Vòng 3 GTTNLVC 2018: Nhiều ý tưởng kinh doanh nhân văn

0
1770
Thông qua phần thuyết trình và phản biện của các thí sinh là chủ nhân của 13 đề án kinh doanh đã xuất sắc lọt vào vòng thi này, ban giám khảo GTTNLVC 2018 đều nhận xét đa số các đề án đều có ý tưởng hay, thú vị, nhân văn và thể hiện rõ tâm huyết của các chủ đề án.

Ban giám khảo chấm thi vòng 3 GTTNLVC 2018 gồm: Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, bà Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT, ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo Việt Bến Thành, ông Phan Hùng Dũng – Tổng giám đốc Resort Healthy Fiore, chuyên gia marketing Trần Khánh Tùng và ông Nguyễn Thanh Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển kinh doanh Brainmark.

Nhiều ý tưởng hay, thú vị và nhân văn

Ý tưởng từ đề án Thiết bị lau kính thông minh R-Viet Robot Electronic của thí sinh Bùi Văn Tuấn được hai giám khảo Lê Thị Thanh Lâm và Đinh Hà Duy Trinh đánh giá là hay và nhân văn, đặc biệt là khi thí sinh bắt đầu phần trình bày ý tưởng bằng câu chuyện rủi ro và sự lo lắng của người thân trong gia đình về công việc của những nhân viên làm nghề lau kính cho các tòa nhà. Không chỉ đặt câu hỏi để thí sinh phản biện, các giám khảo còn tư vấn cho Bùi Văn Tuấn nhiều yếu tố cần cải thiện cũng như cần lưu ý để dự án kinh doanh này dễ thành công trong dài hạn, như về chiến lược phân phối, phân tích đối thủ cạnh tranh, vòng đời sản phẩm…

Với thế mạnh là đã tiến hành nhiều khảo sát thực tế và có sản phẩm mẫu, đề án Sản xuất máy chăm sóc mía FOHA của thí sinh Vũ Thị Ngọc được hầu hết các giám khảo khen ngợi, nhất là khi một đề án về nghiên cứu thiết bị máy móc lại được thực hiện bởi một thí sinh nữ. Xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật, giám khảo Trần Khánh Tùng gợi ý cho Ngọc về việc đầu tư vào thiết kế kiểu dáng của sản phẩm và khuyên thí sinh nên xem xét hình thức bán hàng B2B trước thay vì phát triển kinh doanh theo hướng B2C.

“Ý tưởng hay”, “đầy cảm hứng”, “hấp dẫn”, “thể hiện niềm đam mê”, “mô hình tốt”… là những nhận xét của các giám khảo dành cho đề án Nhà hàng không gian sử Việt của nhóm thí sinh Đoàn Minh Tân và Nguyễn Tấn Phát. Với mong muốn thực hiện ý tưởng kinh doanh nhằm cung cấp thông tin, kiến thức và phát triển tình yêu đối với nền lịch sử nước nhà nơi người dân Việt Nam, cả 2 thí sinh đã tạo được sự hứng thú nơi ban giám khảo.

Tương tự, các đề án Trà búp thanh long Đức Thuận của nhóm thí sinh Mã Phú Cường, Trương Hoàng Phúc và Trần Lê Mỹ Quỳnh; đề án Sản xuất phân bón hữu cơ từ vỏ chuối và vỏ trứng của thí sinh Vương Thị Ngọc Ly; đề án Ứng dụng du lịch King Guide của thí sinh Vũ Ngọc Đức Long và Vũ Văn Lợi; đề án Sản phẩm nghệ thuật Warrior Wood Resin của thí sinh Lê Thị Dung; đề án Chuỗi cửa hàng giặt mũ bảo hiểm HELCLE của thí sinh Lê Thanh Hoa; đề án Không gian đọc sách Book House của thí sinh Ngô Anh Minh đều được các doanh nhân – giám khảo đánh giá là hay, thú vị. Bên cạnh cách trình bày rõ ràng, mạch lạc, các thí sinh cũng được nhận xét là có đầu tư nhiều về mặt hình ảnh nên đã tạo được sự hứng thú cho người nghe.

Tuổi trẻ tài cao, đầy tâm huyết với dự án kinh doanh

Sự tâm huyết và thông điệp truyền thông chạm vào cảm xúc của thí sinh Nguyễn Thị Hồng Thanh được giám khảo Đinh Hà Duy Trinh đánh giá là thế mạnh của đề án Bồ kết túi lọc Bokeva. Giám khảo Nguyễn Thanh Tân góp ý Hồng Thanh nên chú trọng nhiều hơn nữa vào việc nhấn mạnh điểm khác biệt của sản phẩm so với các đối thủ, chọn kênh phân phối hợp lý, đồng thời phải liên tục cải thiện sản phẩm theo thời gian.

Nhờ sự tâm huyết với ý tưởng, đề án kinh doanh Home Service – Kết nối người thuê lao động và người lao động được thí sinh Bùi Thị Thúy trình bày trôi chảy, mạch lạc, tự tin và thu hút, bà Lê Thị Thanh Lâm và Đinh Hà Duy Trinh nhận định. Nhưng thí sinh cần xem lại mức giá dịch vụ xem có phù hợp với người dân địa phương hay chưa, và cũng nên lường trước một số rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ nhằm tìm ra cách khắc phục tốt nhất, theo giám khảo Đinh Khắc Hoàng.

Đứng ở góc độ người làm chuyên môn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT – bà Đinh Hà Duy Trinh cho biết bản thân cảm thấy rất hứng thú vì nhiều thí sinh GTTNLVC năm nay đã rất mạnh dạn đưa ra các ý tưởng kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Chẳng hạn như Website gia sư online của thí sinh Đỗ Mạnh Quang, eTripping – Enjoy Your Own Trips của thí sinh Ngô Uyên Thảo… Tuy nhiên, đối với những dự án như vậy, các giám khảo đều góp ý chủ đề án nên xem lại yếu tố chi phí vận hành vì việc hiện thực hóa đòi hỏi độ nghiên cứu công nghệ cũng như chi phí kỹ thuật, chi phí cho chuyên gia công nghệ… rất cao.

Thông qua các phần trình bày ý tưởng kinh doanh tại vòng 3 của các thí sinh GTTNLVC 2018, Chánh chủ khảo Lê Thị Thanh Lâm đánh giá, thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ có nhiều ý tưởng kinh doanh hay và thể hiện sự “tài cao” hơn hẳn thế hệ những người đi trước khi ở cùng độ tuổi. Điều mà những người trẻ này cần tìm kiếm hiện tại chính là những mentor, những người đồng hành phù hợp để tiếp tục học hỏi và cải thiện dần một số điểm còn chưa hoàn thiện trong dự án kinh doanh.

Ngoài ra, để đề án kinh doanh có thể triển khai trên thực tế, các giám khảo góp ý các thí sinh nên đầu tư nhiều hơn cho khâu nghiên cứu, khảo sát thị trường thực tế, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu và đưa ra bài toán tài chính hợp lý hơn.

Vòng 3 GTTNLVC 2018: Nhiều ý tưởng kinh doanh nhân văn
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here