Startup Việt ‘hụt hơi’ trên đường đua mở rộng thị trường

0
389

Năm 2019, hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam có ba trong những thương vụ lớn kỷ lục của Đông Nam Á. Khoảng nửa tỷ USD đã rót vào MoMo, VNLife và Scommerce. Về hoạt động đầu tư, Việt Nam vươn lên vị trí thứ ba trong số 6 quốc gia ASEAN có hệ sinh thái năng động nhất, theo báo cáo của Cento Ventures về đầu tư công nghệ năm 2019.

Những con số này đã nâng cao vị thế của Việt Nam như một thị trường nóng cho giới đầu tư công nghệ, sau Indonesia. Tuy nhiên, theo thống kê của Tech Asia, khi nhìn nhận kỹ càng hơn các thương vụ, có thể thấy sự mất cân đối về nguồn vốn. So với Indonesia, Việt Nam đã ngang hàng về vốn cho các startup giai đoạn sau, nhưng hoàn toàn tụt hậu ở những startup giai đoạn đầu (từ hạt giống đến series D).

Một góc TP HCM, nơi ươm mầm cho đông đảo startup Việt. Ảnh: 123rf.

Một góc TP HCM, nơi ươm mầm cho đông đảo startup Việt. Ảnh: 123rf.

Ngoài ra, Việt Nam có ít startup huy động vốn ở vòng series A trở lên hơn là vòng hạt giống và tiền series A. Bởi Covid-19, suốt 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam chỉ đạt được 32 thương vụ đầu tư so với con số 82 của Indonesia. Trong đó, chỉ 7 thương vụ series A và 1 thương vụ series D.

Dù sự chênh lệch về tài chính giữa một hệ sinh thái lâu đời và một hệ sinh thái non trẻ là bình thường, Việt Nam vẫn là một trường hợp khác biệt.

Theo một số nhà đầu tư, hiện không có nguồn cung vốn đầu tư mạo hiểm ngắn hạn cho startup Việt, đặc biệt khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế vẫn giữ nhịp phát triển trong năm khủng hoảng Covid-19.

Tuy nhiên, từ quan điểm cá nhân của các quỹ đầu tư, Việt Nam còn thiếu các công ty công nghệ có thể hoặc muốn cạnh tranh với các công ty cùng ngành trong khu vực, dẫn đến thiếu hụt các startup ở giai đoạn hạt giống có thể phát triển đến vòng tiếp theo.

Điểm yếu của startup Việt

Darren Nguyen, người phụ trách thị trường Việt Nam của European VC firm Icebreaker Capital, cho rằng các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhìn chung không thể tạo ra sự tăng trưởng bùng nổ để liên doanh ra nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, họ đang thua các đối thủ ngoại ngay trên sân nhà.

Trong khi đó, các startup với tham vọng phủ sóng toàn khu vực có lợi thế huy động vốn để chiếm thị phần tại nhiều thị trường khác nhau. Các startup Indonesia đang thể hiện được điều này.

Darren Nguyen trích dẫn trường hợp của Traveloka, công ty gần đây gọi được 250 triệu USD để phục hồi từ Covid-19. Chỉ trong vòng vài năm, Traveloka, một trong ba kỳ lân của Indonesia, đã nhanh chóng mở rộng ra thị trường ngoại. Đáng chú ý, startup này mới đây công bố hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã hồi phục về giai đoạn trước Covid-19.

Văn phòng Traveloka. Ảnh: Traveloka’s blog.

Văn phòng Traveloka. Ảnh: Traveloka’s blog.

Nguồn vốn tài trợ mới của Traveloka đang gia tăng sức ép với các đối thủ Việt như Luxstay hay Vntrip. Ngay cả trước Covid-19, các công ty nội địa chỉ chiếm 20% thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam, vốn đã bị thống trị bởi những người khổng lồ quốc tế là Booking, Agoda và Expedia.

