Trong nông nghiệp hiện đại, phân bón, thuốc diệt cỏ và trừ sâu là một phần không thể thiếu nhằm giúp tăng năng suất cây trồng, diệt trừ sâu bệnh.
Tại những vùng sản xuất nông nghiệp điển hình, việc cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sẽ là một hướng kinh doanh phụ trợ cần thiết và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lợi nhuận không nhỏ.
Điều bạn cần có là địa điểm kinh doanh, lựa chọn các nhà cung cấp cùng 1 số vốn nhất định để có thể bắt đầu khởi nghiệp làm giàu.
Nếu có ý định kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì dưới đây là những việc bạn cần làm.
Nghiên cứu thị trường, khách hàng tiềm năng
Trước khi kinh doanh bạn cần nghiên cứu thị trường và xác định khách hàng tiềm năng, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hãy xem xét xung quanh nơi bạn sống và định kinh doanh đã có cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào chưa? Nhu cầu của người nông dân quanh vùng ra sao? Những loại phân bón, thuốc BVTV nào được người dân ưa chuộng và dùng nhiều?…
Khảo sát vùng lân cận của bạn xem có nhiều cửa hàng cung cấp vật tư NN không, quy mô cửa hàng, nhu cầu sử dụng của người dân, cách thức mua hàng (mua theo khuyến cáo của nhà khoa học hay theo chủ đại lý, mua tiền mặt hay gối vụ…). Nếu thấy có tiềm năng và bạn có khả năng thì bắt tay. Đây là nghề KD có nhiều triển vọng, nhất là tại các vùng sx nông nghiệp.
Từ những nghiên cứu ban đầu bạn sẽ định hình được mình có nên kinh doanh hay không và chọn nhà phân phối, nguồn cung cấp hàng đúng nhãn mác được tin dùng.
Điều kiện để được bán thuốc bảo vệ thực vật
Kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có những quy định, điều kiện nhất định.
Trước khi kinh doanh bạn phải hiểu và rõ nhất về những điều kiện này để xem mình có kinh doanh được không.
Ngành nghề này yêu cầu chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Những điều kiện để bán thuốc bảo vệ thực vật là:
1. Có văn bằng trung cấp trở lên của một (01) trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, sư phạm nông nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã tham dự lớp học chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp.
2. Có giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp theo quy định.
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV (theo mẫu đính kèm văn bản này, không cần xác nhận của địa phương);
b) Bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp trung cấp cấp trở lên của một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, sư phạm nông nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã tham dự lớp học chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp;
c) Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên cấp và có giá trị trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp;
d) 02 ảnh cỡ 4 cm x 6 cm.
Ngoài ra để tạo tin tưởng cho khách hàng bạn cần am hiểu kỹ thuật cây trồng để tư vấn cho nông dân, vì vậy bạn cần trang bị kiến thức, có thể học hỏi qua mạng, tra cứu tài liệu, liên lạc các nhân viên thị trường các công ty phân bón và thuốc BVTV để nhờ hỗ trợ thêm…
Học và lấy chứng chỉ hành nghề thuốc bảo vệ thực vật
Bạn phải đăng ký và tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc Bảo vệ thực vật cho các đối tượng là nông dân, người có nhu cầu kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV… của Chi cụ Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) của tỉnh.
Bạn sẽ được tìm hiểu về các loại sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng; những kiến thức cơ bản về thuốc BVTV; an toàn trong kinh doanh thuốc BVTV; thuốc BVTV với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và các vấn đề có liên quan; các văn bản pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh thuốc BVTV…
Nếu đạt yêu cầu sẽ được Chi cục Trồng trọt và BVTV cấp Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV – một trong những điều kiện bắt buộc khi kinh doanh thuốc BVTV.
Thời gian học tùy từng tỉnh, TB là 3 tháng, mỗi tuần học 1 – 3 buổi. Chứng chỉ này có giá trị toàn quốc nên bạn có thể học bất cứ tỉnh/thành nào có mở lớp, không nhất thiết học ở địa phương.
Sau khi có chứng chỉ, bạn đăng ký kinh doanh, do đầy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đăng ký KD tại phòng kế hoạch đầu tư huyện (nếu là đăng ký dạng hộ kinh doanh cá thể), còn nếu muốn lập Công ty, doanh nghiệp thì phải lên Sở kế hoạch đầu tư tỉnh xin giấy phép kinh doanh.
Chuẩn bị vốn
Vốn là vấn đề đầu tiên khi bạn muốn kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.
Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần số vốn khá lớn và ngâm vốn lâu do người nông dân không có thói quen “tiền trao cháo múc” mà thường nợ đến cuối vụ thu hoạch mới thanh toán được. Do đó họ sẽ mua phân bón, thuốc BVTV chăm bón cho cây trồng rồi sau đó mới trả nợ cho bạn. Nếu mùa vụ thành công thì bạn không cần lăn tăn, nhưng nếu họ mất mùa thì bạn sẽ phải cho nợ, do đó, để kinh doanh mặt hàng này cần chấp nhận ngâm vốn trong thời gian dài.
