Ông Nam Đỗ chỉ ra sai lầm “chí mạng” của founder khi gọi vốn: Đi gọi vốn mà nói bán nhà, bán xe để khởi nghiệp là vô nghĩa!

0
124

Theo ông Nam Đỗ, nên sử dụng vốn gọi chứ không nên bán nhà, bán xe.

Không phải doanh nghiệp nào cũng cần gọi vốn. Trên thực tế công ty chỉ cần gọi vốn ở hai giai đoạn: một là khi chứng minh mô hình kinh doanh, ý tưởng của mình có thể tạo ra tiền, hai là khi cần nhân rộng. Đây là quan điểm mà nhà sáng lập VnTrip – Lê Đắc Lâm và nhà sáng lập UPGen – Nam Đỗ đều đồng tình khi thảo luận về câu chuyện gọi vốn của startup.

“Lần đầu tiên để chứng minh mô hình thì lúc nào cũng cần gọi vốn. Quan điểm của tôi là nên sử dụng vốn gọi chứ không nên bán nhà, bán xe. Việc gọi vốn không chỉ nhằm mục đích lấy tiền để tăng nguồn lực mà còn phục vụ điều quan trọng hơn là nhận lại những phản biện, góp ý. Nếu như không ai tin tưởng vào điều mình đang làm thì cần phải xem lại, dù không có nghĩa là mình sai.

Trong bất kể trường hợp nào, kể cả không ai đưa ra phản hồi thì mình luôn cần phải xem lại, điều chỉnh để cho có người sẵn sàng bỏ tiền. Và khi có người sẵn sàng bỏ tiền ra rồi thì không nên bán nhà”, ông Nam Đỗ chia sẻ. Bản thân nhà sáng lập UPGen đã gặp không ít bạn trẻ đến và nói “Anh cứ yên tâm, em bán cả nhà em đi để đầu tư vào đây rồi”.

“Câu nói đó không có ý nghĩa gì với tôi. Vì tất nhiên con người luôn chọn hướng nào mình nghĩ là tốt nhất. Các bạn đang theo đuổi mô hình đó thì tôi đã hiểu rằng đó là điều tốt nhất của bạn rồi. Nếu bỏ thêm tiền cũng không tạo thêm được giá trị gì nữa. Còn khi các bạn đến và nói với tôi rằng anh Lâm đã bỏ vào đây 1 triệu USD rồi thì lại khác – khi ấy startup này không chỉ tốt cho bạn mà còn tốt cho cả nhà đầu tư kia rồi”, ông Nam Đỗ bày tỏ.

Trên thực tế, chuyện nhà sáng lập bán nhà, bán xe cũng được không ít nhà sáng lập nói đến để thuyết phục “cá mập” trên chương trình Shark Tank Việt Nam. 

Ông Nam Đỗ chỉ ra sai lầm "chí mạng" của founder khi gọi vốn: Đi gọi vốn mà nói bán nhà, bán xe để khởi nghiệp là vô nghĩa! - Ảnh 1.

Ông Nam Đỗ – Nhà sáng lập UPGen

Sai lầm thứ hai của các nhà sáng lập trong quá trình gọi vốn giai đoạn đầu là khẳng định “ Em là người duy nhất làm được mô hình này”.

Bởi hãy đặt câu hỏi logic, rằng nếu như chỉ một người bán trà sữa ở Hà Nội thì sẽ bán được bao nhiêu? Khi tất cả mọi người bán trà sữa thì bạn không phải chào hàng nữa mà đã có sẵn thị trường. Nói một cách dễ hiểu, những sản phẩm đi đầu là rất tốt nhưng không phải lúc nào đi tiên phong cũng hay. Đặc biệt nếu bạn là người duy nhất làm thì nhất thiết phải xem lại. Một người không thể tự xây dựng được thị trường mà phải rất nhiều người chung tay vào, cạnh tranh với nhau để tạo nên thị trường.

