Khám phá khẩu trang không dây của startup Ấn Độ

0
1106
Hiện tượng sương mù do ô nhiễm ở New Delhi. Ảnh: Dominique Faget/Getty Images

Hiện tượng sương mù do ô nhiễm ở New Delhi. Ảnh: Dominique Faget/Getty Images

Từ tháng 11/2017, không khí độc hại ngày càng bao trùm New Delhi, với một số khu vực trong thành phố được ghi nhận có chỉ số chất lượng không khí (AQI: chỉ số chính phủ mỗi nước dùng để thông tin cho người dân biết mức độ ô nhiễm không khí hiện tại hoặc dự báo mức độ ô nhiễm có thể xảy ra; AQI càng tăng, càng nhiều người dân có nguy cơ chịu tác động xấu về mặt sức khỏe) là 999 microgram/m3, vượt qua cả mức mà các thiết bị không thể đo lường được. Bầu không khí này khiến người dân chịu tác động xấu tương đương với việc hút khoảng 50 điếu xì gà mỗi ngày. Ông Arvind Kejriwal – người đứng đầu chính quyền thành phố ví von rằng New Delhi đã trở thành một “căn phòng hơi ngạt”.

Nỗ lực chống lại tình trạng ô nhiễm, người dân Delhi phải sử dụng các loại khẩu trang với mức giá rẻ nhất vào khoảng 30 rupee (tương đương 10 ngàn đồng) và đắt nhất là khoảng 1.800 rupee, nhưng gần như vẫn không thể bảo vệ họ khỏi tất cả các chất ô nhiễm trong không khí.

Giải pháp hiệu quả với giá cả phải chăng

Trong bối cảnh đó, Prateek Sharma – CEO của startup Nanoclean Global lại tin rằng mình có một giải pháp hữu hiệu để đối phó với “cơn khủng hoảng sức khỏe” này. Vị CEO này cho biết, công ty của mình đã phát triển một sản phẩm để dán trực tiếp vào mũi với mức giá chỉ 10 rupee, có khả năng hạn chế sự xâm nhập của các loại hạt gây hại vào cơ thể người. Sản phẩm của Nanoclean Global được bán ra thị trường với nhãn hiệu Nasofilters. Cụ thể, một gói nhỏ Nasofilters chứa 10 miếng dán với giá 10 rupee/miếng. Mỗi miếng có thể được sử dụng 8 – 10 giờ trong thời điểm chất lượng không khí cực tệ.

Công ty tuyên bố Nasofilters có khả năng loại bỏ hiệu quả 95% bụi PM2.5 – loại bụi siêu nhỏ, có kích thước chỉ bằng 1/40 hạt cát, có thể luồn lách vào phổi, gây ra nhiều căn bệnh về tim và đường hô hấp. “Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm đầu tiên có mức giá phải chăng, được áp dụng công nghệ nano”, Sharma nói với Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn.

So sánh sản phẩm của mình với những loại khẩu trang chống ô nhiễm với nhiều lớp lọc có hiệu quả tương tự nhưng có mức giá có khi lên đến 1.800 rupee, Sharma nói: “Khi tiếp xúc với các hạt bụi ô nhiễm, khẩu trang sẽ tích tụ chúng lại ở trong một lớp lọc nào đó, và sau vài ngày, bạn phải vứt nó đi, dù bạn đã mua nó với giá hàng trăm rupee. Và các giải pháp đắt tiền này chỉ hiệu quả trong tối đa là 100 giờ”.

Sharma nói rằng Nasofilters được ứng dụng “công nghệ lọc bề mặt”: “Khi bạn thở ra, sản phẩm này sẽ tự động làm sạch chính nó. Có một lớp lọc sợi nano 2D ở mặt ngoài, vì thế các hạt bụi bẩn gây hại không thể xâm nhập vào bên trong”.

“Chúng tôi sử dụng chất liệu polymer phân hủy sinh học để chế tạo sản phẩm, với độ dày của thớ vải vào khoảng 200 nanômét, giúp lọc được bụi PM2.5 và vi khuẩn. Nếu giảm được độ dày của vải xuống dưới 200nm, chúng tôi thậm chí còn có thể lọc được virus”, CEO Nanoclean Global chia sẻ thêm. Sản phẩm lọc khí thải và bụi bẩn này được cho là có độ cản trở sự hít thở không đáng kể.

Sản phẩm Nasofilters được làm từ chất liệu có thể phân hủy sinh học. Nguồn: Nasofilters

Sản phẩm Nasofilters được làm từ chất liệu có thể phân hủy sinh học. Nguồn: Nasofilters

Sharma cho biết, Công ty muốn mang đến giải pháp chống ô nhiễm hiệu quả với giá cả phải chăng, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho người dùng, vì sản phẩm này khó thể nhìn thấy từ xa và không che kín gần hết gương mặt giống như các loại khẩu trang y tế hiện tại.

Nanoclean Global đã đạt giải Giải thưởng Quốc gia Startups 2017 hồi tháng 5/2017 và đang chờ nhận 3 bằng sáng chế ở Ấn Độ, về lĩnh vực sản phẩm, công nghệ và thiết kế. Công ty cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế thông qua Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT).

Nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ đến các đồng môn

Sharma khởi đầu Nanoclean Global tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở New Delhi vào năm 2015, khi vừa tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng ở Viện. 2 nhà đồng sáng lập khác cũng là cựu sinh viên IIT.

