Bloomberg đưa tin tài sản của “Vua thương mại điện tử” Jeff Bezos, ông chủ tập đoàn Amazon, tăng lên 105,1 tỷ USD hôm 8/1 do giá trị cổ phiếu Amazon tăng thêm 6% từ đầu năm tới nay. Nếu tính trong 12 tháng qua, giá cổ phiếu Amazon đã tăng thêm 57%.
Một nghiên cứu mới của Bloomberg cho thấy tập đoàn Amazon chiếm 89% doanh thu bán lẻ ở Mỹ trong khoảng thời gian 5 tuần tính từ sau Lễ Tạ ơn vào cuối tháng 11.
“Vua thương mại điện tử” Jeff Bezos đang củng cố vị trí người giàu nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg |
Hiện tại giá trị tài sản của Bezos còn cao hơn cả giá trị cực đại của tài sản thuộc tỷ phú Bill Gates vào năm 1999. Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Bezos vượt người sáng lập tập đoàn Microsoft nhờ giá trị tài sản tăng lên tới 93,8 tỷ USD. Một tháng sau, tài sản của “Vua thương mại điện tử” vượt mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên, khi mùa mua sắn ở Mỹ bắt đầu.
Bill Gates, 62 tuổi, sẽ sở hữu khối tài sản hơn 150 tỷ USD nếu ông giữ lại những khoản tiền mà ông chi cho hoạt động từ thiện, chủ yếu dành cho Quỹ Bill & Melinda Gates. Ông đã chi cho hoạt động nhận đạo gần 700 triệu cổ phiếu Microsoft và khoản tiền mặt 2,9 tỷ USD từ năm 1996 tới nay.
Jeff Bezos sinh ngày 12/1/1964 tại Albuquerque, New Mexico, Mỹ. Khi đó mẹ ông mới 17 tuổi, cuộc hôn nhân của bố mẹ ông chỉ kéo dài một năm rưỡi rồi tan vỡ
Khi Jeff lên 4, mẹ ông kết hôn với Miguel Bezos, một người Cuba nhập cư vào Mỹ nên ông mang họ Bezos từ thời điểm đó. Tới năm lên 10, Jeff mới biết cha dượng không phải cha đẻ.
Ngay từ khi còn bé, ông chủ Amazon đã thể hiện trí thông minh nổi trội. Từ khi mới biết đi, ông đã tháo tung cái nôi của mình với một chiếc tuốc-nơ-vít vì ông muốn ngủ trên một chiếc giường thật sự. Ông luôn coi ông ngoại của mình, Preston Gise, như một thần tượng và là nguồn cảm hứng vĩ đại giúp thổi bùng lên ngọn lửa đam mê học tập và nghiên cứu không ngừng của ông.
Tốt nghiệp đại học Princeton chuyên ngành Khoa học máy tính năm 1986, ông đã nhận được nhiều lời chào mời từ hai hãng công nghệ nổi tiếng lúc bấy giờ là Intel và Bell Labs. Tuy nhiên, Bezos từ chối để tham gia một “vườn ươm khởi nghiệp” (startup) mang tên Fitel. Sau khi rời Fitel, Jeff Bezos tham gia quỹ đầu tư D.E.Shaw và được đề đạt vị trí Phó Giám đốc chỉ sau 4 năm làm việc.
Năm 1994, Bezos nhận ra rằng hệ thống website đang tăng trưởng 2.300%/năm. Con số quá ấn tượng này khiến ông không thể ngồi yên và tự thôi thúc bản thân làm gì đó để tận dụng xu thế này. Ông quyết định rời D.E. Shaw- một trong những công ty quyền lực bậc nhất phố Wall khi sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao. Sếp của ông tại công ty, David E. Shaw đã cố gắng thuyết phục ông ở lại, nhưng Bezos đã quyết định bắt đầu công ty riêng của mình. Ông quan niệm rằng thà thất bại với một startup còn hơn không bao giờ dám mạo hiểm.
Toàn bộ kế hoạch kinh doanh sơ khai của Amazon được Bezos viết trên đường ông chu du xuyên nước Mỹ từ New York tới Seatle. Jeff xin nghỉ việc, liệt kê khoảng 20 sản phẩm có thể bán online và và nhận định rằng sách là lựa chọn tốt nhất, và kết quả là Amazon ra đời. Bezos đã thiết lập nên Amazon, ngay trong gara nhà ông. Ông chủ Tập đoàn Amazon cho biết, ông gọi nó với cái tên “Everything Store” (Cửa hàng vạn món).
Vốn được mệnh danh là “mọt sách”, Bezos đã lồng ghép sở thích vào dự án startup đầu tiên. Amazon cho phép mọi người phê bình sách, khuyến khích khách hàng thể hiện quan điểm. Chủ trương đó giúp ông lôi kéo được không ít khách hàng tiềm năng.
Sau hơn 1 tháng thành lập, Amazon đã bán sách tới tất cả 50 bang của Mỹ và 45 quốc gia trên thế giới và “đế chế” Amazon cứ thế mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác. Đến tháng 5/1997, doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq. Trụ vững qua cơn sốt bong bóng công nghệ sau năm 2001, Amazon ngày nay bán tất cả mọi thứ, từ quần áo, thực phẩm cho đến dịch vụ điện toán đám mây.
Kim Cương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng