– Ấn tượng của bà như thế nào về lĩnh vực mà Revival Waste theo đuổi?
– Bảo vệ môi trường đang là chủ đề thời sự, nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và truyền thông. Một trong những hoạt động trụ cột để bảo vệ môi trường là xử lý tốt nguồn rác thải. Ý thức phân loại rác từ gia đình đang dần hiện hữu trong tư duy, hành vi của nhiều cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ nhưng chưa thành làn sóng tổng thể. Tôi luôn sẵn sàng ủng hộ, đầu tư vào các dự án góp phần thúc đẩy việc hình thành, lan toả làn sóng đó.
Revival Waste là dự án vì cộng đồng và bảo vệ môi trường đầu tiên gọi vốn trong Shark Tank Việt Nam từ mùa một đến nay. Báo cáo tài chính của Revival Waste đang lỗ, nhưng ngành xử lý rác không chỉ mang giá trị nhân văn mà còn có giá trị kinh tế rất lớn. Tôi tham gia dự án này vừa để hỗ trợ con người bạn startup, vừa để lan tỏa thái độ và trách nhiệm đúng đối với rác, với môi trường tới cộng đồng, vừa là đầu tư vào ngành.
– Tại sao bà quyết định đầu tư trong khi dự án đang thua lỗ?
– Đầu tư đúng là tiên phong khai mở hoặc vực dậy một ngành nào đó xã hội có nhu cầu thực sự. Trong tầm nhìn dài hạn, xử lý rác sẽ trở thành ngành công nghiệp tỷ đô trong tương lai. Tôi muốn hỗ trợ các bạn biến rác thành tài nguyên, biến rác thành tiền để các doanh nghiệp cộng đồng vừa mang lại giá trị dân sinh, vừa tạo ra lợi ích kinh tế bền vững.
Giá trị đầu tư một tỷ đồng chưa phải là con số lớn, nhưng tôi tin tưởng vào khả năng phát triển của dự án, bởi họ đã đóng góp cho cộng đồng một giá trị lớn, không đong đếm được bằng tiền. Tôi đồng hành với Revival Waste không chỉ bởi chiến lược vì cộng đồng, môi trường của tôi, mà còn để khích lệ tinh thần tiên phong của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam. Tôi tin rằng từ dấu mốc này, việc khởi nghiệp tạo ra giá trị nhân văn, dân sinh sẽ thu hút các bạn trẻ, từ đó lan toả tinh thần tới toàn xã hội.
Shark Đỗ Liên tại tập 4 chương trình Shark Tank Việt Nam 2019 phát sóng 14/8. |
– Shark Liên sẽ là “bà đỡ” cho Revival Waste trong thời gian tới cụ thể như thế nào?
– Những gì Revival Waste làm được sau 6 tháng hoạt động khá ấn tượng với tôi. Việc lan tỏa dự án đến 18 quận, huyện và 9 tỉnh, thành trên cả nước là một con số đáng kể, và nhà sáng lập của dự án trong những ngày này đang tiếp tục hành trình phát triển mạng lưới đó.
Khi tham gia Revival Waste, trước mắt, tôi và các cộng sự sẽ nghiên cứu kỹ đề án hiện tại, từ đó cùng các bạn xây dựng chiến lược phát triển và nguồn lực chuyên môn. Sau đó, tôi sẽ hỗ trợ tài chính, nền tảng công nghệ, hoạt động truyền thông và các mối quan hệ… để giúp founder Hải Bình hoàn tất quy trình, mở rộng mạng lưới hoạt động; từ đó rác thải sẽ được quản lý và có vòng đời trong một nền kinh tế tuần hoàn.
Shark Đỗ Liên (trái) và Hải Bình – CEO Revival Waste (phải) |
– Nếu thương vụ có lợi nhuận bà sẽ làm gì tiếp theo?
– Phân loại, xử lý rác là ngành rất có tương lai. Revival Waste là đơn vị khai mở, tôi mong các bạn ấy sẽ là đơn vị tiên phong phát triển và sinh lời. Khi đó, tôi sẽ dùng lợi nhuận để tái đầu tư vào chính dự án này để nhân rộng việc phân loại rác từ đầu nguồn (tức từ các hộ gia đình và các tổ chức …). Tôi muốn truyền lại cho các thế hệ tương lai một môi trường sống chất lượng hơn cùng tinh thần sẵn sàng tiếp nối các dự án, mục tiêu vì các giá trị dân sinh, cộng đồng bền vững.
– Làng Chài xưa, Lamita và đến Revival Waste, điểm chung của các dự án bà lựa chọn đầu tư là gì?
– Tại Shark Tank, tôi không đặt ra giới hạn đầu tư tài chính, nhưng tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư rất rõ ràng, đó là ưu tiên hỗ trợ các startup có ý tưởng, dự án mang giá trị nhân văn, vì cộng đồng, môi trường, giải quyết nhu cầu tinh thần – sức khỏe cho con người.
Gu của tôi cũng không đòi hỏi sự hoàn hảo trong kỹ năng quản lý, chuẩn bị số liệu của các startup ở thời điểm gọi vốn, mà coi trọng việc founder là người trung thực, có tư duy hướng thiện, tinh thần cầu thị, có trách nhiệm với bản thân và xã hội… Những tố chất đó sẽ góp phần làm nên thành công cho người khởi nghiệp, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực và giá trị bền vững cho cộng đồng.
Phong Vân