Thị trường Việt đang là mảnh đất màu mỡ với những startup được tài trợ nhiều nhất của Indonesia. Ở mảng dịch vụ gọi xe, Gojek tiếp tục là đối thủ đáng gờm của Grab dù gặp nhiều trở ngại tại thị trường Việt. Ruangguru, startup đứng đầu Indonesia, đơn vị gọi thành công 150 triệu USD năm ngoái, cũng nhanh chóng khai thác nhu cầu học trực tuyến đang tăng mạnh của người Việt.

Mặt khác, một số công ty công nghệ hàng đầu và nhận được nguồn vốn tài trợ lớn của Việt Nam, như VNG thậm chí chỉ hoạt động trong nước. Trước khi xuất hiện Grab và Gojek, VNG và Garena (Singapore) từng là hai kỳ lân duy nhất của Đông Nam Á.

Cả hai công ty bắt nguồn từ game đã phát triển các ứng dụng chat từ sớm. Song Garena đã có những bước nhảy vọt về quy mô. Đơn vị này đã phát triển thành Sea Group, được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York và trở thành ứng viên hàng đầu chiến thắng trong cuộc đua thương mại điện tử của khu vực. Dù thua lỗ, cổ phiếu của Sea đã tăng 880% trong 18 tháng qua, theo báo cáo của Bloomberg.

Cần nhiều nhà sáng lập “năng nổ”

Dù vậy, các công ty công nghệ của Việt Nam đang làm tốt ở một khía cạnh: sản xuất game và nội dung số trên mobile. Bốn đơn vị Việt Nam: VNG, Amanotes, OneSoft và BACHAsoft đều có tên trong bảng xếp hạng mới nhất của App Annie về các nhà xuất bản mobile hàng đầu Đông Nam Á.

Ngoài ra, một số ít startup đáng chú ý từ Việt Nam đã mở rộng ra nước ngoài, bao gồm Topica (công nghệ giáo dục), Haravan (giải pháp thương mại điện tử), Ecomobi (bán hàng xã hội) và UPGen (không gian làm việc chung).

Nhưng Việt Nam cần nhiều hơn những nhà sáng lập quyết liệt trong việc mở rộng ra khu vực, theo một nhà đầu tư giấu tên. Vị này cũng nói rằng khá khó để tìm ra các công ty khởi nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chí về quy mô quỹ.

“Các startup từ Singapore hoặc Indonesia vươn ra khu vực từ rất sớm, điều đó có nghĩa là một số nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ họ, một phần do họ có thể giải quyết nhu cầu lớn hơn của thị trường”, vị này bổ sung.

Theo Olivier Raussin, đối tác quản lý FEBE Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu hỗ trợ các doanh nhân Đông Nam Á, đây hoàn toàn là câu hỏi về chiến lược và tham vọng. FEBE Ventures đã ra mắt quỹ 25 triệu USD vào tháng 11 năm ngoái và đạt được 7 khoản đầu tư, bao gồm hai công ty Việt Nam: Propzy (proptech) và Nano (fintech).

Những thành viên của FEBE Ventures. Ảnh: FEBE Ventures.

Những thành viên của FEBE Ventures. Ảnh: FEBE Ventures.

Raussin cho rằng, không có lý do gì khiến những nhà sáng lập Việt không thể cạnh tranh trong khu vực. “Nếu bạn chờ đợi quá lâu, bạn sẽ phải cạnh tranh ở tất cả quốc gia. Và khi đó, chiến lược tiếp cận thị trường và các rào cản gia nhập khác sẽ lớn hơn nhiều”.

Theo vị này, khoảng cách về nguồn vốn của Việt Nam là bình thường, bởi khoản tài trợ vẫn đang trong thời gian đáo hạn, trong khi Indonesia đi trước khoảng vài năm. “Đó là lý do có rất nhiều công ty khởi nghiệp series B ở Indonesia. Bạn cần thời gian để xây dựng sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng quy mô”, ông này nói.

