Đây đều là những gương mặt vàng trong làng startup được Forbes Việt Nam vinh danh lần đầu tiên.
“Forbes 30 Under 30” là danh sách tôn vinh 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi trong các lĩnh vực kinh doanh, startup, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật,… do tạp chí Forbes bình chọn.
Năm 2015, Forbes lần đầu tiên công bố danh sách này tại Việt Nam, trong đó có 6 cái tên thuộc lĩnh vực khởi nghiệp. Sau 5 năm, những gương mặt “30 Under 30” đời đầu giờ ra sao, dưới đây là một số tổng hợp của chúng tôi.
1. Lương Duy Hoài
Lương Duy Hoài đến từ Đắk Lắk, tốt nghiệp lớp kỹ sư chất lượng cao của Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Sau đó, anh làm việc tại Thế giới di động với vị trí chuyên viên cung ứng.
Năm 2012, Hoài nghỉ việc, cùng 6 người bạn thành lập Giaohangnhanh.vn (GHN) với mong muốn áp dụng công nghệ cao để giải quyết bài toán logistic, tạo ra sự thay đổi toàn diện cho ngành giao vận.
Thời điểm được vinh danh tại “Forbes 30 Under 30” năm 2015, Lương Duy Hoài thành lập và làm CEO Ahamove – đơn vị vận chuyển thuộc GHN.
Đầu năm 2017, anh thông báo nhường ghế CEO của Ahamove cho cộng sự là Nguyễn Xuân Trường. Đến giữa năm đó, Hoài tiếp tục thông báo chuyển giao vị trí CEO của GHN Express cho Nguyễn Trần Thi để nhận nhiệm vụ cùng hỗ trợ một số người mới tham gia phát triển thêm các dịch vụ smart logistics tại công ty mẹ Scommerce.asia.
Tuy nhiên, tháng 4/2019, sau khi Nguyễn Trần Thi đột ngột rời GHN sau 7 năm gắn bó, Nguyễn Duy Hoài quay trở lại điều hành GHN Express đến nay.
GHN hiện đã đổi tên thành tập đoàn Scommerce và sở hữu các thương hiệu con như GHN Express, Ahamove, Gido, Lala, hướng đến nhiều phân khúc bao gồm giao hàng nội tỉnh, giao hàng đường dài và kho bãi. GHN cũng được xem là một trong bốn “tứ trụ” của ngành giao vận, bên cạnh Viettel Post, VNpost và Giao hàng tiết kiệm.
Năm 2019, GHN và Ahamove đã gọi vốn thành công từ quỹ Temasek (Singapore) với con số khủng được cho là lên đến 100 triệu USD. Hiện GHN đã phủ sóng toàn bộ các quận, huyện trên toàn quốc, giao thành công 10.000.000 đơn hàng mỗi tháng, trở thành đối tác chiến lược của Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, đồng thời sở hữu mạng lưới 1.000 xe tải và 10.000 nhân viên giao vận.
2. Tạ Sơn Tùng
Tạ Sơn Tùng là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và du học tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản). Năm 2012, anh cùng 3 người bạn thành lập Công ty Công nghệ Rikkeisoft và giữ chức CEO.
Công ty tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển ứng dụng dành cho smartphone, phát triển ứng dụng nền tảng web và nhận các hợp đồng phát triển từ Nhật Bản. Từ một startup chỉ có 4 nhân viên, sau hơn 3 năm thành lập, Rikkeisoft đã nằm trong top 40 doanh nghiệp CNTT lớn nhất Việt Nam cùng số nhân viên lên đến con số 150.
Năm 2016, Rikkeisoft thành lập pháp nhân ở Nhật Bản với tên Rikkeisoft Japan. Đồng thời, Tạ Sơn Tùng cũng rời ghế CEO, trở thành chủ tịch Rikkeisoft và phụ trách Rikkei Japan, chuyển sang làm việc tại Nhật.
Đến năm 2018, công ty này đã làm việc với hơn 100 đối tác khách hàng Nhật Bản, với trên 500 dự án đã thành công. Rikkeisoft hiện cũng là doanh nghiệp CNTT Việt Nam lớn thứ 2 tại đất nước “mặt trời mọc” với doanh thu lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.
Công ty đặt mục tiêu cán mốc 1000 nhân viên tại Nhật Bản vào năm 2025, nâng tổng số thành viên lên 10.000 nhân sự.
3. Lê Hoàng Uyên Vy
Lê Hoàng Uyên Vy tốt nghiệp thủ khoa ngành tài chính tại Đại học Georgetown (Mỹ). Sau đó, cô về nước thành lập công ty cổ phần thương mại Chọn (Chon.vn) và phát triển Aiya, chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn đường phố của Việt Nam.
Cô không chỉ được bình chọn vào Top “30 Under 30” Việt Nam mà còn được vinh danh vào danh sách những gương mặt trẻ nổi bật của châu Á. Năm 2015, Uyên Vy đang giữ chức quyền Tổng giám đốc của VinEcom – công ty chuyên về thương mại điện tử của tập đoàn Vingroup. Tại đây, cô và đội ngũ đã xây dựng và phát triển trang web thương mại điện tử Adayroi.com.
Đến 2017, cô bất ngờ rời vị trí CEO Adayroi để sang du học ngành công nghệ thực tế ảo tại Mỹ. Năm 2018, Uyên Vy trở về Việt Nam và trở thành General Partner (Đối tác Điều hành) của quỹ ESP Capital.
