Nhượng quyền: Họ đã vào, doanh nghiệp Việt có sẵn sàng?

0
1053

Chuyển động ngành nhượng quyền: Họ đã vào, doanh nghiệp Việt có sẵn sàng?

Nhà nước cần nghiêm túc nghiên cứu tác động của ngành nhượng quyền đến sự phát triển của kinh tế quốc gia, xây dựng chính sách và chương trình nuôi dưỡng thương hiệu nhượng quyền Việt Nam như cách mà nhiều quốc gia đang làm.

Lần đầu tiên tại triển lãm ngành bán lẻ và nhượng quyền Việt Nam có sự xuất hiện của 4 gian hàng quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Philippines. Họ đi xúc tiến nhượng quyền thương hiệu thành đoàn, được sự hỗ trợ toàn phần của chính phủ và hiệp hội.

Ngày 1-6, ngay sau khai mạc triển lãm, bộ trưởng Bộ Tiêu dùng và nội thương Malaysia đến tổ chức hội thảo xúc tiến cho hơn 20 thương hiệu nhượng quyền Malaysia tìm đối tác và thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ngày 2-6, Hiệp hội Nhượng quyền Philippines tổ chức hội thảo xúc tiến nhượng quyền cho gần 30 thương hiệu quốc gia này tại TP.HCM. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự xuất hiện đồng loạt và tạo tiếng vang của nhiều thương hiệu trong khu vực như vậy?

Có lẽ vì nhượng quyền là ngành còn rất mới nên chưa được lưu ý đúng mức tại Việt Nam về đóng góp quan trọng của ngành đối với kinh tế quốc gia.

Theo thống kê, đóng góp của ngành vào GDP quốc gia tại Mỹ và Singapore là 3%, tại Malaysia là 4,3%, tại Philippines là 5%, tại Hàn Quốc là 7,8%, tại New Zealand là 11%, và tại Úc là 14%.

Với đóng góp quan trọng như thế, ngành nhượng quyền đương nhiên trở thành một trong những ngành được chính phủ các quốc gia sử dụng như một công cụ hiệu quả để xuất khẩu thương hiệu quốc gia ra thị trường quốc tế.

Nhìn thấy tiềm năng của ngành vào việc nâng cao giá trị cộng thêm cho sản phẩm và dịch vụ qua hình thức xuất khẩu mô hình, Chính phủ Malaysia đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ đóng góp GDP của ngành nhượng quyền lên 9,4% đến năm 2020 với tham vọng biến Malaysia thành trung tâm nhượng quyền của Đông Nam Á.

Cũng vì thế, từ 5 năm trở lại đây, nhượng quyền đã được chính phủ các nước đưa vào chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu và mô hình dành cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, với mục tiêu biến DN nước nhà thành DN quốc tế, qua đó gia tăng giá trị kinh tế quốc gia. Sau vài năm được chăm sóc và nuôi nấng tại vườn nhà, họ bắt đầu cất cánh ra thế giới với một trong những điểm đến đầu tiên và tiềm năng mang tên Việt Nam.

Đường vào đang trải hoa hồng

Việt Nam xếp hạng 8/12 thị trường nhượng quyền tiềm năng nhất, theo Hiệp hội Nhượng quyền thế giới. Trong top 3 thị trường nhượng quyền tiềm năng nhất châu Á, theo Euromonitor, có Indonesia, Philippines và Việt Nam. Vì vậy, dự đoán các thương hiệu Bắc Mỹ, châu Âu, Úc sẽ vẫn tiếp tục đổ vào từ nay đến năm 2020 và không dừng lại ở các thương hiệu tầm cỡ.

Nhiều thương hiệu vừa mới nổi đã có chiến lược quốc tế hóa để tận dụng thời cơ. Cùng lúc đó, với sự chuẩn bị chu đáo và hỗ trợ hiệu quả từ phía chính phủ, các thương hiệu châu Á từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Philippines sẽ bắt đầu công cuộc lấn sân ngoạn mục vào thị trường Việt Nam.

Việc họ ồ ạt kéo vào thật ra là chuyện hết sức hiển nhiên. Tại sao không khi Chính phủ Singapore chẳng hạn, tài trợ đến 70% toàn bộ chi phí nghiên cứu thị trường hoặc xúc tiến tìm đối tác nước ngoài.

Thị trường Việt Nam đặc biệt nằm trong danh sách những thị trường được Chính phủ Singapore khuyến khích DN xúc tiến nhượng quyền, với mức hỗ trợ chi phí phát triển thị trường cao nhất. Tại Malaysia, các DN tham gia chương trình phát triển thương hiệu nhượng quyền quốc gia được huấn luyện, đào tạo, cố vấn hoàn toàn miễn phí, nhằm xây dựng được mô hình và thương hiệu chuẩn, có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới. Một trong những điểm
đến đầu tiên trên bản đồ quốc tế hóa của họ có hai chữ Việt Nam.

