Đa số nhu cầu của phần đông khách hàng khi đến 1 quán cơm bình dân là 1 suất ăn nóng sốt, vệ sinh và giá thành hợp lý. Rất nhiều quán cơm bình dân mở ra nhưng không phải tất cả đều thu hút được khách hàng và có tuổi thọ lâu đời.
Vậy làm thế nào để kinh doanh quán cơm bình dân thành công và thu hút khách hàng? Dưới đây là những bước cơ bản bạn có thể tham khảo khi muốn kinh doanh lĩnh vực này.
1. Nghiên cứu thị trường, xác định đối tượng khách hàng chính
Một bước quan trọng đầu tiên bao giờ cũng phải làm trước khi kinh doanh đó là nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ và khoanh vùng đối tượng tiềm năng.
Bạn nên xem xét đối thủ trong khu vực gần đó có quán nào không? Các món ăn ra sao? Chất lượng và giá cả thế nào? Khách hàng có đông không? Mỗi quán cơm khác nhau có gì nổi bật riêng? Bạn có thể đi các hàng để thử ăn và đánh giá trước khi mở cửa hàng của riêng mình.
Bên cạnh đối thủ, bạn cũng cần xem xét khu vực xung quanh có khả quan cho việc mở quán ăn hay không. Xung quanh có nhiều trường học, công ty, khu văn phòng hay bệnh viện, khu công nghiệp nào không?… Việc có nhiều dân cư qua lại cũng sẽ khiến việc buôn bán thuận lợi hơn.
Bạn cũng nên xác định quán cơm của mình phục vụ đối tượng nào là chính: dân văn phòng, sinh viên hay người lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… để từ đó đầu tư và trang trí quán cho phù hợp, nguyên liệu và giá cả sản phẩm cũng sẽ khác nhau.
2. Chuẩn bị vốn
Để kinh doanh quán cơm bình dân, mức vốn đầu tư ban đầu của bạn nên từ 100 triệu trở lên, dùng để trang trải các chi phí: Tiền đặt cọc thuê mặt bằng và tiền thuê mặt bằng tháng đầu tiên; chi phí sửa chữa mặt bằng và mua sắm bàn ghế, dụng cụ và trang trí quán; dự phòng chi phí hoạt động cho 3 tháng đầu tiên…
Khi kinh doanh quán cơm, chỉ cần biết tiết kiệm và chịu khó chút là sẽ thành công.
3. Tìm địa điểm mở quán ăn
Địa điểm quán ăn cũng quyết định khá lớn đến nhu cầu và việc kinh doanh của bạn. Nếu khu vực ít dân, mức sống thấp, không có nhu cầu ăn uống bên ngoài thì quán cơm của bạn mở ra chắc chắn sẽ nhanh chóng sập tiệm. Do đó, nên chọn những địa điểm gần trường học, ký túc xá, công ty, khu công nghiệp, khu văn phòng… có đông sinh viên, dân văn phòng, người qua lại. Phương châm khi kinh doanh quán ăn bao giờ cũng là “nhất cự li, nhì tốc độ”, do đó quán ăn càng gần, bạn càng có lợi thế hơn.
Mặt bằng thuê mở quán cũng cần phải sạch sẽ, lịch sự. Nhếch nhác, lụp xụp quá thì món ăn giá rẻ mấy khách cũng không muốn quay lại lần 2.
Bạn nên cố gắng đàm phán hợp đồng thuê lâu dài 1 chút, sợ nhất là đang làm ăn được người ta đòi lại địa điểm thì khổ, cũng nên chọn chủ nhà dễ tính, ôn hòa mà thuê, nên nhìn người trước khi quyết định thuê mặt bằng.
4. Thủ tục pháp lý cần thiết
Để mở quán cơm, bạn liên hệ với Phòng Kinh tế – UBND huyện nơi bạn định mở quán cơm, thủ tục không có gì phức tạp và sẽ mất khoảng 5 ngày làm việc, lệ phí 30.000 đồng và sau đó xin Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm vì kinh doanh thực phẩm, quán cơm là một trong những hình thức kinh doanh có điều kiện.
Hộ kinh doanh cá thể sẽ có 3 khoản thuế phải nộp: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân căn cứ theo hình thức quản lý của hộ kinh doanh đó. Bạn nên tìm hiểu và hỏi cho kỹ để kinh doanh thuận lợi hơn nhé.
5. Tìm nguồn nguyên liệu
Bán đồ ăn thì nguyên liệu cần phải đề cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là trên hết.
Giai đoạn đầu bạn có thể tự đi chợ đầu mối mua nguyên liệu về nhưng phải chọn hàng tươi ngon chút, hàng ôi thiu kém chất lượng thì ko nên (nhiều quán ăn bị lên án vì thực phẩm bẩn, quy trình nấu ăn cũng không đảm bảo, mất khách cũng vì lẽ đó). Để được hàng tươi ngon, bạn nên đi chợ đầu mối sớm và chăm chỉ, cách chọn hàng cũng phải có kinh nghiệm, tránh mua hàng giập nát, ôi thiu, nếu có thể nên đi cùng 1 người khác để học hỏi.
