Triết lý thành công kỳ lạ của vua dầu mỏ John D. Rockefeller

0
1170
Triết lý thành công của ông vua dầu mỏ John D. Rockefeller. Ảnh: History

Triết lý thành công của ông vua dầu mỏ John D. Rockefeller. Ảnh: History

Năm 25 tuổi, John D. Rockefeller đã điều hành một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ và khi bước sang tuổi 31, ông đã trở thành nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới. Bảy năm sau đó, vị tỷ phú này đã chi phối 90% lượng dầu mỏ ở Mỹ và khi nghỉ hưu ở tuổi 58, Rockefeller đã là người giàu nhất xứ sở cờ hoa.

Có thể, trong mắt những người chỉ trích, Rockefeller là một nhà tư bản tham lam, là người đã phá vỡ sự cạnh tranh và tạo ra sự độc quyền. Song, đối với những người ủng hộ Rockefeller, ông lại được xem là một doanh nhân thiên tài (công việc kinh doanh phát đạt ngay cả trong thời điểm khủng hoảng kinh tế). Họ coi ông là tấm gương cho mẫu đàn ông tự lập ý tưởng, ổn định được một ngành công nghiệp bất ổn, tạo công ăn việc làm, hạ giá dầu và là nhà từ thiện vĩ đại nhất trong lịch sử.

Và, nếu có một nguyên tắc bao quát về thành công của vua dầu mỏ John D. Rockefeller thì nó được gói gọn trong câu nói sau: “Tôi thà kiểm soát chính mình còn hơn để người khác kiểm soát tôi.”

Một trong những nét tính cách nổi bật của Rockefeller là sự tự chủ kỳ quái. Ông không ngừng tự rèn luyện cách làm chủ cảm xúc và luôn khao khát biến tất cả những mong muốn của mình trở thành mục tiêu. Ông đặt ra mục tiêu lớn, sau đó thực hiện nó một cách đều đặn và nghiêm túc. Rockefeller hiểu rằng nếu muốn trở thành ông chủ, thì trước hết bạn phải học cách làm chủ bản thân.

Không ngừng luyện tập tính kiên trì

Rockefeller sinh ra ở New York vào năm 1839. Mẹ ông là người sùng đạo, còn cha ông là người bán mỡ trăn, chuyên đi hết nhà này đến nhà khác bán liệu pháp chữa trị. Gia đình Rockefeller chỉ vừa đủ sống và tài chính cũng thường xuyên bấp bênh.

Rockefeller phụ giúp việc của gia đình và trông em. Ở trường, ông bị đánh giá là học sinh yếu kém, chậm tiến và nhạt nhòa trong mắt các bạn cùng lớp. Đến khi ông thành công thì bạn bè còn phải chật vật để nhớ xem ông là ai: “Tôi nhớ John không xuất sắc ở lĩnh vực nào cả… Cậu ta chẳng có điểm gì để mọi người chú ý đến cậu ta”. Nhưng người này cũng nói thêm: “Tôi nhớ cậu ấy làm việc gì cũng chăm chỉ; ít nói và rất siêng năng học hành”. Rõ ràng là Rockefeller không thông minh nhưng lại đáng tin cậy. Ông luôn kiên trì học tập, mặc dù “việc học không hề dễ dàng đối với ông”.

Rockefeller phát hiện ra mình giỏi với các con số, ông bỏ học cấp 3 để học sâu hơn về cách quản lý con số. Đăng ký khóa học kinh doanh kéo dài 3 tháng tại một trường thương mại, ông được học cơ bản về kế toán và ngân hàng.

Háo hức muốn trở thành một người tự chủ và độc lập, Rockefeller rời vùng quê Ohio để bắt đầu cuộc sống riêng ở Cleveland. Vì mong muốn tìm được một vị trí ở một công ty lớn để có cơ hội học hỏi và phát triển, ông đã lên danh sách những doanh nghiệp, ngân hàng và công ty được đánh giá cao nhất. Mỗi ngày, Rockefeller đều mặc bộ vest tối màu, cạo râu và đánh giày rồi ra đường tìm việc. Tại mỗi công ty, ông đều xin được nói chuyện với người đứng đầu, rồi sau đó vào thẳng vấn đề:”Tôi có kiến thức về kế toán và tôi muốn làm việc ở đây”.

Thị trường lao động lúc đó rất khắt khe và phản hồi ông nhận được không mấy khả quan. Không ai muốn thuê một cậu nhóc 16 tuổi và rất ít người thật sự muốn tiếp chuyện với ông. Nhưng Rockefeller không hề nhụt chí. Ông không chấp nhận việc trở về nhà và sống phụ thuộc người khác. Khi đã đi hết các công ty trong danh sách mà vẫn chưa tìm được việc, ông quyết định đi đến các công ty đó một lần nữa. Có công ty được Rockefller “ưu ái” đến tận 3 lần. Thậm chí, ông xem quá trình tìm việc này như một phần công việc của mình: “Ngày nào tôi cũng chăm chỉ làm việc – công việc của tôi là tìm việc. Tôi dành cả ngày để làm việc đó”.