Vậy đâu là những ngành hấp dẫn nhất đang hút họ vào?

Khởi thủy của ngành nhượng quyền là ẩm thực, với thương hiệu đặc trưng nhất của ngành là McDonald’s. Vì vậy cho đến nay, số lượng thương hiệu ẩm thực phát triển qua hình thức nhượng quyền vẫn chiếm đa số.

Trong top 10 ngành nhượng quyền có doanh thu cao nhất năm 2016 trên thế giới thì hết 3 ngành là ẩm thực, bao gồm nhà hàng, nhà hàng thức ăn nhanh và ẩm thực ngành bán lẻ.

Trong đó, đáng lưu ý là sự dịch chuyển của dịch vụ thức ăn nhanh tại các cửa hàng tiện lợi. Ví dụ tại 7-Eleven và Circle K, doanh thu dịch vụ thức ăn nhanh ngày càng gia tăng và đang trở thành một trong những kênh doanh thu chính.

Ngoài ra, các ngành khác trong top 10 bao gồm dịch vụ doanh nghiệp, dịch vụ lưu trú, địa ốc, dịch vụ vệ sinh, sửa chữa bảo trì, dịch vụ ôtô, dịch vụ cá nhân, và cuối cùng là ngành bán lẻ.

Đặc biệt tại các thị trường phát triển, do ảnh hưởng của nền kinh tế chia sẻ, của công nghệ, của kinh tế làm việc tự do (freelance), các mô hình dịch vụ phục vụ nhu cầu DN và cá nhân ngày càng phổ biến.

DN của tương lai là DN dựa trên tổ chức hợp tác. Vì vậy, tất cả các phòng ban theo tổ chức truyền thống như marketing, nhân sự, đào tạo, tài chính, chuỗi cung ứng, IT… đều có thể được chuyển ra ngoài (outsource) cho cá nhân hay tổ chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao hợp tác triển khai.

Sẽ có sự chuyển dịch lớn về khái niệm job franchise (nhượng quyền công việc với các nhân sự có chuyên môn cao, muốn tự do, mua nhượng quyền một thương hiệu dịch vụ cùng ngành để tự kinh doanh trên chính chuyên môn của mình).

Đồng thời, do nhu cầu làm việc và tận hưởng ngày càng tăng, người tiêu dùng của tương lai cũng sẽ bắt đầu outsource những công việc gia đình như vệ sinh, sửa ống nước, sửa máy lạnh và thiết bị gia dụng, giặt ủi, sửa xe… Hàng loạt mô hình nhượng quyền dịch vụ phục vụ nhu cầu cá nhân này cũng vì vậy mà tăng lên nhanh chóng.

Trong triển lãm nhượng quyền quốc tế tại London tháng 3 năm nay, 70% các thương hiệu nhượng quyền tham gia triển lãm là mô hình dịch vụ.

Trong top 10 các mô hình nhượng quyền phát triển nhanh nhất năm 2017 có dịch vụ du lịch, dịch vụ sửa chữa bảo trì, dịch vụ vệ sinh công nghiệp và gia dụng, dịch vụ chăm sóc tóc.

Trong top 10 các mô hình nhượng quyền mới nhất năm 2017 có dịch vụ sửa chữa thiết bị điện tử, dịch vụ cho thuê văn phòng cho startup, chăm sóc người già, dịch vụ địa ốc, dịch vụ trẻ em, và cả dịch vụ… diệt muỗi. Nói chung, ta cần gì thì chuyện đó có thể trở thành dịch vụ, và dịch vụ nào cũng đều có thể nhượng quyền.

Từ đây đến năm 2020, dự đoán sẽ còn nhiều mô hình dịch vụ mới hơn nữa tham gia thị trường nhượng quyền quốc tế. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, ngành ẩm thực, bán lẻ và dịch vụ DN sẽ vẫn là những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đối với dịch vụ cá nhân, các ngành chủ đạo sẽ vẫn là dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Là thị trường lớn thứ 3 tại Đông Nam Á về dân số, nhưng xếp thứ 9, chỉ trên Myanmar về thu nhập hộ gia đình, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi về nhượng quyền với nhiều đất trống.