Michael Lints, một đối tác của quỹ Golden Gates, nhận định các nhà sáng lập Indonesia “cực kỳ khao khát và có thể tăng trưởng tích cực hơn nữa” vì họ đã tiếp cận với vốn đầu tư tư nhân và mạo hiểm một thời gian dài so với Việt Nam.

Một số công ty công nghệ Việt từng huy động nguồn vốn lớn bằng cách chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, nếu một nhà sáng lập muốn thu hút các nhà đầu tư, việc có tham vọng phủ sóng khu vực sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn.

Bài học từ những startup “ngã ngựa”

Những năm gần đây, tin tức về các công ty khởi nghiệp Việt Nam gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư nước ngoài lan truyền mạnh trên các kênh truyền thông. Những nhà sáng lập startup nhanh chóng được coi là những ngôi sao mới.

Bởi vậy, khi WeFit, startup phong cách ClassPass tuyên bố phá sản vào tháng 5 đã khiến hệ sinh thái công nghệ trẻ và đầy hy vọng của Việt Nam “lạnh sống lưng”. Không lạ khi các công ty khởi nghiệp thất bại, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 này. Nhưng WeFit là một trường hợp nổi bật khi gọi được khoảng 1 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Nhà sáng lập Nguyễn Khôi cũng lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2018.

Đội ngũ WeFit. Ảnh: WeFit.

Đội ngũ WeFit. Ảnh: WeFit.

Mai Hồ, người phụ trách thị trường Việt của Hustle Fund, công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Thung lũng Silicon từng đưa ra quan điểm trên blog rằng WeFit không xoay chuyển đủ nhanh khỏi mô hình phòng tập không giới hạn.

Ngay cả trước Covid-19, startup này đã phải chịu gánh nặng từ mô hình kinh doanh thua lỗ, do các chủ sở hữu phòng tập thể dục và spa kiện công ty vì không trả phí.

ClassPass cũng gần phá sản. Trong giai đoạn đầu thành lập, doanh nghiệp này báo cáo khoản lỗ hằng năm là 65 triệu USD. ClassPass phục hồi bằng cách từ bỏ mô hình gói tập thỏa thích sang gói giới hạn, mang lại nhiều lợi ích hơn và tăng doanh thu. Công ty này cũng đã đạt được vị thế kỳ lân sau khi huy động 285 triệu USD vào tháng 1.

Trong khi đó, nhà sáng lập Joel Neoh của KFit cũng chuyển hướng sang phát triển Fave sau khi nhận ra rằng mô hình khởi nghiệp trước đây của mình không ổn. Fave kết nối người bán với khách hàng thông qua các khoản giảm giá và mở rộng nền tảng một cách ổn định trong khu vực.

Nhà sáng lập này cũng từng chia sẻ về dự án kinh doanh KFit: “Càng nhiều người tiêu dùng hoặc khách hàng sử dụng nền tảng, chúng tôi càng phải trả nhiều tiền hơn cho các chủ sở hữu phòng gyms và studio, điều này càng gây thiệt hại cho mọi khách hàng”.

Đại dịch đang buộc các startup phải tập trung vào tăng trưởng thực sự thay vì chỉ tìm kiếm các quỹ đầu tư nước ngoài. Darren Nguyen từ Icebreaker Capital cho biết công ty ông chưa tìm thấy một startup Việt Nam thực sự có “công nghệ đột phá”. Do đó công ty vẫn đang trong khám phá thị trường Việt Nam. Ông này bổ sung rằng các startup thường có xu hướng công khai số tiền được đầu tư, nhưng lại bỏ qua các cột mốc và KPIs.

Cơ hội nào cho startup Việt?

