Những năm gần đây, trên mảnh đất huyện Chư Pưh (Gia Lai) được mệnh danh là “nghĩa địa tiêu”. Hàng ngàn diện tích tiêu đang chuẩn bị cho thu hoạch bỗng nhiên bị chết trắng, chết dần. Người không ít người đã phải bỏ xứ mà ra đi vì vỡ nợ.
Tuy nhiên, đối với gia đình ông Nguyễn Văn Đức ( SN 1971, trú tại xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Gia Lai) bị chết 2.000 trụ tiêu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhưng ông vẫn khôi phục vườn cây mình từ các trụ sống trồng cho tiêu bán trước đó.
Tâm sự với chúng tôi, ông Đức cho biết, năm 2008 hai vợ chồng ông rời quê hương Thái Bình vào Gia Lai lập nghiệp. Lúc bấy giờ, ông thấy mọi người đều trồng tiêu nên ông cũng mày mò cách trồng. Khác với mọi người, ông Đức không xây trụ mà ông đã chọn mủ trôm làm trụ sống để tiêu leo.
“Tôi xuất phát từ người nông dân “chân đất” không được học hành nên có biết gì về nông nghiệp. Nhưng qua một người bạn, tôi biết đến tác dụng của cây mủ trôm nên tôi đã chọn cây này làm trụ luôn. Tôi tính vừa nuôi cây lớn để lấy mủ và làm trụ cho tiêu nhằm tiết kiệm chi phí xây trụ bê tông”, ông Đức bộc bạch.
Quả thật không nằm ngoài dự đoán, ông mới thu được mấy vụ thì hàng nghìn trụ tiêu bắt đầu bị bệnh rồi chết sạch. Khi cả xã đang loay hoay với hàng nghìn trụ tiêu chết thì vợ chồng ông Đức chuyển sang khai thác mủ trôm từ trụ tiêu chết. Trung bình mỗi ngày ông có thể khai thác từ 5-7 kg/2000 gốc mủ trôm. Giá trung bình của loại mủ này dao động từ 120.000 đồng- 150.000 đồng/kg.
Vừa lấy mủ, ông Đức vừa chia sẻ: “Vườn cây này trồng cũng được 10 năm rồi, đến năm thứ 4 là cây sẽ cho thu hoạch. Lúc mới trồng cây phát triển khá nhanh. Công đoạn lấy mủ trôm khá đơn giản, chỉ cần chọn các chai nhựa sạch, cắt lấy phần đầu chai. Tiếp đó lấy thanh sắt đục từng lỗ nhỏ trên thân cây vừa bằng với cổ chai rồi nhét chai vào để đựng mủ. Khoảng 5-7 ngày sẽ thu được mủ chảy ra từ chai nhựa, cứ sau 20 ngày sẽ đổi vị trí gắn chai. Mủ trôm có thể thu hoạch quanh năm trừ mùa lá rụng nên hạn chế vì ảnh hưởng đến sự phát triển của cây”.
Trung bình một tháng, 2 vợ chồng thu về khoảng 2 tạ mủ trôm, nếu đắt khách mỗi tháng ông Đức sẽ thu về 20 triệu đồng. Hiện tuổi thọ trung bình của cây mủ trôm từ 50-70 năm. Như vậy, nếu giá cả ổn định gia đình ông Đức sẽ khá giả từ nghề đục mủ trôm.
Chia sẻ với chúng tôi về đầu ra cho loại mủ đặc biệt này ông Đức khá băn khoăn: “Hiện tại, đầu ra của cây mủ trôm vẫn chưa thực sự ổn định vì người dân chưa biết đến loại mủ này nhiều. Đa số khách hàng của gia đình tôi là ở Sài Gòn, vì thế khâu chuyển hàng xuống dưới cũng mất khá nhiều chi phí. Thường, sau khi thu hoạch, chúng tôi phải phơi dẻo, cắt đóng gói rồi xuất bán chứ không sửa lại mẫu được. Thời gian tới nếu đầu ra ổn định, 2 vợ chồng sẽ mở rộng diện tích vì thổ nhưỡng đất ở vùng này khá xấu nhưng cây mủ trôm vẫn phát triển rất mạnh”.
Không chỉ đóng gói, xuất bán thông thường ông Đức còn xây dựng thương hiệu với cái tên Bằng Đức trên địa bàn xã Ia Dreng. Sản phẩm này cũng đã được ông Đức giới thiệu tại các hội chợ của huyện Chư Pưh.