Nanoclean Global còn nhận được sự hỗ trợ của một số giảng viên IIT, đồng thời nhận được một khoản đầu tư đảm bảo từ một nhóm các cựu sinh viên của Viện. Công ty cũng được hậu thuẫn tài chính bởi chính phủ Ấn Độ thông qua Sở Khoa học & Công nghệ và Sở Công nghệ sinh học.

Tổng cộng, công ty với 15 nhân viên này đã huy động được gần 400.000 USD từ nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ và các cựu sinh viên IIT, Sharma tiết lộ.

Nói về CEO của Nanoclean, Dharmendra Pradhan – Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí thiên nhiên kiêm Bộ trưởng Phát triển kỹ năng và Tinh thần doanh nhân Ấn Độ nhận định: “Đây là cách mà những sáng kiến nhỏ có thể giải quyết được những vấn đề tác động đến hàng triệu người”

Prateek Sharma - CEO của startup Nanoclean Global - nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Viện Công nghệ Ấn Độ ở Delhi. Ảnh: Mamoru Yago/Nikkei Asian Review

Prateek Sharma – CEO của startup Nanoclean Global – nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Viện Công nghệ Ấn Độ ở Delhi. Ảnh: Mamoru Yago/Nikkei Asian Review

.

Nanoclean bắt đầu bán Nasofilters trên kênh trực tuyến từ tháng 1/2018. Một số công ty, trường học và nhà hàng ở New Delhi cũng đã đặt hàng sản phẩm độc đáo này với số lượng sỉ.

Và bước ra ngoài biên giới

Không riêng gì New Delhi, hàng triệu người ở các thành phố khác trên khắp Ấn Độ đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm không khí tương tự. Báo cáo Greenpeace India vào tháng 1/2017 cho thấy, hơn một triệu trường hợp tử vong mỗi năm ở nước này có thể liên quan đến chất lượng không khí kém.

Báo cáo năm 2016 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu tên 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, và Ấn Độ là đất nước có đến một nửa trong tổng số 20 thành phố này. Cũng trong báo cáo này, ở bảng xếp hạng 3.000 thành phố có nồng độ bụi PM2.5 dày đặc nhất, Delhi cũng xếp thứ 11 với 122 microgram/m3, từ vị trí “quán quân” hồi năm 2014 với 153 microgram/m3 (mức độ bụi PM2.5 được WHO khuyến cáo là… 10 microgram/m3).

Nanoclean là một trong số 25 startup được chính phủ Hàn Quốc chọn để tài trợ trong khuôn khổ chương trình K-Startup Grand Challenge 2017, từ hơn 1.500 startup ở 118 quốc gia.

Đồng thời, Nanoclean còn nằm trong số 100 startup lọt vào vòng chung kết (cũng là startup duy nhất từ Ấn Độ lọt vào vòng này) Elevator Pitch Competition 2017 – một sự kiện startup quốc tế được tổ chức bởi Công ty Hong Kong Science & Technology Parks Corporation.

Các nhà đồng sáng lập Nanoclean Global ((từ trái sang): Jatin Kewlani, Tushar Vyas và Prateek Sharma. Ảnh: K Asif/India Today

Các nhà đồng sáng lập Nanoclean Global ((từ trái sang): Jatin Kewlani, Tushar Vyas và Prateek Sharma. Ảnh: K Asif/India Today

Trước mắt, Nanoclean phải đối diện với không ít thách thức. Đầu tiên là từ các đối thủ cạnh tranh trong mảng khẩu trang y tế, như các hãng Reckitt Benkiser Group và Calyfon.

Sharma cho biết hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là một vấn đề mà Nanoclean phải đối mặt. “Một số nơi có thể bán sản phẩm tương tự với mức giá rẻ vì được làm từ chất liệu vải thông thường. Nhưng người tiêu dùng sẽ không thể phân biệt được sản phẩm làm từ sợi nano và sản phẩm giả mạo”, CEO Nanoclean chia sẻ.

Nanoclean hiện đang sản xuất sản phẩm tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, với công suất nửa triệu sản phẩm/ngày. Công ty cũng có một chi nhánh tại Hàn Quốc – nơi sẽ bắt đầu sản xuất sản phẩm từ cuối tháng 1/2018 để mở rộng thị trường sang các nước châu Á khác. “Mọi quốc gia ở châu Á đều là thị trường mục tiêu của chúng tôi”, Sharma cho biết.

Được chính phủ Hàn Quốc tài trợ tổng cộng 50.000 USD, cộng thêm nguồn vốn ban đầu, trong 6 tháng tới, Nanoclean sẽ không cần phải huy động thêm vốn. Tuy nhiên, Sharma cho biết Công ty đang trao đổi với một số nhà đầu tư mạo hiểm để tiếp tục phát triển trong tương lai. “Tôi không muốn công ty mình chỉ tập trung vào mặt thương mại. Ô nhiễm không khí là một vấn đề rất nghiêm trọng, và chúng tôi đang cố gắng tạo ra tác động bằng cách giúp cuộc sống trở nên tốt hơn”, CEO 25 tuổi chia sẻ tầm nhìn của mình.

Khám phá khẩu trang không dây của startup Ấn Độ
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here