Người lựa chọn đường khó
Kể về hành trình của mình với Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai, bà Đỗ Thúy Lan cười bảo: “Nói đến giám đốc người ta thường nghĩ đến một doanh nhân nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình là một doanh nhân. Tôi thích cái cách bọn trẻ và phụ huynh gọi tôi là ‘mẹ’ là ‘bà’ hơn”.
42 tuổi là bác sỹ có chuyên môn lại giữ vị trí Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, lẽ thường bà sẽ có cuộc sống dư dả và an nhàn. Song bà đã chọn cách sống khác.
Năm 1992, khi được cử đi học ở Hà Lan, bà Lan phát hiện ra rằng, tự kỷ không thể can thiệp chỉ bằng thuốc đặc trị, mà phải kết hợp với giáo dục tâm lý. Nhưng khi đó, tự kỷ vẫn được cho là một dạng bệnh tâm thần, và không có cha mẹ nào muốn trong lớp con mình có một bạn như vậy. “Khi đó, tôi mới thấu hiểu tự kỷ không phải là thảm họa. Thiếu hiểu biết mới là thảm họa”, bà Lan kể
Về nước, bà đã bắt tay ngay vào thí điểm phương pháp can thiệp giáo dục đối với lớp học 15 trẻ đầu tiên do chính bà thành lập. Sau hai năm, với sự quan tâm, giúp đỡ từ chuyên gia Hà Lan, phương pháp can thiệp giáo dục với trẻ khuyết tật đã đạt được những kết quả khả quan.
Để đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ khuyết tật trí tuệ ngày càng nhiều, bà Lan đã xin mở Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai vào năm 1995.
Mất trộm, “mất” đất và…
Năm đầu tiên mở Trung tâm chỉ có vỏn vẹn 17 học sinh, trong khi tiền học phí mỗi tháng thu mỗi học sinh 40.000 đồng. Không có đất, không có cơ sở bà phải tự bỏ tiền túi ra để thuê nhà, trả lương giáo viên. Thấy được tâm huyết của bà Ủy ban cứu trợ Hà Lan tại Việt Nam đã hỗ trợ cho trang thiết bị từ quạt, đến bàn ghế, bếp và đồ dùng thiết yếu để nấu ăn cho học sinh. Tuy nhiên vì trường không có bảo vệ nên mới dùng được 3 tháng thì bị mất trộm.
“Đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi vẫn không quên được buổi sáng hôm ấy. Hôm đó là vào buổi sáng cuối tháng 12/1995 tôi đến trường từ sớm, khi mở cửa ra thì mọi đồ đạc đều bị mất sạch. Nhìn phòng học trống trơn tôi khóc nấc lên vì uất ức. Đó không hẳn vì giá trị tài sản mà vì đó là họ đã lấy đi cơ hội được học trong môi trường đầy đủ trang thiết bị của các con” – bà Lan kể.
Nhận thấy nếu cứ trông chờ vào tiền tiết kiệm từ đồng lương rất khó có thể xây dựng được một trung tâm quy mô cho các con, bà Lan nhờ tới mối quan hệ, khả năng ngoại ngữ đi “gõ cửa” các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Trước lòng nhiệt huyết của bà đối với trẻ khuyết tật trí tuệ các tổ chức như: CLB quốc tế phụ nữ, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Hà Lan… đã tài trợ cho Trung tâm đồ dùng trang thiết bị và các khóa tập huấn nâng cao trình độ về tâm thần.
“Nhận thấy sự phát triển của trẻ tiến bộ rõ rệt khi được can thiệp tại Trung tâm và được sự khích lệ của phụ huynh cũng như sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, tôi mạnh dạn làm hồ sơ xin đất với mong muốn xây dựng một Trung tâm dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ đạt chuẩn. Nhưng đúng là với một bác sĩ ‘khởi nghiệp’ thật không hề dễ” – bà Lan nói.
Chủ trương mở rộng Trung tâm của bà nhận được sự đồng tình rất lớn từ thành phố vì đối tượng hướng đến là trẻ khuyết tật. Trong đó phần lớn học sinh tại Trung tâm đều là con em hộ nghèo, 50% số trẻ tại Trung tâm được miễn giảm học phí. Được thành phố tạo điều kiện, bà về gom góp tiền và vay mượn từ bạn bè được 500 triệu đồng (năm 2002) tiến hành san lấp mặt bằng.
Mọi việc xong xuôi chỉ còn khâu cuối bàn giao đất thì bà nhận được tin đất trong vùng… quy hoạch. Bao nhiêu tiền, tâm huyết bỗng chốc tan biến. “Ngày ấy mọi việc tưởng như đi vào ngõ cụt nhưng tôi vẫn đi gõ cửa khắp nơi để xin đất. Cuối cùng cũng xin được mảnh đất hiện giờ. Nó không được to và rộng như mảnh đất cũ nhưng cũng đủ để xây lên một mái trường” – bà Lan kể.
Niềm hạnh phúc của “bà mẹ đặc biệt”
Hơn 20 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ gặp không ít gian truân nhưng với bác sĩ Đỗ Thúy Lan niềm vui, niềm hạnh phúc còn nhiều hơn. Bà trực tiếp đi kêu gọi tài trợ, hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, các cơ quan trong và ngoài nước dành cho trung tâm. Rồi cũng chính bà tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng nổ, nhiệt huyết với nghề.
Đến nay, Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai đã trở thành một địa chỉ thực sự tin cậy giúp đỡ được nhiều trẻ thiểu năng trí tuệ hòa nhập với cộng đồng.
Không chỉ dạy trẻ học, bác sĩ Đỗ Thúy Lan còn chú trọng đến khả năng giao tiếp, kỹ năng sống cho trẻ. Vì thế, bà cho mở quán cà phê, mở phòng dạy nghề làm bánh cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ lớn tuổi đang theo học tại Trung tâm Sao Mai. Mục đích của quán không phải kinh doanh mà là giúp các học sinh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ ở độ tuổi thanh thiếu niên có được các kỹ năng cần thiết để có một cuộc sống tự lập và hòa nhập cuộc sống.
Tiền thu được từ bán cà phê, bán bánh hay photocoppy sẽ được dùng để tái đầu tư mua nguyên liệu cho các em thực hành và dùng mua sách vở, đồ dùng học tập. Những quán nhỏ này đem lại biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc cho những đứa trẻ tự kỷ. Cũng qua những góc quán ấy, xã hội có cái nhìn thấu hiểu hơn về căn bệnh này.
Giờ dù đã ở tuổi thất thập nhưng với bác sĩ Đỗ Thúy Lan một ngày làm việc vẫn bắt đầu từ 7h30 sáng. Vẫn là những chuyến công tác dài ngày về các tỉnh vùng núi để phổ biến, tập huấn kiến thức cho cán bộ, giáo viên về tâm thần học. Và vẫn là tinh thần sẵn sàng học hỏi, nâng cao trình độ khi ở đâu có lớp tập huấn, có mô hình điểm về giáo dục cho trẻ khuyết tật trí tuệ.
Bởi với bác sĩ Lan tiếng gọi “bà ơi” của tụi nhỏ ở Trung tâm là những thanh âm thật ấm áp và hạnh phúc.
Lan Hương
Theo Trí thức trẻ