Kết thúc khóa 6 vào tháng 12/2019, Quỹ hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp – VIISA (do FPT và Dragon Capital đồng sáng lập để tìm kiếm các startup tiềm năng) tiếp tục tổ chức khóa 7. Trong 2 tháng vừa qua, quỹ đã nhận gần 100 đơn đăng ký và tổ chức hơn 40 buổi phỏng vấn.
“Phần lớn các buổi phỏng vấn tổ chức qua kênh trực tuyến do tình hình phức tạp của Covid-19. Tuy nhiên, quỹ vẫn đảm bảo tính nhất quán, đánh giá công bằng với những tiêu chí cụ thể chương trình đưa ra”, đại diện VIISA chia sẻ.
Trải qua 2 vòng thi, ban tổ chức đã chọn ra 3 startup tiềm năng đến từ lĩnh vực công nghệ giáo dục, du lịch và y tế để tiếp tục tham gia hành trình tăng tốc kéo dài trong ba tháng. Startup tốt nghiệp từ chương trình sẽ có cơ hội nhận khoản tài trợ tiếp theo lên tới 200.000 USD bởi VIISA Investment Track.
3 startup được chọn vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp khóa 7 trong buổi định hướng. |
Ba công ty khởi nghiệp tham gia khóa 7 gồm AskVietnamese (startup công nghệ tập trung vào các dịch vụ về bản đồ du lịch), Medigo (công nghệ y tế được phát triển bởi sứ mệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa 24/) và Testuru (nền tảng kiểm tra trực tuyến, tập trung vào bài kiểm tra IELTS).
Khác với các khóa trước đây, khóa 7 không bắt đầu bằng tiệc ra mắt (Launch Party) mà thay vào đó là buổi định hướng (Orientation Day) giữa đội ngũ quỹ VIISA và các nhà sáng lập. Các thông tin về cấu trúc và nội dung chi tiết chương trình sẽ phổ biến trong sự kiện nàynày.
“Các startup đều rất hào hứng và tràn đầy năng lượng để bắt đầu các hoạt động sắp tới”, đại diện VIISA cho biết.
Để ngăn ngừa và phòng tránh lây nhiễm, VIISA và các startup thống nhất tất cả chuỗi đào tạo và hoạt động khác của chương trình sẽ tổ chức trực tuyến cho tới khi tình hình có chuyển biến tích cực hơn với sự hỗ trợ đồng hành từ các đối tác lâu dài.
Khi tham gia khóa tăng tốc khởi nghiệp, các startup sẽ nhận khoản đầu tư bằng tiền mặt cùng một số dịch vụ hỗ trợ như không gian làm việc chung, Amazon Web Services, HubSpot, Google Cloud, Mapbox, Zendesk,… Bên cạnh đó, VIISA còn cam kết sẽ là đơn vị trung gian kết nối với các đối tác có nguồn lực lớn trong và ngoài nước, giúp trau dồi các kỹ năng, kết hợp phát triển và xây dựng công ty phát triển nhanh chóng sau ba tháng hợp tác. Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp xúc với mạng lưới nhà đầu tư tiềm năng, giúp doanh nghiệp đạt cột mốc lớn hơn ngay cả trong và sau chương trình.
Nhiều startup có tăng trưởng và thành công trong vòng gọi vốn sau khi được đào tạo, hỗ trợ từ VIISA. |
Những startup tham gia chương trình khóa 7 còn có cơ hội quảng bá doanh nghiệp trong ngày hội đầu tư dự kiến tổ chức vào tháng 6 với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư, cố vấn, đối tác của VIISA từ mọi nơi trên thế giới. Sự kiện cũng mang đến những bài thuyết trình gọi vốn từ các startup của quỹ.
Theo đại diện của VIISA, quỹ đã dành thời gian đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 đến với chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp”. Đứng trước tình hình hàng trăm startup ở Việt Nam đã cố gắng vượt qua khó khăn, hoạt động khi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng, quỹ quyết định vẫn theo đúng lịch trình đề ra để tạo động lực cho các doanh nghiệp.
“Sau khi xem xét cẩn thận, chúng tôi quyết định vẫn theo đúng lịch trình để tạo động lực cho những startup đang cần sự cố vấn và nguồn lực của chúng tôi. Chương trình năm nay đã được nâng cấp với cấu trúc và nội dung tốt hơn giúp tăng cường tiềm năng của nhà sáng lập lẫn công ty”, ông Hiếu Võ – thành viên HĐQT kiêm Giám đốc chương trình của Quỹ hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp chia sẻ.
Trải qua 6 khóa, VIISA có 32 startup tốt nghiệp với những cái tên nổi bật như WeFit, UrBox, WisePass, VDes, BoxShop, EcomEasy, TripHunter và tạo ra hơn 400 việc làm, kêu gọi tổng cộng 5 triệu USD cam kết từ các nhà đầu tư khác.
Trang Anh