Sai lầm thứ ba nằm ở việc chọn quỹ đầu tư.

Nếu như ở giai đoạn đầu tiên, nhà sáng lập thường gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, bạn bè, gia đình thì ở giai đoạn thứ hai, nhà sáng lập thường sẽ gọi vốn từ quỹ đầu tư. Trong khi đó, tư duy của quỹ rất khác với bạn bè, gia đình hay nhà đầu tư thiên thần.

Theo ông Nam Đỗ, đa phần các quỹ không phải là doanh nhân, không nghĩ đến cơ hội kiếm tiền mà họ nghĩ đến phân bổ vốn. Việc quỹ đầu tư đang ở giai đoạn nào là rất quan trọng .

Các quỹ đầu tư thường có công thức 2:20, tức phí quản lý quỹ chiếm 2% tổng số tiền và 20% hưởng từ lãi. Nếu bạn có quỹ 100 triệu USD, năm đầu tiên bạn chỉ giải ngân 10 triệu USD và lấy 2 triệu tiền phí quản lý thì có nghĩa rằng, trong năm đầu tiên phí quản lý chiếm tới 20% vốn giải ngân. Không ai trả tới 20% để quản lý quỹ.

Điều này có nghĩa rằng, động lực để giải ngân của quỹ vào năm đầu tiên vô cùng lớn, 100 triệu USD thì phải giải ngân 60-70 triệu USD trong năm đầu tiên. Nhưng đến năm thứ ba, họ chỉ giải ngân khoảng 10-20 triệu USD và chỉ chọn những cơ hội thực sự không thể bỏ lỡ được. Nên nếu chọn quỹ đang ở năm thứ ba thì cơ hội nhận đầu tư gần như không có. Có những bạn bảo rằng đã đi gặp 60 quỹ đầu tư nhưng đó là các bạn không hiểu gì về quỹ, vì chắc chỉ khoảng 15 quỹ trong số đó đang ở trạng thái có khả năng sẽ đầu tư. Các bạn đã lãng phí thời gian cho số còn lại”.

Ông Nam Đỗ chỉ ra sai lầm "chí mạng" của founder khi gọi vốn: Đi gọi vốn mà nói bán nhà, bán xe để khởi nghiệp là vô nghĩa! - Ảnh 2.

Một sai lầm khác cũng thường gặp ở các startup khi gọi vốn, là vẽ ra những điều không thực tế, công thức hay mô hình kinh doanh chưa đủ mạnh và chưa đủ thuyết phục, còn quá nhiều giả thuyết lớn. Khi quỹ đầu tư chỉ thay đổi một số chỉ số, các bạn không giải quyết được.

Do đó, theo nhà sáng lập UPGen, để startup tiến lên mức cao hơn là một doanh nghiệp, một tổ chức đầy đủ thì đòi hỏi founder phải có tầm nhìn tổng quát, vĩ mô. Bản thân startup cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thị trường niêm yết. Ngay cả khi thị trường đại chúng đang đi xuống, việc mua một công ty trên sàn chứng khoán hoạt động ổn định và có cơ hội tăng 2-3 lần vì giá đang thấp, so với mua một công ty startup chưa ổn định, chưa biết tương lai và cũng chỉ sinh lời 2-3 lần thì không có dòng tiền nào chạy vào startup cả.

Hoàng Thùy

Theo Nhịp sống thị trường Copy link

Link bài gốc Lấy link! https://markettimes.vn/ong-nam-do-chi-ra-sai-lam-chi-mang-cua-founder-khi-goi-von-di-goi-von-ma-noi-ban-nha-ban-xe-de-khoi-nghiep-la-vo-nghia-13801.html

Ông Nam Đỗ chỉ ra sai lầm “chí mạng” của founder khi gọi vốn: Đi gọi vốn mà nói bán nhà, bán xe để khởi nghiệp là vô nghĩa!
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here