Mô hình nuôi cua đồng trong ao, nuôi đến đâu hết tới đó

0
366

Nguồn lợi từ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhu cầu thị trường lớn, cua đồng được thu mua nhiều và không hạn chế số lượng. Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi mới anh Đỗ Sỹ Linh (39 tuổi) trú tại tổ dân phố Ba Tráng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã thành công với mô hình nuôi cua cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm.

Nuôi cua đồng: Một vốn bốn lời

Để có tiền nuôi sống gia đình anh Đỗ Sỹ Linh (39 tuổi) trú tại tổ dân phố Ba Tráng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bươn trải qua nhiều công việc như làm gỗ ván bốc xuất sang Trung Quốc, làm vườn, phục vụ quán ăn…

Một nông dân Tuyên Quang nuôi cua đồng trong ao, trong bể xi măng, nhiều người đến xem - Ảnh 1.

Anh Đỗ Sỹ Linh, nông dân thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ kỹ thuật nuôi cua đồng trong bể xi măng.

Trong số khách đến quán ăn cơm anh hay trò chuyện với một người đàn ông lớn tuổi hơn. Anh này có vợ làm nghề buôn bán cua đồng.

Có lần người khách đó hỏi anh khu vực này có cua bán không? Thế là anh nảy sinh ý tưởng đi thu mua cua của người dân và bán cho người khách này. Thời điểm ấy vào khoảng tháng 4/2018.

Anh lùng sục khắp nơi, tìm đến những người hay đi đánh bắt, các ao nuôi cua đồng gom bao nhiêu bán hết bằng đó.

Tuy nhiên số lượng cua đồng đó không đáng kể gì so với nhu cầu cần mua. Và nhờ việc buôn bán cua, tiếp cận với mô hình nuôi cua mà anh biết được kỹ thuật chăm sóc, cách vận chuyển cua đồng để không bị chết…

Đầu năm 2019, anh đã quyết định đầu tư đào vườn xây các bể xi măng để tự nuôi cua đồng trên chính vườn đất sẵn có của gia đình.

Số vốn ban đầu anh Linh bỏ ra không nhiều chỉ khoảng 50 triệu đồng tiền xây bể và 3 – 4 triệu đồng tiền mua cua giống.

Những tháng đầu tiên bắt tay vào làm anh bị thua lỗ, cua chết nhiều do chưa có kinh nghiệm nên anh thả cua với mật độ dày quá mức cho phép. Kiên trì học hỏi từ các mô hình nuôi cua đồng đi trước, tìm hiểu qua mạng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh dần dần tích luỹ được kiến thức và đã thành công.

Một nông dân Tuyên Quang nuôi cua đồng trong ao, trong bể xi măng, nhiều người đến xem - Ảnh 2.

Đỗ Sỹ Linh (39 tuổi) trú tại tổ dân phố Ba Tráng, thị trấn Tân Uyên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ kỹ thuật nuôi cua đồng trong ao.

Mô hình nuôi cua đồng của anh ngày càng được mở rộng. Hiện anh không chỉ xuất ra thị trường cua thành phẩm mà còn cung cấp con giống. Tổng diện tích nuôi là 200m3 bể xi măng, mỗi bể rộng chừng 25 – 30 m2 và 1 ha ao.

“Cứ thả 1 tạ cua giống trừ hao hụt đi rồi cho thu hoạch được 4 tạ sau 2 tháng nuôi. Kỹ thuật nuôi cua đồng, cách chăm sóc cua cũng không quá phức tạp”, anh Linh cho biết thêm.

Nuôi cua đồng phù hợp với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp

Theo anh Linh, con cua rất dễ sống cả trong môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Trong hai môi trường trên mỗi môi trường có thuận lợi và khó khăn riêng.

Đối với ao hồ, hay ruộng có ưu điểm là chỉ mất giống một lần bởi cua tự sinh sản và lớn lên. Tuy nhiên việc bắt sẽ khó hơn và không thu hoạch được hết trong một lần do cua trú ẩn sâu trong bùn.

Anh Linh lưu ý bà con, khi nuôi thả cua ở ao, ruộng bà con mới nuôi đừng vội nản vì không thấy cua đâu. Vì cua trú ẩn nên khó phát hiện chứ không phải do bị chết. Khi thu hoạch chỉ cần thả đói cua và dùng lưới bát quái là được.

Còn nuôi cua đồng trong bể xi măng dễ kiểm soát, dễ thu hoạch nhưng tỷ lệ nuôi không được nhiều do cua thiếu chỗ trú ẩn.

Môi trường này nuôi cua giống sẽ hiệu quả hơn. Khi nuôi cua bằng bể xi măng để cua không bị chết rét trong mùa đông cần xây bể bên cao, bên thấp và làm chỗ trú ẩn ở bên cao hơn để khi nào cua thấy lạnh sẽ bò lên ẩn nấp.

Thức ăn anh Linh sử dụng để nuôi cua chủ yếu là cám ngô, cám gạo nấu chín lên trộn với một lượng nhỏ thức ăn công nghiệp.

Bên cạnh đó là các loại rau xanh thả xuống mặt nước cũng là nguồn thức ăn giúp cua sinh trưởng và phát triển.

Nguồn nước mà anh Linh sử dụng là nguồn nước tự nhiên, lấy từ trên núi cao, vì thế giống cua nhà anh cung cấp ra thị trường tỉ lệ chết hầu như không có, dễ thích nghi với môi trường mới và sống khoẻ. Cua thịt cho màu vàng đẹp.

Hiện tại trung bình mỗi ngày mô hình của anh Linh xuất ra thị trường 30kg, mỗi tháng là 1 tấn cua. Giá cua giống giao động trên tầm 150 nghìn đồng/kg. giá cua thành phẩm là 120 nghìn đồng/kg.

Với những tháng mùa đông giá đạt mức cao hơn do cua bắt từ tự nhiên khan hiếm. Lãi thu về khoảng 30 – 40tr/tháng. Anh Linh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức 230 nghìn đồng/ngày công. Thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh miền Bắc, vào đến Hà Tĩnh.

“Nhu cầu thị trường lớn, ví dụ mỗi đầu buôn có nhu cầu nhập hàng 7- 8 tấn hàng/tháng nên hàng sản xuất ra không phải lo đầu ra. Vốn bỏ ra ít, nhanh cho lãi cao nên rất phù hợp cho các bạn trẻ, có số vốn ít mà chịu khó, có thời gian và đam mê khởi nghiệp”, anh Linh chia sẻ.

Mô hình nuôi cua đồng trong ao, nuôi đến đâu hết tới đó
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here