Trên chuyến tàu cuối năm, ông và đồng nghiệp không quên mang theo cành mai vàng, mứt Tết, bánh chưng xanh, củ kiệu, dưa hành… để chuẩn bị đón Tết trên biển.
Không khí xuân đã ngấp nghé qua các làng bè trên vịnh Vân Phong, xen lẫn trong tiếng sóng là những khúc nhạc xuân rộn rã.
Sau 2 giờ tàu chạy, trang trại nuôi cá chim vây vàng lớn nhất cả nước của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xuất hiện trước mắt chúng tôi như những đóa hoa đang vươn mình về phía mặt trời.
Nhẩm đếm có tới 20 chiếc lồng tròn, thể tích 2.500m3/chiếc và 22 chiếc lồng vuông, thể tích 125m3/chiếc.
Xuống tàu, chúng tôi lên một chiếc cano chạy tham quan một vòng quanh trang trại. Ông Lê Thanh Tĩnh – công nhân trang trại cho hay, lồng tròn được sử dụng để nuôi cá chim vây vàng thương phẩm, lồng vuông để lưu giữ cá bố mẹ, ương nuôi cá giống từ nhỏ lên thành cá giống lớn.
Lồng nuôi cá chim vây vàng, lưới lồng được bố trí khoa học, dịch bệnh được kiểm soát qua cả một hệ sinh thái vùng nuôi.
Chúng đuổi theo từng đợt “mưa” thức ăn tuôn ra từ máy phun tự động trải đều, nhờ vậy con nào cũng được ăn, kích cỡ khá đồng đều. “Mỗi lồng nuôi thương phẩm có chừng 35.000 con cá, ngốn khoảng 200kg thức ăn/ngày, khoảng 6 triệu đồng/lồng”, ông Tĩnh cho biết.
Gần đó, ở lồng nuôi số 8, “cánh tay sắt” trên con tàu Ó Biển lại vươn ra, cẩu những mẻ cá nặng trĩu lên tàu.
“Vụ này, cá phát triển nhanh, mới 8 tháng nuôi đã đạt trọng lượng trung bình 0,6 – 0,8kg/con, kích cỡ này phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Vụ nuôi giáp Tết, trang trại cung cấp 200 tấn cá thương phẩm ra thị trường, trong đó 50% phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và 50% dành cho các đơn hàng xuất khẩu. Thu hoạch liên tục từ đầu vụ Tết, sản lượng cá ở lồng số 8 đang giữ kỷ lục với hơn 25 tấn”, ông Phương nói.
“Trang trại của viện là nơi nuôi cá biển đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến những thị trường khó tính như: Mỹ, các nước Trung Đông. Đã 8 năm hoạt động, mặc dù nhiều cơn bão ảnh hưởng đến Khánh Hòa, nhưng các lồng nuôi của trang trại không hề hấn gì nhờ áp dụng công nghệ lồng nhựa HDPE của Na Uy.
Vượt qua những khó khăn, đến nay, công nghệ sản xuất cá giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển cá đã được trang trại đúc kết thành công. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy công nghiệp nuôi biển của Việt Nam”.
Vì vậy, rất cần trợ lực để lan tỏa công nghệ này. Thành công của trang trại nói trên đang mở ra tương lai xán lạn cho nghề nuôi cá biển công nghiệp tại Khánh Hòa. Được biết, ngành Thủy sản địa phương đang nhân rộng mô hình này đến các vùng nuôi trong tỉnh.