới. Doanh thu hàng năm trên 1 tỉ USD. Công ty muốn phát triển ở các thị trường dân số trẻ như Việt Nam.”
Ngoài mở các showroom để bán lẻ trực tiếp, công ty sẽ có các đại lý phân phối. Bên cạnh đó, Beli sẽ tận dụng sử dụng hệ sinh thái sẵn có: Tiki, Now, Jamja,…
DHC hướng đến tập khách hàng đại chúng. Là thương hiệu phổ biến, không quá cao cấp, shark Dzung kỳ vọng sản phẩm với mức giá vừa phải, nhiều người có thể tiếp cận được. Sau DHC, Belie có thể phân phối những thương hiệu cao cấp hơn trong thời gian tới.
Tuệ An
Theo Kinh tế & Tiêu dùng