Sáng ngày 5/10, tại BKHUP, Đại học Bách khoa Hà Nội, phần đầu tiên của chương trình đào tạo Startup Việt 2019 đã diễn ra với chủ đề “Go global”. Hơn 30 đội thi cùng các diễn giả, mentor đã tạo nên một bầu không khí chia sẻ cởi mở. Nội dung các phần trao đổi cũng như câu hỏi của startup xoay quanh cách để thành công ở những thị trường quốc tế.
Từ trái qua ông Hoàng Minh Đức (ThinkZone), ông Lê Văn Thành (Dell Technogogies), bà Hà Phương Anh (Open Commerce Group), ông Nguyễn Văn Nhật (Minet). |
Nói về câu chuyện xuất ngoại, giám đốc công nghệ Dell Việt Nam cho rằng đây không phải là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp lớn lên. “Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp nhiều startup đi tìm kiếm thị trường mới nhưng các bạn lại còn quá nóng vội. Chúng ta phải thắng trên sân nhà trước thì mới có cơ sở để thành công ở nước bạn”, ông Lê Văn Thành nói.
Ở những thị trường ngoại, khách hàng có thói quen khác Việt Nam, khiến sản phẩm trở nên không thực tế. Ông Thành liệt kê ra hàng hoạt những yếu tố có thể startup thất bại như tương đồng về công nghệ, văn hoá và tư duy làm việc. Một số nghề ở nước ngoài đã phát triển được vào năm nhưng ở Việt Nam thậm chí còn chưa có tên gọi.
Giám đốc công nghệ Dell Technologies Việt Nam khuyên các startup chỉ nên xuất ngoại khi đã thành công trong nước. |
Trước đó, bà Cassie Nguyễn, CEO Abvin tin rằng 2 năm là dấu mốc để đánh giá một startup có thành công hay không. Điểm khác biệt của những startup đã “go global” là hướng sản phẩm tới khách hàng ngoại từ sớm.
“Abvin mất khoảng 2 năm để có khách hàng đầu tiên. Trước đó Abvin trải qua nhiều lần thay đổi để tự hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu từ thị trường quốc tế. Sau khi xuất ngoại thành công, như mọi doanh nghiệp khác, chúng tôi phải đối mặt với vấn đề về có văn phòng, nhân sự và đặc biệt là tài chính bởi sự biến động tỷ giá”, bà Cassie Nguyễn nói.
Bên cạnh đó, CEO Abvin khuyên startup nên tổng hợp ra vấn đề khó khăn nhất của khách hàng và đưa ra giải pháp. Đây là cơ sở để startup chứng minh năng lực với khách hàng. Tuy nhiên sản phẩm chỉ nên chọn một vấn đề thay vì giải quyết toàn bộ khó khăn của khách hàng.
Minet, nền tảng kết nối nhãn hàng với người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội trở thành ví dụ cho các đội thi trong phần trao đổi buổi sáng. Trong chưa đầy 2 tháng, Minet đã hoàn thành việc xây dựng văn phòng, và tạo ra doanh thu tại thị trường Thái Lan. Tiết lộ về bí quyết thành công, ông Minh Nhật, đồng sáng lập Minet cho rằng hai thị trường có nét tương đồng về quảng cáo trên mạng xã hội. Điểm khác biệt nhưng cũng là lợi thế của Minet tại Thái Lan đó là sự cởi mở của thị trường, Minet kết nối với Kol và nhãn hàng nhanh hơn gấp nhiều lần ở Việt Nam.
Các startup đặt câu hỏi cho khách mời. |
Sau phần chia sẻ của các khách mời, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đại diện Sun* Startups góp ý các đội thi cần xem lại toàn bộ kế hoạch phát triển sau mỗi lần thất bại. Những thông tin về vốn, thời gian và nguồn lực trở nên vô nghĩa nếu startup không có sự thay đổi theo thời gian. Tự hoàn thiện mình là cách duy nhất để startup tồn tại.
Về vốn, các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể cạnh tranh với tập đoàn tỷ đô. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích bài toàn tài chính nên dành để ưu tiên những nguồn lực cần thiết với startup thay vì cạnh tranh về thị trường.
“Ở một thị trường xa lạ, các bạn nên tìm kiếm những nhà đồng hành với mình. Có thể là một quỹ đầu tư, hoặc một doanh nghiệp bản địa. Điều này giảm bớt rủi ro bị sốc văn hoá thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Chương trình đào tạo chia làm 4 buổi diễn ra trong hai ngày 5-6/10. Đây sẽ là 4 buổi chia sẻ thông tin dành cho startup, nhất là những doanh nghiệp ấp ủ kế hoạch chinh phục thị trường nước ngoài. Tham gia chương trình là các startup đã thành danh, các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp từ các vườn ươm nổi tiếng.
Buổi chiều ngày đầu tiên, các đội thi sẽ tiếp tục vớiphần thuyết phục nhà đầu tư do bà Nguyễn Thị Hoa, nhà sáng lập IMAP điều phối.
Với chủ đề “Hành trình tìm kiếm kỳ lân”, Startup Việt 2019 chú trọng khả năng vươn ra thị trường quốc tế của các đội thi. Nhằm tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chương trình thay đổi và bổ sung nhiều hoạt động tập trung vào mục tiêu giúp các startup đủ tự tin và năng lực hướng đến sân chơi nước ngoài. Trong đó có các hoạt động như hội thảo chuyên đề, buổi gặp mặt trực tiếp với các nhà đầu tư, chương trình huấn luyện đào tạo chuyên sâu dành cho startup. Chương tình có sự đồng hành của UP Coworking Space.
Dương Thành