“Tôi muốn mỗi ngày thức dậy đều có thể làm công việc khiến mình hào hứng, có thể cống hiến hết mình và tạo giá trị cho cộng đồng”, founder Cỏ mềm Homelab Trịnh Đặng Thuận Thảo chia sẻ.
Mối lương duyên tình cờ
Trịnh Đặng Thuận Thảo vốn là giảng viên Đại học Dược nhưng chị lại bén duyên với tình yêu cây cỏ và nghiên cứu những sản phẩm chăm sóc da từ thuần tự nhiên mang thương hiệu Cỏ mềm Homelab. Nhưng ít ai biết được rằng, mối lương duyên với con đường chị đang theo đuổi lại là một sự tình cờ không có chủ ý, không sắp đặt.
Tốt nghiệp đại học Dược vào năm 2006 và trở thành giảng viên tại Đại học học Dược được 1 năm, không dừng lại việc học tập, Thảo tiếp tục con đường nghiên cứu với chuyên ngành Bào chế Công nghiệp tại Đại học Dược Strasbourg của Pháp (Strasbourg được biết đến là đại học lớn nhất nước Pháp). Về nước, Thảo tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Dược Hà Nội.
Đến khi sinh bé thứ hai vào năm 2014, Thảo tìm kiếm những sản phẩm làm từ thiên nhiên để chăm sóc cho con nhỏ nhưng không tìm được sản phẩm nào phù hợp. Bằng tình yêu của một người mẹ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, Thảo quyết định nghiên cứu và làm những sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên như son gạo và bánh xà bông.
Thảo chia sẻ: “Khi thấy tôi làm ra những sản phẩm đó, bạn bè tôi rất quan tâm và cũng muốn sử dụng. Từ nhu cầu thực tế của chính gia đình mình và những người thân thiết xung quanh với nền tảng kiến thức sẵn có, tôi mở một phòng nghiên cứu nhỏ ngay chính trong ngôi nhà của mình. Đó cũng chính là lý do tôi đặt tên cho thương hiệu của mình là Cỏ mềm Homelab”.
Nghiên cứu những sản phẩm để chăm sóc da cho con nhỏ nhưng tình cờ lại được rất nhiều người quan tâm.
Đồng thời cũng vào chính khoảng thời gian đó, Thảo đã quyết định dừng lại công việc giảng dạy mà mình đã gắn bó 10 năm để tìm một hướng đi mới. Thảo thổ lộ rằng: “Khi tôi quyết định nghỉ việc, lúc đó Cỏ mềm chưa ra đời mà thực tế tôi muốn tìm một công việc để mỗi ngày thức dậy bản thân đều cảm thấy hào hứng để cống hiến. Và cuối cùng, mối lương duyên với tình yêu cây cỏ đã đến với tôi một cách tình cờ như vậy”.
Tạo ra những sản phẩm Lành và Thật
Thảo kể rằng, 50 năm trước, bà của cô giặt quần áo bằng bồ hòn, gội đầu bằng bồ kết, rửa bát bằng xơ mướp và dưỡng da bằng nước gạo. Nhưng đến thế hệ của Thảo thì bắt đầu sử dụng những sản phẩm có hóa mỹ phẩm từ dầu gội, sữa tắm, dầu rửa bát, dưỡng da cho đến sữa rửa mặt. Chính vì thế, Thảo mong muốn và khao khát tìm về những sản phẩm chăm sóc da bằng những nguyên liệu thiên nhiên với triết lý tạo ra những sản phẩm Lành và Thật.
Thảo bắt đầu ước mơ Xanh của mình, nghiên cứu những sản phẩm thuần túy, tối giản, chỉ tập trung vào mục đích sử dụng của chính nó. Nghĩa là nước giặt thì chỉ cần giặt sạch, chứ không cần phải nhiều bọt; dưỡng da, dưỡng tóc thì để da tóc khỏe từ gốc chứ không cần cảm giác giả mướt tay từ silicon.
Tạo ra những sản phẩm Lành và Thật, tập trung vào mục đích sử dụng của chính nó, nước giặt thì chỉ cần sạch, không cần nhiều bọt; dưỡng da, dưỡng tóc để da tóc khỏe từ gốc chứ không cần cảm giác giả mướt tay từ silicon.
Thảo cũng quan điểm: “Tôi từ chối mọi sản phẩm chứa hạt vi nhựa, chỉ dùng cafe xay mịn và muối biển để tẩy tế bào chết; không dùng những hóa chất tẩy rửa mà thay bằng xà bông dầu dừa và quả bồ hòn xưa cũ”.
Những sản phẩm mà founder Cỏ mềm hướng đến không chỉ là những sản phẩm sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, an toàn mà còn hướng đến những sản phẩm bảo vệ môi trường.
Đi chậm và từ từ
Vốn xuất thân là một dược sỹ, Thảo đã có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu cũng như sản xuất những sản phẩm chăm sóc da thuần tự nhiên. Tuy nhiên, trong kinh doanh, cô lại thiếu kinh nghiệm về nhiều mặt.
Thảo thổ lộ rằng, cô kinh doanh rất bản năng và không có nhiều kinh nghiệm. Cô cũng thừa nhận bản thân mình không có kinh nghiệm về quản trị, marketing, quản lý nhân sự, công ty đôi khi phát triển vượt tầm kiểm soát.
Khó khăn lớn thứ hai mà Thảo gặp phải là về nguồn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu dược liệu của Việt Nam không ổn định, có những mẻ nguyên liệu rất tốt nhưng cũng có những mẻ nguyên liệu bị ảnh hưởng về thời tiết và đất đai. Vì vậy, Thảo và cộng sự phải mất nhiều thời gian trong việc tìm ra những phương pháp tối ưu nhất để có thể có được nguồn nguyên liệu chất lượng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, tận dụng những cây dược liệu của Việt Nam.
Sau những nỗ lực của Thảo và những cộng sự, đến nay, những sản phẩm của Cỏ mềm đã được nhiều người sử dụng và có phản hồi tích cực. Sau hơn 3 năm xây dựng, Cỏ Mềm từ 3 nhân sự nay đã tăng lên 50 nhân sự và sắp khai trương cửa hàng thứ 5.
Founder Cỏ mềm quan điểm rằng: “Tôi làm Cỏ mềm rất chậm, câu chuyện của tôi không phải câu chuyện đầu tư mà điều quan trọng nhất là sản phẩm của mình mang lại giá trị gì cho cộng đồng”.
Thảo cũng nhận định: “Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp có thể phát triển, đi xa, bền vững thì không chỉ đi chậm để đi chắc, mà trước hết phải sống khỏe”.
Cửa hàng cũng được thiết kế, tạo không gian xanh và hướng đến sự tối giản.
Thảo tiết lộ, có những khách hàng sử dụng và muốn phân phối sản phẩm của Cỏ mềm nhưng hiện tại, cô sợ người phân phối bảo quản không tốt sản phẩm và tư vấn không đúng cho khách nên vẫn chưa đồng ý. Trước mắt, Thảo muốn tập trung ghi nhận phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm phù hợp và tốt hơn. Đồng thời, đội ngũ cũng đang tập trung phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ và nghiên cứu sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Khởi Minh
Theo Trí Thức Trẻ