Bạn nên dự trù có những mặt hàng có thể mua số lượng nhiều dùng cho 1 tuần hay 1 tháng như: gạo, dầu ăn, trứng, gia vị (muối, đường, bột ngọt, nước mắm, nước tương…), có những loại thực phẩm phải mua hàng ngày như: rau củ, thịt cá… Bạn có thể ra chợ gần nhất liên hệ với những người bán ở chợ, kêu họ bỏ mối, cuối tuần tính tiền/lần thì càng tốt.

6. Nghiên cứu lên thực đơn món ăn
Kinh doanh quán cơm bình dân bạn phải có đa dạng các món ăn cho khách lựa chọn, tuy nhiên không vì thế mà bạn làm tràn lan, ê hề các món nhưng món nào cũng không ngon và không có màu sắc riêng.
Nên chú trọng những món rẻ tiền nhưng lạ và ngon miệng, kèm theo là những món ăn phụ để khi nhìn vào suất cơm cũng ngần đó tiền nhưng lại nhiều món. Bạn có thể tham khảo các món ăn ở các hàng lân cận và tìm thực đơn mang màu sắc riêng cho mình. Có thể nấu 1 vài món cầu kỳ hơn nhưng thu hút khách để khách nhớ đến quán của bạn.
Bạn cũng có thể phát triển theo hướng làm cơm hướng vào 1 đặc sản nào đó, ví dụ cơm hải sản, cơm cá, cơm gà… Với nguyên liệu chính là hải sản, cá hoặc gà, bạn làm các món cơm khác nhau (gà quay, gà luộc, cơm gà…). Làm ít, tập trung nhưng phải chất lượng, có hương vị đặc trưng còn hơn làm đại trà nhiều món mà khách không có ấn tượng gì. Tùy nguồn nguyên liệu và am hiểu món ăn, bạn có thể triển khai theo hướng làm đa dạng hoặc chủ lực 1 nguyên liệu.
Những ngày đầu bạn cũng nên làm thức ăn vừa đủ, không làm nhiều quá vì chưa biết lượng khách thế nào, ngoại trừ ngày khai trương. Bạn có thể tùy nguyên liệu mua hàng ngày để nghĩ và thay đổi thực đơn món ăn khác nhau cho hấp dẫn.
Nếu có thể khuyến mãi thêm nước uống, trà đá hoặc đồ ăn tráng miệng cho mỗi suất ăn, nhất định quán sẽ thu hút khách.
7. Định giá bán suất cơm
Để có một đơn giá hợp lý bạn cũng cần có những tính toán chính xác. Bạn phải cân nhắc giữa giá thực phẩm, vận chuyển, tiền công cho nhân viên… để đưa ra lượng đồ ăn phù hợp với từng đơn giá.
Chú ý giá cả nên hợp lý, tránh đắt quá hoặc rẻ quá, khách sẽ không đến quán bạn nữa.
8. Thuê nhân viên
Trong giai đoạn đầu, cần có các vị trí cơ bản như: nhân viên nấu nướng, chế biến thức ăn và phục vụ, rửa chén, thu ngân. Trong đó, đầu bếp đóng vai trò hết sức quan trọng, bạn cần tuyển người nấu ngon và có tâm huyết với nghề. Việc thuê đầu bếp cần phải kỹ lưỡng, vì nó quyết định sự thành bại của bạn.
Về quản lý, thu ngân: ban đầu bạn nên là người quản lý, thu ngân để nắm rõ tình hình hoạt động của quán, để có những điều chỉnh thích hợp về khẩu vị, giá bán, dịch vụ và hỏi han khách hàng nhiều hơn, khách có hài lòng không…
Nhân viên phục vụ cỡ khoảng 2 người là được, nếu quán bán được thì bạn tuyển thêm nhân viên để hỗ trợ những lúc khách vào ăn đông.
9. Giao hàng, ship cơm cho khách
Khi kinh doanh quán cơm, ngoài việc bán trực tiếp, bạn có thể xem xét thêm dịch vụ ship hàng tận nơi cho khách, bán kính lân cận dù chỉ 1 – 2 suất. Điều này sẽ giúp bạn kinh doanh tốt hơn, không bị ế cơm, lâu dần có khách quen gọi thường xuyên vì ra tận quán ăn không phải nhiều, nhất là khi trời mưa, trời nắng…
CHUYÊN CUNG CẤP GẠO SỈ LẺ TẠI TPHCM
MUA GẠO GÌ BÁO GIÁ GẠO ĐÓ
GẠO GÌ CŨNG CÓ, GIAO HÀNG TẬN NHÀ
LÊ MINH ĐĂNG 0943.816.813
8888leminhdang.blogspot.com