Uyên Vy cùng shark Dzũng vừa công bố thành lập quỹ đầu tư mới.
Tuy nhiên mới đây, cô thông báo rời ESP Capital để cùng shark Dzũng sáng lập quỹ đầu tư của riêng mình mang tên Do Capital.
4. Ngô Thùy Ngọc Tú
Ngô Thùy Ngọc Tú là cựu học sinh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cũng là chủ biên tập tạp chí bằng tiếng Pháp đầu tiên của trường. Cô là một trong số ít học sinh Việt Nam giành được học bổng ngành Chính sách công của Trường ĐH Stanford danh giá.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, Tú cùng hai người bạn, cũng là du học sinh Mỹ, sáng lập Yola – trung tâm tiếng Anh luyện thi du học. Thời điểm được Forbes vinh danh, Yola đã phát triển thành một trong những tổ chức hàng đầu trong ngành của mình, với mạng lưới các cơ sở ở TP.HCM và Hà Nội.
Ngọc Tú còn đồng sáng lập phần mềm học tiếng Anh ELSA Speak cùng Văn Đinh Hồng Vũ.
Năm 2016, Ngọc Tú làm MC trong sự kiện Obama trò chuyện với các thủ lĩnh Việt Nam. Cũng vào năm đó, startup Yola của cô được quỹ Mekong Capital rót vốn 4,9 triệu USD.
Năm 2019, Yola tiếp tục huy động 10 triệu USD từ quỹ Kaizen PE. Thời điểm ấy, startup này đã đào tạo hơn 30.000 sinh viên thông qua mạng lưới 14 cơ sở tại TPHCM và Hà Nội. Các cựu sinh viên của Yola đã được nhận vào hơn 200 trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Úc và Vương quốc Anh. Mục tiêu của YOLA đến năm 2025 là phục vụ 500.000 lượt học viên, tiếp cận 2 triệu học sinh trên toàn quốc.
Trong khi đó, startup ELSA Speak mà cô đồng sáng lập cũng huy động được tổng cộng 12 triệu USD (tính đến tháng 6/2019) và tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc mặc Covid-19.
5. Trương Thanh Thủy
Trương Thị Thanh Thủy (hay Thủy Muối), được BBC mệnh danh là “Nữ hoàng khởi nghiệp” của Việt Nam. Cô có thời gian dài sống tại Mỹ và tốt nghiệp Đại học California.
Năm 2008, cô trở về quê hương lập nghiệp. Khi chưa đầy 30 tuổi, Thanh Thủy đã thành lập 3 startups thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có ứng dụng Tappy được mua lại bởi một công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon, với mức giá lên tới 7 con số.
Cô còn là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “She Started It” – công chiếu năm 2016 – được ghi hình trong suốt 3 năm xây dựng sự nghiệp của cô. Bộ phim đã được trình chiếu hơn 30 quốc gia và hàng trăm công ty công nghệ và trường Đại Học hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên cũng trong năm 2016, khi đang trên đà phát triển sự nghiệp, Thủy Muối bất ngờ phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Thay vì hoảng sợ hay từ bỏ, cô quyết định mạnh mẽ đương đầu với khó khăn và bệnh tật.
Cô cùng bạn bè, gia đình đi du lịch, khám phá những địa danh mới. Với mong muốn “không ai phải chiến đấu với ung thư một mình”, Thủy còn thành lập Dự án Sáng kiến Ung thư Muối – Salt Cancer Initiative (SCI) để hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư có thể tiếp cận với nguồn thông tin chuẩn xác và tạo cộng đồng để cùng nhau chia sẻ và truyền cảm hứng, giải tỏa tâm lý và cảm xúc.
Cuối tháng 1/2020, sau thời gian dài chiến đấu, Thủy Muối đã qua đời ở tuổi 35, tại Los Angeles, Mỹ. Tuy vậy, năng lượng, nghị lực, sự lạc quan và những cống hiến của cô vẫn là câu chuyện truyền cảm hứng với những người ở lại.
6. Phạm Lê Nguyên
Phạm Lê Nguyên là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, từng là một trong những người đầu tiên thực hiện dự án Kenh14.vn. Những thành tích nổi bật đã giúp Nguyên được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Vườn ươm của VCCorp.
Đến tháng 10/2010, cô cùng 3 người bạn quyết định thành lập công ty riêng mang tên 5Desire, xây dựng theo mô hình tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp, là cầu nối giữa startup và các nhà đầu tư.
Tại thời điểm được vinh danh trong danh sách “Forbes 30 Under 30” năm 2015, 5Desire không chỉ làm cầu nối mà chuyển dịch dần sang mô hình đầu tư trực tiếp. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục tổ chức các sự kiện kết nối nhà đầu tư với công ty khởi nghiệp.
Năm 2017, ý tưởng về một nền tảng gọi vốn vay quốc tế, kết nối trực tiếp doanh nghiệp với các quỹ lớn trên thế giới, được Lê Nguyên và Yanese – một người bạn của cô tại Úc hiện thực hoá thành nền tảng Unkapt.
Từ năm 2018, Unkapt bắt đầu đi vào hoạt động, hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề kinh doanh, các dự án cơ sở hạ tầng (như trường học, bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy nước,…), và các tổ chức tài chính (trong đó có ngân hàng). Quy mô vốn của một thương vụ trung bình từ 3 triệu USD đến 50 triệu USD và có thể lên tới 100 triệu USD. Hiện tại, Lê Nguyên là trưởng đại diện của Unkapt tại Việt Nam.
T.D
Theo Tổng hợp