Nhưng cho đến nay, hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam đều là bản sao của những công ty thành công ở nơi khác thay vì tạo ra điều gì đó đặc trưng cho văn hóa và xã hội Việt Nam.
Tiki là một Amazon của Việt Nam, Foody là phiên bản của Meituan và VNG là bản sao của Tencent.
Nhân bản thì không có gì sai. Thực ra, các bản sao này cũng mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Ngày nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn: họ có thể đặt vé máy bay và phòng khách sạn một cách thuận tiện, có thể gọi xe, đặt mua quần áo và nhiều mặt hàng hay dịch vụ khác qua mạng internet.
Các công ty công nghệ này đang góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam năng động hơn, trở nên dễ tiếp cận hơn và cởi mở hơn.
Thế nhưng làn sóng startup kế tiếp của Việt Nam sẽ ra sao? Liệu các nhà khởi nghiệp sẽ tạo nên những công ty giải quyết được những vấn đề của kinh tế xã hội Việt Nam? Và vấn đề thiết thân nào của đời sống đang cần sự tham gia tìm giải pháp của các nhà khởi nghiệp?
Hiện nay hầu hết các startup công nghệ đều tập trung vào tầng lớp trung lưu đang lên ở các thành phố. Thế nhưng, 65% dân số Việt Nam vẫn đang sống ở vùng nông thôn và đó là một thị trường khổng lồ.
Nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư Justin Nguyen – người từng có nhiều kinh nghiệm ở Silicon Valley, Trung Quốc và Việt Nam cho rằng nông thôn Việt Nam có thể trở thành tiêu điểm cho làn sóng khởi nghiệp kế tiếp và giúp thay đổi đời sống.
“Hãy nhìn vào những ảnh hưởng của Uber và các ứng dụng gọi xe tương tự đối với các thành phố lớn trên thế giới như New York và Singapore.
Trong một cách nào đó, những ứng dụng này đã đóng vai trò của những Robin Hoods trong lĩnh vực giao thông, lấy tiền từ các công ty lớn và đặt vào tay những tài xế độc lập”, Justin Nguyen viết trên trang blog của công ty đầu tư Monk’s Hill Ventures.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà khởi nghiệp có thể làm điều tương tự cho người nông dân Việt Nam?
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tìm cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho nông dân nghèo ở nông thôn, đặt nhiều lợi nhuận hơn vào tay người nông dân thay vì vào túi của các công ty chế biến thực phẩm? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tạo ra công nghệ cho phép những người con đang sống ở thành phố duy trì sự hiện diện trong đời sống của cha mẹ ở nông thôn mà không phải ở tại nhà?
Dù cho giải pháp là gì đi nữa thì vẫn có nhiều thách thức – từ sự phân mảnh thị trường, hiểu biết về công nghệ cho đến khả năng truy cập băng thông rộng. Nhưng các doanh nhân giỏi xem thách thức là cơ hội. Họ luôn tìm giải pháp cho những vấn đề lớn.
“Vì vậy, nếu cơ sở hạ tầng để tiếp cận người nông dân ở nông thôn đang thiếu, có lẽ đó chỉ là cơ hội. Có rất nhiều cơ hội tiềm năng mà những người đang sống ngoài Việt Nam không thể nhìn thấy. Và phần thưởng khả dĩ sẽ là rất lớn”, Justin viết.