Hôm vừa rồi tôi có đọc 1 bài trong cuốn đầu tiên trong bộ sách khởi nghiệp, thấy có 1 anh viết rằng mô hình giống như Uber đã được danh nghiệp Futa (nhà xe Phương Trang) ở Việt Nam áp dụng thử từ hồi 2008, nghĩa là trước cả Uber (Uber ra đời cuối 2008, đầu 2009). Nhưng sau đó việc áp dụng không thành công vì nhiều lí do, trong đó có yếu tố con người là quan trọng nhất.
Năm 2013, chúng tôi triển khai thử ý tưởng order đồ ăn, đồ uống ngay trên điện thoại. Nghĩa là mỗi khi khách hàng vào quán thì sẽ dùng điện thoại của họ, truy cập menu quán và order món ăn. Cả quán và khách hàng đều được lợi vì nhiều yếu tố tiện ích, giảm nhân lực, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm bản beta và quan sát khách hàng vào quán trong 1 ngày, tôi phát hiện ra 9/10 người không biết dùng QR Code nên dự án đã fail ngay sau ngày đầu tiên. Sau này có nhiều ý tưởng liên quan, như dùng Ipad đặt trên bàn cho khách order và chơi game trong lúc chờ đợi nhưng lại không phù hợp với người Việt vì chi phí cao và mức độ tôn trọng các tài sản chung thấp.
Trong nhiều buổi café, tôi đã thử quan sát cách mà khách hàng gọi các món đồ uống để hình dung về ý tưởng app cho nhân viên ghi phiếu order và tính tiền cho khách ngay trên điện thoại hoặc tablet. Tuy nhiên, sau một thời gian thì tôi cũng nản. Thử nghe một vài order đến từ các chị phụ nữ:
– Em lấy cho chị 1 ly bạc sỉu, café bỏ vừa vừa thôi nha, thêm nhiều sữa nhưng đừng nhiều quá, bỏ loại đá vừa vừa cỡ ngón tay thôi, đừng bỏ đá nhỏ quá mau tan, đá lớn quá thì khó uống.
– Em cho chị 1 ly nước ép cà rốt, bỏ ít đường thôi nhé, đá xay nhỏ đừng để viên lớn, cho chị thêm ít sữa tươi hoặc sữa đặc cho dễ uống em ơi.
– Cho chị 1 cốc sữa chua đánh đá, sữa chua nha đam nha em, mà bỏ sữa chua nhiều chút, ít đá lại, chị uống lạnh viêm họng, làm nhanh em nha.
– Chị uống nước chanh thôi em, mà chanh thật tươi em nha, bỏ ít đường thôi nhưng đừng để chua, chị đang ăn kiêng, bỏ đá nhiều lên cho mát với lạt bớt em ơi.
Sau nhiều lần quan sát như vậy tôi cũng thấy không lạ khi nhiều chuỗi thức ăn nhanh khó mà xâm nhập mạnh vào Việt Nam, vì chưa thể thỏa mãn khiến phụ nữ chi tiền, mà phụ nữ không chi thì con cái và chồng cũng chịu. Tại nhiều chuỗi F&B thì khách hàng tiếp cận được các đồ ăn thức uống theo combo có sẵn phần lớn là giới trẻ – đối tượng mà có khả năng thích ứng nhanh và dễ chịu hơn khi đưa ra các yêu cầu.
Trong một ví dụ khác, nhiều bạn cũng muốn làm app marketplace cho các chị em phụ nữ nhưng bất thành, chỉ vì để dạy được các chị em tại Việt Nam tự tìm kiếm và install app đã rất khó, nói gì nữa tới việc marketing đại trà. Gần đây, theo report của một số sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam thì họ đã chán với việc tung khuyến mãi tới 5% đơn hàng hoặc 50k cho mỗi lượt install mà vẫn không kéo nổi người dùng install app ở Việt Nam (có install app thì mới được gửi notification quảng cáo tới máy khách hàng với chi phí thấp).
Đây chỉ là những ví dụ đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, đặc biệt là các start up công nghệ, muốn giải quyết vấn đề của xã hội, nhưng xã hội chưa đủ trình để tiếp nhận và áp dụng thì sản phẩm đó cũng fail rất sớm. Các doanh nghiệp dù là start up hay doanh nghiệp lâu năm trước khi áp dụng công nghệ tại Việt Nam cũng nên cân nhắc kĩ và cần phải áp dụng thử trước khi tính chuyện đại trà và lâu dài, việc áp dụng công nghệ ở mỗi quốc gia là hoàn toàn khác nhau và không thể copy y nguyên từ nước này qua nước khác.
Nguyễn Ngọc Dũng – Ylinkee
Bài viết đăng trên group QTvKN