“Kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi, theo ADB.
Unicorn (kỳ lân) là thuật ngữ dùng để chỉ các startup có định giá doanh nghiệp trên 1 tỷ USD. Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), rất có thể kỳ lân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương sẽ đến từ Việt Nam.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ – hay các công ty khởi nghiệp công nghệ (Tech Startup) – là một phần ngày càng quan trọng trong bối cảnh kinh doanh ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc cung cấp dịch vụ theo cách mới. Hầu hết các công ty khởi nghiệp sẽ không tồn tại được, nhưng một số sẽ thành công và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế.
“Các công ty công nghệ như Facebook, Google và Amazon là một trong những công ty lớn nhất thế giới hiện nay, và các công ty khác như Tencent, Gojek, Grab, VNG, VnPay và MoMo cũng nằm trong số những công ty mới nổi hàng đầu ở Châu Á. Công nghệ và tính năng động mà các doanh nghiệp này mang lại rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế“, báo cáo nhan đề Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam của ADB cho hay.
Theo ADB, mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực này là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công. Báo cáo của ADB đã xem xét tiến triển của các công ty khởi nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này.
Số thương vụ và vốn rót vào Tech Startups Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2021. Nguồn: ADB/NIC.
Một ví dụ về sự hỗ trợ của chính phủ là Đề án 844, với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025—100 doanh nghiệp trong số đó sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD). Mục tiêu này được hỗ trợ bởi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và hai đề án mới có tên gọi “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Bà Aimee Hampel-Milagrosa, chuyên gia kinh tế của ADB, một trong những tác giả chính của báo cáo, nhận định: “Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là động lực mới của tăng trưởng cho quốc gia. Để tạo thuận lợi cho quá trình này, chính phủ đã bắt đầu tập hợp những yếu tố chủ chốt, ví dụ như các ưu đãi khuyến khích về chính sách và tài chính, để tạo ra và xây dựng thế hệ kỳ lân khởi nghiệp tiếp theo của Việt Nam.”
Năm 2021, năm lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính – Fintech (26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục – Edtech (17,2%); công nghệ y tế – Healthtech (7,8%); và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Báo cáo xem xét công nghệ y tế và công nghệ nông nghiệp – Agritech, vì đây là 2 lĩnh vực có tác động xã hội cao và có tiềm năng đóng góp cho phát triển bền vững và đồng đều hơn.
Theo ADB, trong khi tài chính được coi là hạn chế chung đối với sự phát triển của các công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm được nhận thấy rất háo hức đầu tư. Trong khi đó, một trở ngại khác đối với tăng trưởng là không có đủ vốn nhân lực.
Tuy nhiên, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đang phối hợp với chính quyền các tỉnh và các bộ ngành trung ương để thành lập các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Họ cũng đang tổ chức các sự kiện khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ.
Việt Nam hiện có 4 kỳ lân công nghệ gồm VNG, VnPay, Momo và Sky Mavis. Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam năm 2021 vẫn đạt được mức cao kỷ lục. Tổng số tiền đầu tư năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019.
Bình An