Theo Techtarget, nền kinh tế gig (gig economy) là một môi trường trong đó các công việc tạm thời là phổ biến, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với những người lao động tự do (freelancer) về một sự cam kết ngắn hạn giữa đôi bên.
Và trong nền kinh tế gig, đây là điều mà nhiều freelancer thường cảm thấy: họ tạo ra sản phẩm, họ yêu cầu mức phí, họ chờ đợi, và vẫn… tiếp tục làm việc. Họ thấy mình như một “nhà sưu tập tiền lẻ” hơn là một người làm công việc xứng đáng được trả lương đúng hạn.
Còn về phía các doanh nghiệp thuê freelancer thì sao? Mọi thứ có vẻ chẳng dễ dàng hơn. Nhiều startup hoặc các SME đã trải qua trường hợp các freelancer họ thuê đột nhiên “im thin thít và lặn mất tăm” vào những thời điểm quan trọng, bỏ mặc họ phải tự xoay xở để giải quyết phần việc đó hoặc phải thuê một freelancer khác với mức giá cao hơn vì thời gian quá gấp rút.
Đó là một vài trong số nhiều bất cập trong nền kinh tế gig mà Jason Teo – nhà quản lý cấp cao (General Manager) của startup ZomWork – một nền tảng cung cấp nhân tài trong nền kinh tế gig, liên doanh giữa Singapore Press Holdings và ZBJ Network, lnc. – chỉ ra.
“Khi công nghệ và sự toàn cầu hóa trở nên ngày càng phổ biến, nền kinh tế gig cũng tăng trưởng mạnh ở Singapore – nơi có đầy những nhân tài nhiều kinh nghiệm đang làm việc tự do. Mục tiêu của ZomWork là trao công cụ cho cả 2 bên là freelancer và các công ty (client) có nhu cầu thuê freelancer, giúp họ có thể tìm thấy nhau dễ dàng hơn và gắn kết với nhau hiệu quả hơn”, Jason Teo nói.
Theo đó, trên nền tảng của ZomWork, các SME và startup có thể dễ dàng đăng nội dung về những dự án của họ và chọn những freelancer phù hợp. Cả client và freelancer đều được bảo vệ trên nền tảng này, nhờ vào việc thanh toán đảm bảo, nền tảng giao tiếp cho đôi bên về tiến trình thực hiện công việc cụ thể, và cả một đội ngũ quản lý tranh chấp.
Từ khi ra mắt hồi tháng 4/2018 đến nay, ZomWork đã xây dựng được một cộng đồng hoạt động mạnh mẽ trên nền tảng của mình với hơn 2.000 công ty và freelancer chuyên nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn với Inc., Jason Teo đã chia sẻ về 3 đặc điểm quan trọng về vai trò, tính chất của freelancer cũng như mối quan hệ giữa freelancer và các client, thông qua kinh nghiệm vận hành startup ZomWork nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế gig:
1. Vai trò, tính chất của freelancer đang bị cường điệu
Sự tận dụng nền công nghệ viễn thông đã tạo ra các “dân du mục kỹ thuật số” – những người có khả năng kiếm sống dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đây không chỉ là xu hướng tại Singapore mà còn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Jason Teo cho rằng, mọi người không nên quá cường điệu tính chất công việc freelance. Cái ý tưởng rằng vừa có thể nằm dài tắm nắng ở Bali hay Saint-Tropez vừa vẫn có thể kiếm được thu nhập là điều gì đó rất hấp dẫn đối với những người làm toàn thời gian, nhưng đó chưa phải là tất cả tính chất công việc của freelancer.
“Khi trò chuyện với các freelancer, tôi biết được rằng họ đánh giá cao sự tự do ở khía cạnh họ có thể được tự lựa chọn dự án mình muốn làm, được nhận đầy đủ chi phí, được xây dựng thương hiệu cá nhân, được chọn công ty mình muốn hợp tác… Những điều này quan trọng hơn và thể hiện đầy đủ mong muốn của họ hơn, chứ không phải chỉ riêng việc được làm việc ở bất cứ nơi đâu”, Jason Teo cho biết.
2. Client thường bỏ qua khâu gặp mặt trực tiếp freelancer
Những cuộc gặp mặt đối mặt giữa client với freelancer vẫn là điều gì đó khá hiếm hoi, Jason Teo nhận định. “Dù chúng tôi cố gắng thể hiện khách quan đến mức nào thì chất lượng của nhân tài freelancer vẫn mang tính chủ quan. Họ là những cây bút, những nhà thiết kế, những nhà lập trình… với những phong cách hoặc sở trường khác biệt nhau. Vì vậy, các client nên gặp gỡ trực tiếp để trao đổi với họ về công việc”, Jason Teo gợi ý.
Nhờ kinh nghiệm quan sát trên ZomWork, ông cho rằng, những người tìm được nhiều dự án nhất thường là những người giỏi về… sale hơn là giỏi về chuyên môn thực sự.
Trên thực tế, làm việc trong nền kinh tế gig vẫn liên quan nhiều đến mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. “Đôi khi các client nghĩ rằng một khi họ đã thuê ngoài một phần việc gì đó rồi thì phần việc đó hiển nhiên đã được giải quyết. Nhưng tôi nghĩ rằng họ nên ít nhiều chuẩn bị tinh thần để hướng dẫn freelancer. Khi là một client có nhu cầu thuê freelancer, nên có một ai đó trong đội ngũ của bạn có thể nói rõ với freelancer về công ty, mô hình kinh doanh…, vì freelancer đó chỉ là chuyên gia trong lĩnh vực của mình chứ không phải là chuyên gia trong công việc kinh doanh của công ty bạn”, Jason Teo chỉ rõ.
3. Các freelancer không chỉ dành cho startup, mà còn với cả những công ty lớn
Các startup và SME thường có nhiều nhu cầu thuê các nhân tài freelancer bên ngoài. Tuy nhiên, ”, Jason Teo cho biết, sự lớn mạnh của nền tảng ZomWork không chỉ đơn thuần là nhờ các startup. “Chúng tôi đang chứng kiến nhiều công ty lớn có nhu cầu tìm kiếm và thuê mướn freelancer, nhưng họ làm điều đó với những lý do khá khác biệt”, Jason Teo nói.
Các công ty đang tăng trưởng có xu hướng thuê freelancer vì họ có nhu cầu tìm kiếm những kỹ năng “cực hiếm”, chẳng hạn như các nhà khoa học dữ liệu, các kỹ sư về đám mây… Vì nếu tìm kiếm nhân tài toàn thời gian, họ sẽ phải tốn rất nhiều chi phí. “Những nhân tài trong các lĩnh vực này thích làm cho nhiều công ty khác nhau, nhiều lĩnh vực khác nhau không đơn thuần chỉ vì tiền, mà còn vì một thực tế rằng họ sẽ học hỏi được rất nhiều những điều mới”, Jason Teo chia sẻ.
Mặt khác, các công ty lớn hơn thì làm việc với freelancer như một cách để họ mạo hiểm vượt ra khỏi ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình.
Trong một thế giới mà sự đổi mới chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa những công ty tiến bộ và các công ty sẽ bị chìm vào quên lãng, việc thuê các freelancer sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thử nghiệm những cách làm mới mẻ chưa từng được kiểm chứng. “Các công ty nên thuê chuyên gia tự do để họ làm việc khi dự án mới bắt đầu vào các phần cơ bản. Rồi khi dự án lớn hơn, chứng minh được hiệu quả, đó là lúc họ nên nghĩ đến việc thuê người làm việc toàn thời gian”, Jason Teo đưa ra lời khuyên.