Bạn cần có số vốn ban đầu để thuê địa điểm (nếu chưa có), lấy nguồn hàng, biển hiệu, trang trí cửa hàng và quảng cáo bán hàng. Bên cạnh đó bạn cũng cần có vốn dự trù cho những tháng đầu tiên kinh doanh chưa có lãi và những phát sinh trong quá trình kinh doanh.
Vốn tối thiểu thì không thể cụ thể được do tùy thuộc từng vùng và chuyên trồng cây gì.
Ví dụ ở vùng trồng lúa thì đại lý bán thiếu cho nông dân tới mùa mới thu tiền nên nguồn vốn tối thiểu cần có cung cấp đủ cho số khách hàng mà mình nhắm tới, cụ thể là diện tích lúa sẽ cung cấp Vật tư nông nghiệp ( A hecta)
– Mỗi hecta đầu tư 500kg phân giá TB 12.000 đ/kg = 6.000.000đ + 4.000.000đ tiền thuốc và VT khác = 10.000.000đ/hecta
=> Số vốn tối thiểu bạn cần có là A x 10.000.000đ + Tiền xây dựng kho bãi
(Đây là vùng chuyên lúa còn chỗ bạn trồng cây gì và hình thức mua bán tiền mặt hay nợ thì người bán có thể tính toán lại cho phù hợp).
Tìm địa điểm
Nếu nhà bạn có mặt tiền, địa điểm thuận lợi kinh doanh thì rất thuận lợi, còn nếu không bạn phải thuê địa điểm ở nơi khác.
Về địa điểm bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có những quy định riêng theo Pháp luật, bạn phải tìm hiểu kỹ.
Một số quy định cơ bản bạn cần biết:
– Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được đặt trong các khu vực kinh doanh hàng hóa thực phẩm, các khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện.
Địa điểm:
a. Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương cấp xã,có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê nhà hợp pháp tối thiểu là 1 năm trong trường hợp thuê địa điểm đặt cửa hàng.
b. Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 5 m2. Phải là nhà cấp 4 trở lên, bố trí ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng gió, đáp ứng các yêu cầu về mua, bán, bảo quản, không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.
c. Cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch) ít nhất khoảng 10 m và cửa hàng phải được gia cố bờ kè chắc chắn, chống sạt lở, nền cửa hàng phải cao ráo không ngập nước.
d. Tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa. Tường nhà và nền nhà phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi, không bị ngập.
Ngoài ra, địa điểm phù hợp để bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là nơi giao thông thuận tiện (thuận tiện cả việc vận chuyển hàng về bán cũng như thuận tiện cho người mua), nơi nhiều người dân qua lại, có chỗ cho xe cộ dừng đỗ (cả xe ô tô và xe máy)…
Tìm nguồn cung cấp hàng
Tìm nguồn cung cấp hàng hóa là khâu rất quan trọng quyết định sự thành công trong kinh doanh. Nguồn sản phẩm phải chất lượng, uy tín do bây giờ thị trường rất xáo trộn, rất nhiều cty giới thiệu hàng nhưng bạn phải biết cách “thẩm định” chúng, tránh bán hàng kém chất lượng mất uy tín. Thường hàng chất lượng, uy tín thì hoa hồng không cao, ít khuyến mãi hơn hàng mới ra lò.
Nếu có nguồn hàng phong phú, ổn định thì tiến hành ký hợp đồng với nhà cung cấp theo thỏa thuận (phải ký hợp đồng hẳn hoi để có xảy ra tranh chấp do phân rởm thì có cớ để yêu cầu nhà phân phối có trách nhiệm).
Ngoài ra, mới ra kinh doanh nên làm quy mô nhỏ nên liên hệ các đại lý cấp 1 trong tỉnh lấy hàng mỗi loại 1 ít cho đầy đủ, phong phú mặt hàng.
Hoạt động kinh doanh
Làm nông nghiệp với bà con nông dân 1 nắng 2 sương vất vả nên người kinh doanh nông nghiệp cần có nghề để hỗ trợ nông dân, có tâm với sản phẩm mình bán ra, chọn sản phẩm uy tín, chất lượng, không kiếm lợi nhuận bằng mọi cách để mua phân bón chất lượng thấp bán lãi cao.
Thường thì người nông dân chọn đại lý rất đơn giản, nếu giá của bạn tốt (bằng hoặc thấp hơn đại lý khác trong vùng – cao hơn là ế liền), tiếp theo là cho nợ với lãi thấp và chăm sóc họ tốt như thường mở hội thảo, phối hợp bên nhà cung cấp huấn luyện các buổi về kỹ thuật… thì bạn sẽ thành công.
Cám ơn tác giả, bài viết rất có tâm