Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 25% dân số rơi vào tình trạng stress và có phổ biến cao trong nhóm sinh viên. Đây là lý do khiến dự án Moodsing – ứng dụng giúp cải thiện tâm trạng của người dùng qua các giác quan, đồng thời có thể tạo một bản nhạc tự động không yêu cầu kiến thức chuyên môn ra đời.
Dữ liệu thống kê của UNICEF chỉ ra rằng, khoảng 15% dân số Việt Nam cần tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nghiên cứu độc lập lại cho rằng con số này ở mức từ gần 20 tới 30%. Trong đó, khoảng 12% số trẻ em và trẻ vị thành niên (hơn 3 triệu) có vấn đề về tâm lý, tinh thần nhưng sự can thiệp của y tế cũng như các hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20% trên tổng số.
Có lẽ đồng cảm với những gánh nặng mà thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay phải đối mặt, nhóm 7 bạn trẻ đến từ các trường đại học khác nhau đã xây dựng dự án Moodsing – ứng dụng giúp cải thiện tâm trạng của người dùng qua các giác quan, đồng thời có thể tạo một bản nhạc tự động không yêu cầu kiến thức chuyên môn.
Là dự án duy nhất về sức khỏe tinh thần tham dự và đạt Á quân trong Medical Technovation 2022 – cuộc thi nằm trong chuỗi sự kiện Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIETNAM 2022, được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Moodsing sử dụng những bản nhạc chưa ai có để giúp người dùng cải thiện cảm xúc.
Điểm đặc biệt của Moodsing nằm ở chức năng tự thiết kế các bản nhạc dựa trên những dòng nhật ký của người dùng. Cụ thể, người dùng sẽ chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của mình lên Moodsing tương tự như cách viết nhật ký. Sau đó, ứng dụng sẽ sử dụng thuật toán để phân tích ngôn ngữ, cảm xúc của người viết và thiết kế ra một bản nhạc dành riêng cho họ.
“Thực ra, trên thị trường cũng có những ứng dụng gợi ý âm nhạc dựa trên cảm xúc của người dùng, hay các ứng dụng viết nhật ký. Nhưng hiện tại, chưa có một ứng dụng nào ngoài Moodsing tích hợp cả hai chức năng viết nhật ký sau đó sáng tác riêng một bản nhạc”, bạn Nguyễn Thị Lan Phương (sinh viên Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) một trong những thành viên sáng lập Moodsing cho hay.
Được biết, đối tượng mà Moodsing mong muốn hướng đến đó là học sinh, sinh viên. Theo bạn Nguyễn Lan Anh (sinh viên Học viện Ngoại giao) – một trong những thành viên sáng lập Moodsing, các bạn học sinh, sinh viên hiện nay phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ việc học tập cho đến những nỗi lo phải thay đổi bản thân mỗi ngày để có thể thích nghi với sự phát triển không ngừng của xã hội.
“Việc tìm cho mình một khoảng lặng, một không gian riêng tư để có thể trải lòng về những áp lực của bản thân rất khó, nhất là khi mọi người, thậm chí cả bố mẹ cũng đều bận rộn. Đôi lúc mình cũng không thể trải lòng hết được những tâm sự của bản thân. Chính vì vậy, bọn mình quyết định tạo ra Moodsing nhằm có thể phần nào giúp cho các bạn học sinh, sinh viên tìm thấy một sự cân bằng trong cuộc sống”, bạn Lan Anh chia sẻ.
Về tiềm năng của sản phẩm, bạn Phạm Minh Thy (sinh viên Học viện Ngoại giao) một trong những thành viên sáng lập Moodsing đánh giá, các bạn sinh viên hiện tại rất là cởi mở trong việc tiếp nhận những kiến thức mới cả về công nghệ lẫn tư duy. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, mọi người đã có xu hướng quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của bản thân. Chưa kể, các ứng dụng hỗ trợ tinh thần hiện nay phần lớn chỉ có thể phân tích ngôn ngữ, cảm xúc bằng tiếng Anh, trong khi đó các ứng dụng có thể phân tích cảm xúc cho người Việt còn hạn chế và chưa được tối ưu hóa. Dự kiến, ứng dụng sẽ được ra mắt vào năm 2023 và sẽ được thí điểm tại một số trường đại học ở Hà Nội.
“Có thể thấy đây giống như một vùng đất tiềm năng để bọn mình tận dụng cơ hội khám phá và phát triển”, nhóm sáng lập Moodsing nhận định.
Theo Giang Anh