Bắt đầu câu chuyện, bà Lâm hồi tưởng về năm 2003, thời điểm hầu như các doanh nghiệp thủy sản đều muốn làm xuất khẩu. Nhưng lúc đó, như bắt được đúng ‘tần số’ cùng bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận), bà Lâm đã tham gia vào Sài Gòn Food (tiền thân của S.G.Fisco) với mong muốn tạo nên một doanh nghiệp thủy sản vừa làm xuất khẩu vừa làm nội địa.
‘Ý tưởng này xuất phát từ mong muốn đưa sản phẩm đang xuất khẩu phục vụ cho người nội trợ Việt Nam, bởi chúng tôi cũng là người phụ nữ nội trợ. Tôi thấy phụ nữ nước ngoài sung sướng quá, mình đang làm sản phẩm giúp cho cuộc sống của họ đỡ bận rộn hơn, nhưng phụ nữ Việt Nam lại không được điều đó. Người phụ nữ Việt Nam muốn ăn con cá, phải ra chợ mua cá nguyên con về rồi tự chế biến. Trong khi đó, chúng tôi lại tạo ra sản phẩm người Nhật chỉ cần mua về hâm nóng rồi ăn’, bà Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà để nghiên cứu có những sản phẩm phù hợp cho cả thị trường xuất khẩu và nhu cầu nội địa là câu chuyện dài. Nhưng trước hết, phải được bắt đầu từ ý tưởng có thể từ một người, nhưng biến ý tưởng đó thành hiệu quả sản xuất kinh doanh là sự đóng góp của cả tập thể.
Trong kinh doanh, việc định giá sản phẩm là một bài toán khó cho tất cả các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Tâm lý của chúng ta là giá rẻ sẽ thu hút được người tiêu dùng. Bà Lâm lại cho rằng, ‘chúng tôi không nghĩ như vậy. Thời đại thực phẩm ngon – bổ – rẻ đã qua rồi. Đã ngon, đã bổ thì giá phải phù hợp’.
Đây là lý do Sài Gòn Food bước vào cuộc chơi với quyết định mức giá cháo tươi lên tới 17-25.000 đồng/gói, rất cao so với giá cháo khoảng 10.000 đồng/tô đang bán trên các cung đường Sài Gòn. Bộ phận kinh doanh Sài Gòn Food chịu gần như toàn bộ áp lực để thuyết phục người tiêu dùng.
Lý giải cho sự thành công sau đó, bà Lâm nhận định, sản phẩm của chúng tôi thỏa được yêu cầu người tiêu dùng cần gồm để sẵn được trong nhà do bảo quản được lâu, nhưng lại không có chất bảo quản với công nghệ mới mà vẫn có đủ hàm lượng dinh dưỡng mà người tiêu dùng mong muốn.
Thêm nữa, cùng một loại, so với sản phẩm nhập khẩu, giá chúng tôi đưa ra thấp hơn gần 3 lần, Tuy nhiên, với thực phẩm, không gì chứng minh cho người tiêu dùng tốt bằng người ta phải ăn. Nên Sài Gòn Food đã mở các địa điểm ăn thử tại tất cả các trường học, khu vui chơi,… Cùng với đó, hợp tác với viện dinh dường để chứng minh câu chuyện của Sài Gòn Food là câu chuyện có nghiên cứu của các chuyên gia.
Sau 2 năm ra mắt sản phẩm cháo tươi, sự xuất hiện của các hệ thống siêu thị nước ngoài như Aeon, Lotte Mart… khiến người tiêu dùng làm quen với các sản phẩm cùng loại mà dùng công nghệ tương tự với Sài Gòn Food, điều này đã bổ trợ tốt hơn cho việc đưa sản phẩm của họ đến gần hơn với người tiêu dùng.
Sau khi cháo gói được đón nhận, Sài Gòn Food tiếp tục ra mắt một số sản phẩm tương tự như cháo tươi trong chén, soup… Bà Lâm muốn Sài Gòn Food không chỉ xoay quanh việc tìm giải pháp tối ưu cho người phụ nữ chăm sóc gia đình trong từng bữa ăn, mà còn mang đến nhiều sản phẩm phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Việc trở thành đối tác của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven từ năm 2016, khi cung cấp nhiều sản phẩm tiện dụng như xôi, gỏi, hột vịt lộn sốt me… cũng đưa thương hiệu Sài Gòn Food trở nên phổ biến trong thói quen chọn mua của thế hệ 9x.
“Một sản phẩm đã ra thị trường thì cũng như một đứa con của mình. Làm sao để nuôi dưỡng cho nó trưởng thành. Tôi có nói với bộ phận bán hàng của chúng tôi, mỗi lần thấy sản phẩm trên kệ siêu thị hay cửa hàng, dù đứng từ xa cũng phải nhìn thấy một vết trầy xước, đang buồn hay vui… Nếu không cảm được điều đó thì chưa làm được yêu cầu chăm sản phẩm như chăm con của mình”, bà Lâm gọi cách làm này là văn hoá của Sài Gòn Food.