Triết lý nào đang đứng đằng sau công nghệ giáo dục?

0
652

Sau khi nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Khởi nghiệp công nghệ tại đại học De La Salle, thủ đô Manila, Philippines; Jack Ma nói “Tôi tin rằng không phải công nghệ mà là ước mơ đứng đằng sau nó mới là thứ có thể thay đổi thế giới”.

Có hai điều đặc biệt đằng sau câu chuyện trong bối cảnh mà câu nói trên được thốt lên. Một, theo con đường thông thường, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba là một trường hợp “thất bại” của giáo dục. Ông trượt đến 2 lần một bài thi quan trọng ở tiểu học, thi trượt cấp 2 tới 3 lần và cũng phải tới lần thứ 3 thi đại học ông mới đỗ vào một trường sư phạm xếp hạng 4 lúc đó.  

Hai, khi bắt đầu xây dựng Alibaba- đế chế thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay, người sáng lập ra nó cũng không hề có một chút kiến thức nào về công nghệ, máy tính, internet hay lập trình. Tất cả những gì Jack Ma có, theo ông, chỉ là một ước mơ, mong muốn giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao bán được hàng. 

Trong một ngõ hẹp của giáo dục phổ thông, tỷ phú Jack Ma chưa bao giờ là một học sinh giỏi từ cấp tiểu học cho đến bậc đại học. Trong một thế giới công nghệ, ông cũng chưa bao giờ viết được một dòng code ở bất cứ một ngôn ngữ lập trình nào cho tập đoàn công nghệ của mình. 

Chắc chẳng có ai là đủ sức thuyết phục hơn Jack Ma khi nói “Công nghệ không phải là thứ làm thay đổi thế giới”. Ông chú trọng nhiều hơn đến triết lý, ước mơ đứng đằng sau công nghệ đó và đã dành đúng cuộc đời mình dù vô tình hay cố ý, chứng minh cho quan điểm đó. 

triet-ly-nao-dang-dung-dang-sau-cong-nghe-giao-duc

Công nghệ chỉ hỗ trợ tốt nhất cho giáo dục khi có một triết lý giáo dục đúng đắn đứng đằng sau

Điều Jack Ma làm được, và khiến ông thành công hơn nhiều người trong số chúng ta là bởi ông nhận ra mình muốn trở thành ai, chiến đấu cho điều gì trong cuộc sống này. Khi đó, công nghệ chỉ là một thứ công cụ, vũ khí được vị tỷ phú sử dụng để thực hiện cho lý tưởng của mình.

Chúng ta đang ở một thời đại mà có lẽ không gì có nhiều bằng công nghệ. Đủ các loại công nghệ phục vụ đủ loại mục đích nhu cầu sống, học tập, vui chơi giải trí của con người. Trong đó, công nghệ trong giáo dục, học tập chiếm một phần không nhỏ. 

Trí tuệ nhân tạo, robot dạy học, mô hình học trực tuyến, các phần mềm ứng dụng học ngôn ngữ, các công nghệ Deep Tech như Thực tế ảo/ Thực tế tăng cường, các loại máy đo sóng não, kích thích não…được ứng dụng triệt để nhằm giúp học sinh tăng tương tác, sinh động hóa các kiến thức cần thu nạp, ghi nhớ tốt hơn…

Có cảm giác như bất cứ công nghệ nào mà có thể giúp con người nạp được nhiều kiến thức hơn nữa, làm được nhiều bài tập hơn, tăng lượng tri thức hấp thụ được…thì đều được phát minh, quảng cáo và ứng dụng nhiệt tình. 

Thế giới ngoài kia đang thay đổi quá nhanh, một tỷ loại công nghệ ra đời và chết đi hàng ngày càng khiến các tiến trình thay đổi trở nên nhanh hơn và ngày càng được rút ngắn lại.

Có lẽ hơn lúc nào hết chúng ta đang hoang mang trong câu hỏi vậy chúng ta đang muốn tạo ra những con người như thế nào với kiểu kĩ năng và tư duy gì để phù hợp với thời đại mà ta đang sống. Vấn đề này sẽ ngày càng gâp áp lực lớn lên ngành giáo dục, róng riết với mỗi bậc phụ huynh, gia đình và xa hơn là một thể chế xã hội, quốc gia. Triết lý nào đang đứng đằng sau tất cả những loại công nghệ giáo dục?

Câu hỏi đặt ra trong ngành giáo dục là chúng ta mong muốn học sinh ngày càng học và ghi nhớ được nhiều hơn hay chúng ta ước mơ mỗi con người sẽ hạnh phúc, tìm ra được mục tiêu, lý tưởng sống của mình, sống nhân ái, độc lập, có chính kiến, biết yêu thương và không bỏ cuộc?

Công nghệ có thể khiến chúng ta học tốt hơn nhưng sẽ là vô nghĩa nếu cái sự học quay cuồng luôn thiếu đi một mục đích, định hướng đằng sau. Suy cho cùng thì với thời đại của Internet, Google, Facebook, Wikipedia, mọi thông tin kiến thức đều được truy vấn ra bằng chỉ một cái click chuột và đi đâu cũng thấy tràn lan các thông tin cần đọc thì biết ít hơn mới là một đặc ân và điều hiển nhiên là không cần thiết phải ghi nhớ quá nhiều. Có lẽ đã đến lúc các nhà cải cách giáo dục, nền giáo dục và mỗi chúng ta nên nghiêm túc tự hỏi chúng ta muốn giáo dục thế hệ sau trở thành những con người như thế nào.

Nhưng tất nhiên, công nghệ giáo dục vẫn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng nếu các nhà giáo dục xác định được vị trí của nó. Ông Sachin Gupta, Giám đốc dự án nghiên cứu IBM khu vực Đông Nam Á cho rằng vai trò của công nghệ là giúp các giáo viên và người làm giáo dục hiểu rõ hơn về đối tượng học sinh, sinh viên; hỗ trợ hiệu quả cho quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai.

“Tầm nhìn cho tương lai mới là điều quan trọng. Thành công không được quyết định bởi việc có nhiều ứng dụng công nghệ giáo dục hay không, mà là nuôi dưỡng tầng lớp trẻ, giúp các em phát triển những kĩ năng để thích nghi với những thay đổi diễn ra”, ông David Trajtenberg, Hiệu trưởng trường St. Paul American School, Hà Nội chia sẻ

Phát triển hệ thống EdTech (công nghệ giáo dục) là một trong những bước quan trọng hiện nay. Điều này yêu cầu việc giới thiệu những công cụ công nghệ tới thế giới, nuôi dưỡng tư duy luôn học hỏi cái mới, biết cách sử dụng chúng hợp lý. Công nghệ giáo phải luôn giữ cho giáo viên và học sinh ở vị trí trung tâm, chỉ hỗ trợ chứ không thay thế hai nhân tố chính này trong hệ sinh thái giáo dục. 

Phương Nguyên

Triết lý nào đang đứng đằng sau công nghệ giáo dục?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here