Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Nhiều nhà đầu tư lớn âm thầm dõi theo startup Việt

0
718

Chỉ còn 2 ngày nữa, Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018 sẽ chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Ngay trước thềm sự kiện, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có những chia sẻ với Tạp chí Khám phá về những hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Có đầu tư mới biết thành công hay không

– Thưa ông, gần đây cụm từ “hệ sinh thái khởi nghiệp” và “hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” được nhắc đến nhiều. Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn hai khái niệm này và đưa ra một vài đánh giá về “hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam”?

Hệ sinh thái tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp nói chung, hiểu một cách đơn giản là mưu sinh (mở quán cà phê, quán phở…) một cách bình thường và thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hiện nay và đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.

Còn khởi nghiệp ĐMST là có ý tưởng khác biệt, sáng tạo, dựa trên KH&CN để cải tiến, sáng kiến, có ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh để thực hiện ý tưởng của mình.

Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nếu như khởi nghiệp thông thường sinh lợi ít thì khởi nghiệp ĐMST ứng dụng KH&CN mức độ gia có thể tăng cao nếu cùng một mức đầu tư. Mức độ gia tăng vốn có thể từ con số chục nghìn đô la Mỹ lên đến vài triệu, thậm chí vài trăm triệu đôla qua các năm.

– Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã thực sự có hiệu quả hay vẫn còn mang tính phong trào như một số nhận định?

Hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam vẫn còn khá mới. Cũng cần nhìn nhận thực tế, ngoài những ý tưởng ĐMST, điều quan trọng đối với các bạn trẻ là phải biết xây dựng được kế hoạch kinh doanh và tổ chức thực hiện thực hiện kế hoạch.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy điểm yếu của các bạn là kế hoạch đặt ra cũng chưa sát với thực tiễn, thiếu các yếu tố để có khả năng huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, pháp lý… (đối với các quỹ đầu tư là kiến thức và phương án huy động vốn). Đồng thời khi xây dựng được kế hoạch, các bạn cũng phải biết tổ chức thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Tất cả điều này chỉ có được thông qua học tập, trao đổi, phải được những người đi trước truyền đạt kiến thức, phải gặp gỡ các doanh nhân thành đạt để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm… Đây là một điểm tôi thấy các bạn cần cố gắng.

Chúng ta đã bắt đầu quan tâm xây dựng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng quãng thời gian gian chưa dài, nên đâu đó, đánh giá, nhận xét của các tổ chức cũng là khách quan và đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải chú ý hơn nữa về phát triển hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam.

– Theo Thứ trưởng, cần có cơ chế chính sách đổi mới căn bản nào để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động khởi nghiệp?

Đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST là vấn đề hết sức quan trọng. Một ý tưởng của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST muốn được thực hiện thành công phải hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy ban đầu vốn mồi có thể rất nhỏ nhưng qua thời gian triển khai, nếu chứng minh được hiệu quả có khả năng nhận được các khoản đầu tư lớn hơn từ các quỹ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, những quỹ đầu tư mạo hiểm. Có sự đầu tư mới có thể khẳng định rằng startup có thành công hay không.

Đoàn hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” xuất phát từ hai đầu đất nước với sự tham gia của hơn 100 thanh niên, sinh viên có dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của Techfest 2018.

Theo đánh giá của chúng tôi, mặc dù có nhiều ý tưởng mới nhưng không hấp dẫn nhiều đối với các quỹ đầu tư. Nhưng chúng tôi cũng biết có nhiều nhà đầu tư với chuyên môn sâu đang âm thầm theo dõi các startup, các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn Việt Nam.

Do vậy, điều quan trọng vẫn là chất lượng của các ý tưởng khởi nghiệp. Chất lượng đó phụ thuộc vào ý tưởng mới đến đâu, sáng tạo ra sao, khác biệt như thế nào so với những ý tưởng đã có trước đó, kèm với đó là phương án sản xuất kinh doanh khả thi đến đâu?

