Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều quan trọng trong tư duy làm chính sách pháp luật trong cuộc cách mạng 4.0 là: Muốn xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Thủ tướng cũng cho biết khi xét xử Grab, ông đã nói với Chánh án tối cao cần xem xét các xu hướng phát triển, không vì thiếu khung pháp lý, hay vì tư duy “không quản lý được thì cấm” mà gây cản trở…
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam“, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những thách thức của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh một số thách thức như khoảng cách khá xa về trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp còn ít, Thủ tướng còn thẳng thắn chỉ ra câu chuyện Việt Nam chưa xây dựng được mô hình chính sách pháp luật phù hợp để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sự chậm trễ trong chính sách đôi khi còn là rào cản, làm nhụt chí khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao
“Chúng ta chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được mô hình chính sách pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0. Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản, làm nhụt chí khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không phát triển đột phá và còn dễ bị tụt lại phía sau”.
“Nhiều DN khởi nghiệp, vì chúng ta chưa có thể chế tốt, nên rời nước ta sang Singapore để khởi nghiệp. Đó là một thực tiễn“, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.
Thủ tướng cho biết trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh, để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hàng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng, đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại. Một ví dụ điển hình Thủ tướng nêu ra là khi chúng ta đang nghiên cứu giải pháp, chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh các mô hình kinh tế chia sẻ về khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, quyền sở hữu đối với các loại tài sản mã hóa, để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thì mới đây Facebook đã công bố chuẩn bị phát hành đồng tiền điện tử Libra.
Hiện Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển Chính phủ điện tử.
“Sáng nay tôi đã trực tiếp khai mạc e-Cabinet – một nội dung quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, và tiến tới là Chính phủ số. Tới đây, sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để hướng tới một Việt Nam số – eVietnam, trong đó tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phải thay đổi không ngừng để thích nghi với môi trường số hóa”.
Xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải Thoáng, Mở, và Sáng tạo
“Bên cạnh các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng số hóa, nền tảng tài nguyên số và hệ sinh thái kinh tế số, thì thể chế và chính sách số là một nhiệm vụ quan trọng tiên phong”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng cho rằng trước mắt, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kinh tế số, tài sản mã hóa, các hình thức đầu tư mạo hiểm…
“Khi xét xử Grab, tôi có nói với đồng chí Chánh án tối cao cần xem xét các xu hướng phát triển, không vì thiếu khung pháp lý mà kết luận thế này, thế kia. Cần lưu ý lối tư duy “không quản lý được thì cấm” trong thể chế, đừng gây cản trở…”
“Một điều quan trọng khác là tư duy làm chính sách pháp luật trong cách mạng công nghiệp 4.0: Xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải Thoáng, Mở, và Sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, không vì lý do không quản được công nghệ mà cấm ứng dụng công nghệ mới, mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý theo kịp những diễn biến rất nhanh trong thời kỳ mới”, Thủ tướng khẳng định.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