Đừng biến thế mạnh thành điểm yếu!

0
1034

Bài viết của anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, Saigon Books, đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Cuộc sống vốn có tính 2 mặt nên những phẩm chất tốt đẹp từng giúp các doanh nhân khởi nghiệp thành công trong quá khứ cũng có thể trở thành điểm yếu.

Bạn cần lưu ý:

KIÊN ĐỊNH

Ý chí kiên định, bất chấp khó khăn trở ngại thường là nền tảng thành công của các nhà khởi nghiệp. Nhưng kiên định cũng dễ biến thành bảo thủ và cực đoan. Nếu có đầy đủ bằng chứng xác đáng và biết chắc rằng bạn đang đúng hướng, hãy bám chặt ý tưởng của mình; ngược lại, hãy sẵn sàng từ bỏ quan điểm, tư duy cũ khi có các dấu hiệu cho thấy bạn đang sai đường hoặc cần tái định hướng.

Mỗi ngày, hãy tự hỏi mình: chiến lược công ty đang thực hiện có còn đúng không? Lợi thế cạnh tranh của công ty có bền vững không?

Ngoài ra, rất cần những đánh giá định kỳ, đa chiều từ những người am hiểu từ bên ngoài lẫn ý kiến nhận xét của nhân viên có trách nhiệm từ bên trong!

Luôn tỉnh táo và tự vấn thường xuyên về con đường mà doanh nghiệp đang theo đuổi! Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã sụp đổ vì quá kiên định với chiến lược, sản phẩm, dịch vụ… đã theo đuổi từ ngày đầu mà thiếu sự thức thời, nắm bắt xu hướng…

KIỂM SOÁT

Giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập phải quán xuyến, quyết định tất cả mọi thứ. Nhưng khi công ty bắt đầu lớn mạnh, việc chú ý mọi thứ đến mức chi li chỉ làm suy giảm hiệu năng của người lãnh đạo. Hãy nhìn nhận giá trị của việc giao quyền và buông bỏ quyền lực đúng lúc.

Hãy tạo điều kiện để cộng sự được quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra để giảm thiểu rủi ro trong việc phân quyền. Nhiều nhà lãnh đạo ôm đồm, chúi mũi vào tất cả các công việc dẫn tới thiếu thời gian để suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề sống còn trong công ty, trong khi đó, chất lượng các quyết định ngày càng kém.

Nhân viên thì ỷ lại vào sếp hoặc bất mãn vì không được trọng dụng. Công ty đông người – nhiều cái đầu giờ trở thành một người – một cái đầu. Văn hoá đùn cho sếp, lười sáng tạo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của công ty.

TRUNG THÀNH

Những người có mặt đầu tiên khi thành lập doanh nghiệp và còn làm việc đến lúc này, được chủ doanh nghiệp xem là trung thành. Họ đã đóng góp vào sự phát triển của công ty và ít nhiều có bệnh công thần.

Chưa kể tâm lý: lâu năm lên lão làng, vin vào sự gắn bó với người chủ để làm chổ dựa, mà không chịu nỗ lực, học hỏi cái mới. Cho nên, cần lưu ý lòng trung thành có thể che mờ các đánh giá về năng lực, đạo đức và sự khiếm khuyết kỹ năng của nhân viên.

Đã có nhiều CEO hàng đầu VN phải chấp nhận từ bỏ công việc vì không “xử lý” được đội ngũ nhân viên cấp thấp nhưng “công thần” được ông chủ ưu ái.

Cho nên, việc đánh giá khách quan, định kỳ về năng lực và kết quả làm việc (đo lường bằng KPI) của tất cả nhân viên là cần thiết.

Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách trả lương theo phương pháp 3P (Position – Vị trí công việc, Person – Năng lực cá nhân và Performance – Kết quả công việc) cũng góp phần hạn chế được việc quá chú trọng đến thâm niên trong công ty.

Đừng biến thế mạnh thành điểm yếu!
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here