Các bạn trẻ cũng rất cần được trang bị kiến thức về công nghệ, pháp lý, sở hữu trí tuệ, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Đây là điều quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những rào cản đang dần được gỡ bỏ

– Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp? Hiện nay vẫn còn ít các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Quay trở lại vấn đề như tôi đã nói ở trên, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST, vì bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST cũng là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro. Trong 100 dự án được đầu tư chỉ có một vài dự án thành công.

Tại Việt Nam, những quỹ như vậy chưa nhiều, do về mặt thể chế, chính sách. Nhà nước rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm nên cũng khó có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Điều này cần phải được thay đổi từ phía cơ chế chính sách.

Rộn ràng ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên

Tuy nhiên vẫn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rất mong muốn vào Việt Nam, vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng ĐMST để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.

– Cơ chế chính sách cho các startup được Bộ KH&CN liên tục tháo gỡ trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Cũng có nhận định cho rằng: “Tốc độ phát triển của startup Việt như vũ bão còn cơ chế chính sách thì chạy mãi vẫn không kịp”. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhận định này?

Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối. Trong thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp trong cả nước đã có phát triển mạnh. Khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách về khởi nghiệp ĐMST đi chậm hơn cũng là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành chính sách cần phải qua nhiều công đoạn, phụ thuộc vào nhiều cơ quan, có vấn đề liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành… nên trên thực tế cần có nhiều thời gian.

Ví dụ, cần có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đưa tiền vào Việt Nam, khi đầu tư thành công được phép rút vốn và dễ dàng chuyển vốn ra nước ngoài. Nhưng phía Việt Nam cũng phải tính đến khả năng đem tiền vào Việt Nam nhằm mục đích “rửa tiền” thông qua hình thức đầu tư kinh doanh. Việt Nam cũng cần quản lý thật chặt, tránh tình trạng “chảy” ngoại tệ ra nước ngoài. Làm sao để vừa khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý của các Bộ, ngành.

Chúng ta cũng cần tính toán về vấn đề thuế, không thể đánh thuế các nhà đầu tư dựa trên danh sách đầu tư của họ mà nên loại ra những dự án họ đã đầu tư nhưng thất bại. Những rào cản về chính sách như vậy phải được tiếp tục tháo gỡ.

Tại Diễn đàn Thanh niên đối thoại với lãnh đạo Chính phủ sắp tới tại Techfest 2018, chúng tôi hi vọng các bạn sẽ nêu ra những vấn đề còn bất cập cần được giải quyết bằng cơ chế chính sách. Thông qua đó, các Bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền chức năng của mình sẽ xem xét nghiên cứu, sửa đổi bổ sung những văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho startup trong quá trình phát triển.

Vươn ra biển lớn

– Hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam được kết nối như thế nào với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế? Bộ KH&CN có những hỗ trợ gì trong việc quảng bá, giới thiệu các startups của Việt Nam ra thế giới?

Trong chỉ đạo và định hướng hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, hệ sinh thái đó không khác và không xa rời hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên thế giới.

Trong quá trình xây dựng các đề án đều hướng đến việc Việt Nam phải đi cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong Techfest lần này, người đoạt giải nhất sẽ được hỗ trợ chi phí cho chuyến đi đến Thung lũng Silicon, các chi phí hỗ trợ tham dự sự kiện khởi nghiệp của thế giới. Đây cũng là một trong những cách kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới. Cũng tại Techfest lần này, Bộ KH&CN chủ động mời lãnh đạo Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), các nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đến dự.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan gian hàng của DN khởi nghiệp tại Techfest 2017.

Để kết nối chặt chẽ hơn, chúng tôi sẽ tổ chức Gala Dinner vào ngày 30/11, tạo cơ hội cho các startup gặp gỡ, trao đổi, thuyết trình, chia sẻ các ý tưởng với các nhà đầu tư. Ngoài ra, thông qua Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thông tin về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, trung tâm ươm tạo, doanh nhân và doanh nghiệp thành công…

Cổng thông tin cũng có nhiệm vụ kết nối một cách tự động và thường xuyên các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước trên thế giới.

Với tất cả những hoạt động đó, chúng tôi tin sẽ hỗ trợ kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với mạng lưới khởi nghiệp các nước trên thế giới.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Nhiều nhà đầu tư lớn âm thầm dõi theo startup Việt
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here