Nếu McDonald’s đã bước vào thị trường Malaysia từ những năm 1980 thì gã khổng lồ này chỉ vừa xuất hiện tại Việt Nam năm 2014. Sau khi đã tấn công các thị trường có mức độ tiêu dùng cao hơn, các tập đoàn quốc tế giờ đây bắt đầu đổ bộ vào thị trường còn lại, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thương hiệu khu vực, sau thời gian học hỏi và trải nghiệm về ngành, được sự hỗ trợ mang tính chiến lược và hệ thống từ chính phủ, đã đủ thời gian xây dựng nội lực và sẵn sàng bước ra thế giới. Điểm đến đầu tiên và hợp lý nhất đối với họ dĩ nhiên là thị trường chưa phát triển bằng mình, nằm trong khu vực địa lý thuận lợi, với tiềm năng dân số lớn mang tên Việt Nam.

Cùng lúc, cả thương hiệu quốc tế lẫn thương hiệu khu vực cùng nhắm vào Việt Nam, tạo ra một làn sóng đổ bộ của các thương hiệu nhượng quyền.

Đường ra gập ghềnh khúc khuỷu

Chiều vào là như thế, vậy thương hiệu và mô hình Việt Nam liệu có tìm được chiều ra, hay ít nhất cạnh tranh an nhiên tại sân nhà?

Do trải nghiệm và kinh nghiệm trong ngành còn rất thiếu, DN Việt Nam hiện vẫn rất e dè khi áp dụng hình thức nhượng quyền. Một số chuỗi đã có lịch sử hoạt động tốt và ổn định tại thị trường như Highlands, Pho24, Wrap ‘n Roll, PNJ sẽ có những động thái đầu tiên bước ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, hành trình nhượng quyền ra thế giới và khu vực sẽ không ít gian nan, cần được chuẩn bị kỹ về nội lực để có thể phát triển vững bền.

Nhượng quyền rất dễ mà rất khó. Nếu thiếu đi nền tảng hỗ trợ và quản trị đối tác chặt chẽ, thất bại trong nhượng quyền dễ như trở bàn tay. Cũng vì lý do này, các quốc gia trong khu vực có chiến lược hỗ trợ rất nền tảng và chi tiết khi chọn nhượng quyền làm một trong những ngành chủ đạo để nâng cao giá trị xuất khẩu thương hiệu quốc gia.

Qua nhượng quyền thương hiệu, các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu nội địa sẽ được xuất khẩu theo hệ thống nhượng quyền với giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Đó cũng là lý do vì sao có sự xuất hiện đồng loạt và ồ ạt của các thương hiệu nhượng quyền quốc tế và khu vực tại Việt Nam năm nay.

Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cũng nên đặt vấn đề hỗ trợ và xây dựng ngành nhượng quyền ở cấp quốc gia để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển DN vừa và nhỏ thành những DN có tầm vóc quốc tế, đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế nước nhà?

Hiểu biết và trải nghiệm của nhà đầu tư Việt Nam về ngành nhượng quyền còn rất ít ỏi, nhưng trong cảnh đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu nhượng quyền nước ngoài, sẽ không tránh khỏi những ngộ nhận và gây tổn thất cho DN Việt.

Ví dụ, hiện có một số mô hình và thương hiệu vừa mới được sinh ra, hoạt động chưa được một năm, chưa được chứng minh hiệu quả kinh doanh đã nhanh chóng nhượng quyền. Vì vậy, cần có nhân sự hiểu biết về ngành, có các bước kiểm soát việc đăng ký cấp phép nhượng quyền chặt chẽ hơn đối với các DN ngoại nhượng quyền vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, nên có quy định cụ thể về tỉ lệ hàng hóa, nguyên vật liệu sử dụng có nguồn gốc Việt Nam trong một thời gian ngắn nhằm mua một ít thời gian cho DN Việt chuẩn bị nền tảng và nội lực để xây dựng mô hình và thương hiệu nhượng quyền Việt Nam.

Chúng ta không còn thời gian vì chính phủ các nước lân cận đã chuẩn bị cho DN khu vực trước Việt Nam 4-5 năm. Dù có tạo ra một số rào cản kỹ thuật nhất định nhưng nếu không đồng thời và quyết liệt xây dựng thương hiệu và mô hình quốc gia cho DN Việt, các rào cản này là vô nghĩa.

Vì vậy, Nhà nước cần nghiêm túc nghiên cứu tác động của ngành nhượng quyền đến sự phát triển của kinh tế quốc gia, xây dựng chính sách và chương trình nuôi dưỡng thương hiệu nhượng quyền Việt Nam như cách mà nhiều quốc gia đang làm.

Nếu có một chính sách và chương trình nghiêm túc, trong vòng 3 năm Việt Nam có thể xây dựng được những mô hình và thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh tại thị trường nội địa và xuất khẩu ra thế giới.

Bài viết của chị Nguyễn Phi Vân (Founder Retail & Franchise Asia) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Nhượng quyền: Họ đã vào, doanh nghiệp Việt có sẵn sàng?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here