Theo Chủ tịch UPGEN Namster Đỗ, để đạt được thành công trong khởi nghiệp sẽ không tránh khỏi những thất bại trên hành trình, nên điều quan trọng là cần thất bại thật nhanh.
“Tinh thần chung của khởi nghiệp là “fail fast” (thất bại thật nhanh). Mình thất bại mà còn mất thời gian là điều dở nhất. Khởi nghiệp thì kiểu gì cũng thất bại. Để đạt được thành công sẽ phải thất bại liên tục trên hành trình.
Nhiều khi bạn sa lầy vào một việc khiến thất bại đến chậm hơn, nhưng không thay đổi được kết quả cuối cùng. Rồi ngoảnh đi ngoảnh lại đã 30 tuổi, chưa thất bại nhưng cũng chưa đi đến đâu cả, như vậy mất rất nhiều thời gian”, Chủ tịch UPGEN Namster Đỗ chia sẻ trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam.
Những sai lầm người trẻ thường mắc phải khi khởi nghiệp
Thuộc thế hệ khởi nghiệp từ rất sớm tại Việt Nam và hiện cũng đầu tư nhiều cho các startup, ông Namster Đỗ chỉ ra rằng trong khởi nghiệp tồn tại rất nhiều sai lầm. Tuy nhiên, vấn đề là phải học từ những cái sai như thế nào.
Qua quá trình đầu tư và tiếp xúc với các startup, Chủ tịch UPGEN nhận thấy có một số sai lầm thường gặp ở giới trẻ Việt Nam khi khởi nghiệp.
“Rất nhiều bạn làm khởi nghiệp nghĩ rằng mình phải là người đầu tiên hoặc duy nhất làm việc đấy. Tuy nhiên, các bạn lại không tự hỏi tại sao cả thế giới mỗi mình làm việc đó. Tạo ra khác biệt hay một thứ hoàn toàn mới chưa hẳn đúng với khởi nghiệp”, ông Namster Đỗ nêu quan điểm.
Ông lý giải rằng nếu chỉ một người làm trong lĩnh vực nào đó thì không tạo ra được thị trường, hoặc rất khó. Vì vậy, lựa chọn làm thứ chưa ai làm không hẳn là phương án hay. Điểm đặc biệt nằm trong cách điều hành của người đứng đầu startup, thay vì việc làm cái gì.
“Một trong những điểm rất nhiều bạn mắc phải khi khởi nghiệp tại Việt Nam là luôn luôn nghĩ mình phải độc đáo, làm gì đó khác đi. Quan trọng là phải làm cái gì thị trường đang cần nhất”, ông Namster Đỗ kết luận.
Sai lầm phổ biến thứ hai theo góc nhìn của ông Namster Đỗ là tự bỏ tiền túi ra làm startup.
“Rất nhiều bạn khởi nghiệp đến gặp nhà đầu tư trình bày rằng đã bán xe, bán nhà, đổ tất cả vào startup. Các bạn nghĩ đơn giản rằng khi mình tự bỏ tiền túi ra như vậy thì người khác sẽ yên tâm hơn.
Tuy nhiên, việc bán nhà bán xe chỉ chứng minh rằng bạn đang làm điều tốt nhất cho bản thân mình thôi, chưa chứng minh được là tốt cho ai khác cả. Mình còn cần thể hiện cho các nhà đầu tư thấy rằng cái đấy cũng tốt cho họ nữa”, ông phân tích.
Một sai lầm phổ biến khác là quá tập trung vào những gì mình đang làm, không quan tâm đủ đến xung quanh. Ông Namster Đỗ chỉ ra rằng nếu việc mình làm có giá trị sẽ thu hút rất nhiều người muốn làm cùng, bao gồm những người khi không làm được thì sẵn sàng bỏ tiền để tham gia
“Nếu không ai sẵn sàng bỏ tiền cho việc mình định làm, thì cần phải xem lại việc đó để điều chỉnh, thay vì tiếp tục đổ tiền vào”, ông đưa ra lời khuyên.
Những dấu hiệu của startup khiến nhà đầu tư e ngại
Theo Chủ tịch UPGEN, đa phần startup bị nhà đầu tư loại vì ý tưởng quá nhạt nhòa, đội ngũ không cho thấy họ sẽ có điểm gì khác biệt. Khi đã lọt vào vòng trong, tức là những startup xứng đáng được đầu tư, thì lại có vài điểm đáng e ngại khác.
“Đầu tiên là nhân cách của người sáng lập. Yếu tố này rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất. Một người không sẵn sàng làm điều gì đó cho những người khác thì không bao giờ tạo ra giá trị nào cho xã hội, mà họ sẽ đem giá trị đó về phía mình”, ông nêu quan điểm.
“Điểm đáng e ngại tiếp theo là nhiều bạn nghĩ mình giỏi nên không cần ai. Không có ai tự làm được cái gì một mình, nên việc không có người đồng sáng lập cũng là một “redflag”(dấu hiệu cảnh báo). Khi đó công ty bị quá phụ thuộc vào một người, nếu họ quyết định không làm nữa thì nhà đầu tư sẽ bơ vơ.
Hơn nữa, việc chỉ có một founder còn cho thấy vấn đề trong khả năng làm việc với nhiều người, thúc đẩy những người khác nhau (bao gồm nhà đầu tư, các đối tác) cùng làm việc vì tầm nhìn, mục tiêu của mình. Không có người đồng hành cũng có nghĩa là không thuyết phục được ai làm việc cùng mình cả”, ông nói thêm.
Minh Anh