Từ sáng sớm đến chiều tối, 6 ngày/tuần và liên tục trong 6 tuần, Rockefeller vẫn tiếp tục hành trình tìm việc. Cuối cùng, vào ngày 26 tháng 9 năm 1855, ông đã nghe được câu mình hằng mong đợi: “Chúng tôi sẽ cho cậu một cơ hội”. Công ty sản xuất nhỏ Hewitt & Tuttle đang cần gấp một trợ lý kế toán và đã đề nghị Rockefeller vào làm việc ngay lập tức. Kể từ đó, hàng năm Rockefeller đều kỷ niệm ngày này còn rình rang hơn cả sinh nhật mình vì đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông.

Duy trì sự điềm đạm và trầm tĩnh

Khi còn nhỏ, mẹ của ông đã dạy rằng: “Làm chủ chính mình giúp ta giành chiến thắng, vì nó có nghĩa là ta làm chủ được người khác”.

Thời còn trẻ, ông rất nóng tính nhưng đã tự học cách kiểm soát và duy trì thái độ bình thản đến đáng kinh ngạc cho tới cuối đời. Người khác càng lo lắng, thì ông càng bình thản. Sự điềm tĩnh của ông đi kèm với vẻ kín đáo: Ông ít khi tiết lộ suy nghĩ của mình, ngay cả với những đồng nghiệp thân thiết.

Đó không chỉ là sở thích hay tính cách mà còn là một chiến lược có chủ ý; làm chủ tâm trạng và sống theo châm ngôn: “Thành công đến từ việc dóng tai lên nghe và ngậm chặt miệng”.

Trong quan hệ với nhân viên, bất kể nhân viên cấp thấp đến mấy, ông cũng không bao giờ bực tức, ngay cả khi họ kêu ca than phiền. Một nhân viên tại nhà máy lọc dầu kể lại: “Ngài Rockefeller luôn gật đầu chào và nói chuyện tử tế với mọi người, không bao giờ quên ai. Công ty đã trải qua khoảng thời gian khó khăn trong những năm đầu hoạt động, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ngài Rockefeller không thân thiện cả. Không có gì có thế kích động được ngài ấy”.

Ông không bao giờ lên giọng, nói lời xúc phạm, hay cư xử bất lịch sự. Nhiền nhân viên nhận xét ông là người công bằng, không nhỏ nhen hay tỏ vẻ độc tài.

Tin rằng im lặng cũng là sức mạnh, Rockefeller lắng nghe nhiều hơn trong các cuộc họp với những người đứng đầu công ty. Sự điềm tỉnh này góp phần gia tăng sức ảnh hưởng của ông trong phòng họp. Ông càng im lặng, sự hiện diện của ông càng có sức nặng. Ngay cả khi các đồng nghiệp đang tranh luận gay gắt, vị chủ tịch của Standard Oil vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Như một giám đốc kể lại, “Tôi đã chứng kiến những cuộc họp mà các thành viên quá khích nói những lời lẽ không hay và có những cử chỉ đe dọa, nhưng ngài Rockefeller vẫn hết sức lịch sự, tiếp tục chủ trì cuộc họp”.

Khi đối mặt với đối thủ, vẻ điềm tĩnh của Rockefeller khiến họ mất bình tĩnh. Khoảng lặng dài khi đàm phán thường khiến đối phương cảm thấy bối rối. Ông thường trả lời những câu chất vấn hóc búa một cách chậm rãi và đĩnh đạc, phá hỏng mục đích của đối phương. Rockefeller thích kể câu chuyện về một nhà cung cấp tức giận xông vào văn phòng ông và tuôn ra một tràng chỉ trích. Rockefeller ngồi quay mặt vào trong, khom lưng trước bàn làm việc cho tới khi người kia nói xong. Sau đó, ông quay lại và bình thản nói, “Tôi không nghe kịp những điều anh vừa nói. Anh vui lòng lặp lại giúp tôi được không?”.

Rockefeller cũng thận trọng bảo vệ sự riêng tư và thường xuyên từ chối các lời mời phỏng vấn. Không chỉ vì ông không thích người khác soi mói việc kinh doanh của mình, mà còn vì ông tin rằng càng tránh xa báo chí, càng duy trì được hứng thú của công chúng. Ngoài ra, ông cảm thấy trả lời phỏng vấn rất dễ vô tình để lộ bí mật kinh doanh vốn cần giữ kín.

Ngay cả khi báo giới chỉ trích ông, Rockefeller vẫn chọn giữ im lặng. Ông rất hiếm khi đọc những lời chỉ trích này vì ông khinh thường những chỉ trích từ người mà ông cảm thấy không liên quan đến công ty mình: “Đứng ở chỗ thoải mái và buông lời chỉ trích thì dễ, làm việc và nỗ lực kiếm được quyền đưa ra kết luận lại là chuyện khác”. Ông không cần sự chấp nhận của người khác, đặc biệt là những người ông không hề tôn trọng.

Lời giải thích tốt nhất cho phản ứng “không phàn nàn, không giải thích” của ông có lẽ nằm trong câu chuyện do một người bạn kể lại. Hai người đang dạo quanh khu đất của Rockefeller, người bạn này thúc giục ông phản hồi lại những lời chỉ trích. Rockefeller chỉ vào con sâu bướm và nói: “Nếu tôi dẫm lên con sâu, nó sẽ được chú ý đến. Còn nếu tôi phớt lờ thì sẽ chẳng ai biết nó tồn tại cả”.

(Theo Nhịp sống kinh tế – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Triết lý thành công kỳ lạ của vua dầu mỏ John D. Rockefeller
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here