Sáng ngày 12/10 đã diễn ra lễ phát động cuộc thi Thử thách Sáng tạo Xã hội Việt Nam (VSIC) năm 2019. Đây là cuộc thi lâu đời nhất về khởi nghiệp xã hội dành cho các bạn trẻ.
Cuộc thi năm nay có chủ đề “Khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề Môi trường”. Cụ thể, chủ đề xoay quanh, năng lượng bền vững, xử lý rác thải và giải pháp thay thế nhựa, nông nghiệp xanh.
Cuộc thi mong muốn sẽ tìm kiếm, hỗ trợ ươm tạo các sáng kiến khởi nghiệp tiềm năng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay. Đồng thời, hướng đến việc truyền cảm hứng cho những người trẻ đam mê khởi nghiệp và nâng cao ý thức – trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ Môi trường.
Phát biểu tại lễ phát động, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy Chủ tịch Hội đồng Đoàn trường cho biết: “Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng tính kịp thời của các vấn đề của xã hội. Thông qua cuộc thi, BTC muốn lan tỏa giải pháp, dư tuy bền vững bằng các dự án sáng tạo tiềm năng”.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy Chủ tịch Hội đồng Đoàn trường.
Thể lệ cuộc thi là mỗi đội tham gia sẽ gồm 3 thành viên, trong đó có ít nhất một người đang theo học cử nhân, thạc sĩ hoặc ra trường không quá 2 năm. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện, chưa thương mại hóa.
Chị Nguyễn Thị Khánh Huyền, đại diện BTC chia sẻ: “Đây là cuộc thi dành cho các bạn trẻ tìm kiếm những cơ hội kinh doanh để giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường. Chúng tôi tập trung vào giai đoạn sáng kiến, ý tưởng, chỉ cần bạn có sáng kiến về vấn đề môi trường và có thể kinh doanh thì chương trình sẽ có những cố vấn, chuyên gia giúp đỡ các đội thi để có thể xây dựng sản phẩm”.
Chị Nguyễn Thị Khánh Huyền, đại diện BTC.
VSIC là cuộc thi được tổ chức bởi Đại học Ngoại Thương, được phát động trên quy mô toàn quốc với đơn vị thực hiện là Đội tuyển Enactus FTU Hanoi ở khu vực phía Bắc và Business Ideas Team ở khu vực phía Nam.
Cuộc thi được diễn ra trong 4 tháng với 4 vòng thi:
Vòng 1 (1/9-21/10: Các nhóm từ 3-4 thành viên đăng ký dự thi qua đơn Online và chọn ra top 24 để tham gia vòng 2.
Vòng 2 (22/10-24/11): Tổ chức Camp cung cấp kiến thức về xây dựng mô hình kinh doanh, quy trình cơ bản để xây dựng sản phẩm mẫu MVP. Vòng này, ban giám khảo sẽ chọn ra top 12 để vào vòng tiếp theo.
Vòng 3 (26/11-8/12): Tổ chức các buổi networking, mentoring chuyên sâu để đội thi có thể hoàn thiện mô hình kinh doanh và phát triển sản phẩm. Tổ chức buổi triển lãm ở MVP Exhibition là cơ hội để đội thi thể hiện thành quả và nhân sự đóng góp từ các chuyên gia và ban giám khảo. Vòng này sẽ chọn ra top 6 để tham dự chung kết.
Vòng 4: (8/11-22/12): Là giai đoạn nước rút để các đội chơi phát triển mô hình hoàn chỉnh nhất. 6 đội chơi xuất sắc nhất từ 2 miền sẽ tham dự chung kết toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội, cùng nhau tranh tài để trở thành quán quân của cuộc thi và nhận nhiều giải thưởng có giá trị của chương trình.
Kết thúc cuộc thi, đội chơi giành quán quân sẽ được lọt vào chung kết cuộc thi Mekong Challenge 2020 tổ chức tại Myanmar. Đội Á Quân sẽ được lọt vào Top 100 Thế giới của “Lee Kwan Yew Golbal Business Plan Competition” được tổ chức tại Singapore. Và đội chơi giành giải Ba sẽ được tham dự Global Entrepreneurship Bootcamp được tổ chức tại Malaysia.
Minh Minh
Theo Trí Thức Trẻ