Kinh doanh cửa hàng tạp hóa là hình thức phổ biến hiện nay, được nhiều người lựa chọn bởi vốn phù hợp và có lãi cao. Nếu bạn đang có ý định mở cửa hàng tạp hóa thì hãy tham khảo các bước cần thiết dưới đây.
1. Chuẩn bị vốn
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa khá linh hoạt, dù trong tay không có nhiều vốn, bạn vẫn có thể bắt đầu kinh doanh với quy mô phù hợp.
Cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ, số vốn tối thiểu cần khoảng 80 đến 120 triệu, và bạn không phải thuê nhà.
Cửa hàng tạp hóa quy mô trung bình 60m2, số vốn cần khoảng 200 đến 500 triệu, còn nhiều vốn thì bao nhiêu cũng được.
2. Tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng
Việc kinh doanh sẽ thất bại nếu bạn không tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người dân xung quanh để chọn mặt hàng phù hợp.
Tất nhiên mở cửa hàng tạp hóa đa số là cung cấp các mặt hàng thiết yếu với đời sống hàng ngày nhưng nếu bạn bán đồ giá rẻ, chất lượng thấp trong khu dân cư có mức sống cao hay bán đồ chất lượng, hàng nhập khẩu cho khu chủ yếu là công nhân, người lao động trung bình, sinh viên… thì chắc chắn sớm muộn bạn sẽ phải đóng cửa.
Do đó, điều quan trọng là bạn phải xem xét đối tượng dân cư tại nơi sinh sống chủ yếu là công nhân, trung lưu hay thượng lưu… để lựa chọn các mặt hàng kinh doanh cho phù hợp.
Hãy tham khảo các tiệm tạp hóa lân cận, ghi nhớ các nhãn hiệu hàng hóa mà người dân xung quanh thường dùng. Đây là điều tối quan trọng, bởi lẽ, nếu bạn lấy những mặt hàng không hợp thị hiếu, khách hàng không chuộng, thì chỉ có cách ôm xài. (Mì gói, bột ngọt, xà phòng, bột giặt, nước mắm, nước tương… đều có nhãn hiệu ưa chuộng cho từng vùng)
Cũng nên xem xét họ bán gì, giá bao nhiêu, so với giá sỉ họ lãi bao nhiêu và nhận xét theo tư cách người dân trong khu vực về thái độ phục vụ, những mặt hàng còn thiếu, còn hạn chế… để mình sửa và đẩy mạnh.
3. Chuẩn bị mặt bằng, bố trí hàng hóa
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa bạn cũng cần lựa chọn địa điểm phù hợp, việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Nên chọn khu dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều người qua lại thì nhu cầu mua hàng sẽ cao hơn. Tại những địa điểm như vậy, nhu cầu mua sắm các mặt hàng chất lượng, có thương hiệu cũng sẽ nhiều hơn. Với những tạp hóa nhỏ lẻ cung cấp cho người dân sống trong 1 vùng thì không cần quá quan tâm đến địa điểm, nhưng cũng nên lưu ý sao cho thuận tiện để mọi người có thể tìm đến mua hàng của bạn.
Việc bố trí hàng hóa cũng phải xem xét khoa học, thận tiện cho cả người bán hàng và mua hàng khi tìm kiếm và lấy đồ. Bạn bắt buộc phải làm kệ, có thể mua sắt về thuê thợ gia công tính theo ngày cho rẻ hoặc đóng kệ gỗ, tận dụng các loại bàn ghế cũ để trưng bày hàng hóa.
4. Thủ tục pháp lý
Khi mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, quy mô trung bình, bạn cần ra UBND quận, huyện làm đăng ký kinh doanh và được cấp mã số thuế, thủ tục này do bộ phận một cửa làm khoảng 15 ngày, bạn có thể tra cứu các giấy tờ cần thiết để chuẩn bị. Tại đây bạn sẽ được hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc rất chu đáo.
Kinh nghiệm 1 số cửa hàng tạp hóa mới hoạt động, quy mô nhỏ, trung bình có thể linh hoạt đơn trong việc đăng ký kinh doanh…
5. Tìm kiếm nguồn hàng
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa yêu cầu đầu tiên là sự đa dạng về hàng hóa, giá bán hợp lý, luôn có những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của 1 cư dân bình thường trong khu vực.
Đối với cửa hàng tạp hóa nhỏ, nên nhập mặt hàng thiết yếu như: mắm, muối, mì chính, đường… Còn các cửa hàng tạp hóa lớn hơn,cần nhập thêm các mặt hàng có thương hiệu uy tín, các sản phẩm chất lượng cao như: sữa bột, bánh kẹo cao cấp, rượu vang…
Có rất nhiều đầu mối buôn để bạn lấy hàng cho cửa hàng tạp hóa như các chợ đầu mối (ở HCM có thể đến chợ đầu mối Kim Biên, ở HN có thể đến chợ đầu mối bán buôn Mạc Thị Bưởi (P. Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng), mua buôn tại phố chợ Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, Quận Hoàn Kiếm hoặc tham khảo ở chợ Đồng Xuân…)
Ngoài ra bạn có thể liên hệ với các cửa hàng tạp hóa khác lớn hơn để lấy hàng hoặc trực tiếp liên hệ các nhà sản xuất để được cung cấp giá sỉ và nhận trực tiếp các ưu đãi về giá, các chương trình quảng cáo, khuyến mại cụ thể.
Khi nhập hàng, bạn nên nhớ chú trọng số lượng để đủ tiêu chuẩn hưởng khuyến mại và chiết khấu…
6. Một số lưu ý khác
Khi mở cửa hàng tạp hóa, ngoài những bước cơ bản trên, khi hoạt động kinh doanh bạn nên chú ý thêm một số điều sau:
– Phải rất cảnh giác, cẩn thận với kẻ gian. Đó có thể là những kẻ giả danh tiếp thị bán hàng giả, hàng dỏm, thậm chí ngay cả tiếp thị chính hiệu vẫn lợi dụng kinh nghiệm còn yếu của bạn để giao những mặt hàng bán không được. Hay những kẻ lừa đảo giả làm người mua hàng trộm cắp, lợi dụng lộn xộn chôm hàng…
– Việc giao tiếp, phục vụ khách hàng phải hết sức khéo léo, gần gũi để tạo mối liên hệ tốt vì mua bán tạp hóa chủ yếu là cung cấp hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày nên sẽ có nhiều khách quen.
– Tên của cửa hàng phải dễ gọi và được mọi người ghi nhớ cũng như có thiện cảm. Khi cần họ sẽ nghĩ ngay đến mình hay chỉ người khác đến mua.