Theo một nhà đầu tư thiên thần tại TP HCM, động lực của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ không giảm đi. Tuy nhiên họ sẽ cẩn thận hơn trong việc định giá các công ty khởi nghiệp và xem xét kỹ càng hơn các chỉ số. Một nhà đầu tư giấu tên khác cũng cảnh báo một số startup Việt đã tiếp tục huy động vốn vòng series A từ các nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi vào năm ngoái, đã hoạt động trên “một mô hình kinh doanh đáng ngờ”.

“Đây thường là những công ty hoạt động với tổng thị trường khả dụng (TAM) rất lớn và tỷ suất lợi nhuận mỏng. Giá trị ưu đãi mà các nhà đầu tư đang trả cao hơn đáng kể giá trị sổ sách thực tế dựa trên các chỉ số của startup hiện tại”, người này giải thích. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đang không có nhân viên người Việt đảm nhiệm việc tìm nguồn cung ứng và thẩm định tốt.

Nguồn vốn tài trợ cũng có thể làm tăng sự định giá phi thực tế đối với những thương vụ giai đoạn tiền hạt giống và hạt giống. Điều này “có khả năng khiến định giá những vòng tiếp theo tăng đến mức bất thường, khiến các công ty này có nguy cơ bị định giá thấp hơn trong lần tiếp theo hoặc tệ hơn”, một nhà đầu tư cho biết.

Michael Lints cho hay Golden Gates sẽ tiếp tục đặt cược vào các startup Việt với một lộ trình dài hơn. Công ty này đã sớm rót vốn vào các công ty Việt Nam như Lozi, Baokim, Appota và Wifi Chua. Lints nói rằng “có một lượng lớn các công ty từ Việt Nam đang muốn thuyết phục chúng tôi trong thời gian này”.

Một quỹ đầu tư ở giai đoạn đầu khác hoạt động tích cực tại Việt Nam là Insignia, đơn vị từng hợp tác với Topica Founder Institute để cung cấp vốn hạt giống cho các công ty khởi nghiệp từ Topica.

Waves, một startup về âm thanh và podcast tại TP HCM, là đơn vị mới nhất lọt vào danh mục đầu tư của Insignia.

Waves, một startup về âm thanh và podcast tại TP HCM, là đơn vị mới nhất lọt vào danh mục đầu tư của Insignia.

Đối tác điều hành sáng lập Yinglan Tan kỳ vọng, việc Việt Nam có khả năng kiểm soát được khủng hoảng Covid-19 sẽ giúp thu hút nhiều nguồn vốn hơn cho các lĩnh vực muôn thủa như giáo dục.

Ngoài ra, “cuộc đàm phán sáp nhập Tiki-Sendo báo hiệu một cách thức mới để gia tăng sức mạnh của các công ty Việt với những công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực như Grab và Gojek”, Tan nói. Đây là dấu hiệu cho thấy nhiều thương vụ mua lại có thể xảy ra tiếp theo.

Mai Hồ của quỹ Hustle cho rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 ít nhất đã thay đổi suy nghĩ của những nhà sáng lập Việt. Quỹ này cũng đang tìm kiếm những đơn vị có thể tồn tại bằng nguồn vốn thấp và có tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định.

Ngọc Nguyễn, nhà sáng lập kiêm CEO của startup proptech Reti, là một trong những nhà sáng lập đang tìm cách gọi thêm vốn vào thời điểm không chắc chắn này. Ngọc cho biết startup đã tự huy động vốn trong năm qua và đang có kế hoạch chính thức ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến trong tháng này.

Các đối thủ cạnh tranh của Reti trong lĩnh vực proptech non trẻ của Việt Nam bao gồm Rever và Propzy, đều đã huy động thành công vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài. “Các nhà đầu tư bây giờ thận trọng hơn. Chúng tôi phải đứng vững, không chỉ để đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của họ mà còn để tồn tại”, Ngọc nói.

Hoài Phong (Tech In Asia)

Startup Việt ‘hụt hơi’ trên đường đua mở rộng thị trường
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here