Trong vòng gọi vốn đầu tư pre-series A tiếp theo của WeFit sau đợt nhận vốn các quỹ đầu tư ESP Capital, VIISA rót vốn năm 2017, start-up trong ngành dịch vụ tập luyện và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp theo mô hình chia sẻ đã nhận được tới 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác.
Kết quả gọi vốn thành công này được công bố tháng 1/2019, mở màn cho những kỳ vọng về gọi vốn đầu tư của các start-up Việt trong năm nay.
WeFit là hệ thống đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam vận hành theo mô hình ứng dụng chia sẻ phòng tập gym.
Được bán gói ra thị trường từ năm 2017, WeFit là một trong những startup nổi bật nhất tại Việt Nam trong 2 năm qua. WeFit là một nền tảng ứng dụng di động, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại hơn 1000 địa điểm ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.
Thông qua ứng dụng của WeFit, người dùng có thể tìm kiếm và đặt lịch tại những phòng tập thể dục thể thao và các dịch vụ làm đẹp gần nhất và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các đối tác là phòng tập và dịch vụ làm đẹp cũng có thể tối ưu được chi phí vận hành của mình và gia tăng lợi nhuận thông qua lượng truy cập tới từ WeFit.
Hiện tại, WeFit đang phục vụ hơn 150,000 lượt đặt chỗ mỗi tháng, đồng thời giúp các đối tác tăng trưởng trung bình 10% lợi nhuận mỗi tháng. Theo số liệu được cung cấp, một hội viên tại WeFit trung bình tham gia sử dụng dịch vụ nhiều gấp 2 lần thị trường truyền thống. Nhờ những thành tích này, WeFit mới đây đã nhận được giải thưởng Startup của năm 2018 ở Việt Nam do tổ chức ASEAN Ricebowl Awards bình chọn.
Theo thống kê của Mintel và Statisca, thị trường fitness và beauty truyền thống ở Việt Nam ước tính khoảng hơn 2,5 tỷ đô và đặc biệt đang có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, với tốc độ khoảng 25-30%/năm. Số liệu từ tổ chức Y tế thế giới WHO chỉ ra rằng 16% đàn ông Việt đang ở mức béo phì năm 2015, nhiều gấp 3,2 lần 10 năm trước. Tỷ lệ béo phì ở phụ nữ cũng tăng 80% trong 10 năm qua, lên mức 24%. Bên cạnh đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia có tỉ lệ vận động thuộc hàng thấp trên Thế giới. Hiện chỉ có 15,3% dân số Việt Nam tập thể dục nhiều hơn 30 phút một ngày, và 0.46% dân số từng tham gia hội viên của một câu lạc bộ thể thao.
Theo các nhà sáng lập WeFit, thực trạng này xảy ra do các giải pháp hiện tại trên thị trường vẫn chưa đủ thuận tiện và đa dạng cho đa phần mọi người, và WeFit ra đời để giải quyết bài toán này. Sở dĩ WeFit đạt được những thành công bước đầu như vậy là vì đã ứng dụng công nghệ và mô hình kinh tế chia sẻ, để giúp cho mọi người có giải pháp thuận tiện hơn, tốn ít thời gian hơn khi sử dụng dịch vụ, cũng như tạo được giá trị gia tăng cho các đơn vị kinh doanh truyền thống.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc của quỹ đầu tư CyberAgent Capital tại Việt Nam, chia sẻ về lý do đầu tư vào WeFit: “Chúng tôi rất ấn tượng với những gì WeFit đã xây dựng được trong 2 năm qua, và tin rằng WeFit sẽ tạo ra một hành vi chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp ở Việt Nam hoàn toàn khác trong thời gian ngắn tới.”
Theo ông Nguyễn Khôi, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của WeFit, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì được hợp tác với các quỹ đầu tư nước ngoài. Việc có các quỹ đầu tư như CyberAgent Capital tham gia cùng WeFit sẽ giúp chúng tôi rút ngắn rất nhiều thời gian để khai phá thị trường và đưa dịch vụ tới nhiều người nhanh hơn nữa.” Cũng theo ông Khôi, khoản tiền đầu tư lần này sẽ được sử dụng để phát triển giai đoạn tiếp theo của sản phẩm và mở rộng thị trường mới. WeFit đặt kỳ vọng sẽ có 1 triệu người dùng ứng dụng trong năm 2019.
Cùng tham gia vòng đầu tư đợt này với CyberAgent Capital còn có môt quỹ đầu tư của Hàn Quốc và một vài nhà đầu tư thiên thần khác. Dự kiến WeFit -Grab của ngành dịch vụ thể hình – sẽ tiếp tục gọi vốn series A trong năm 2019.