Kỹ sư công nghệ thông tin khởi nghiệp với xe đạp điện

0
1941

Đó là Lê Hoàng Long, CEO 8X, vừa tròn 30 tuổi, khởi nghiệp thành công đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất xe đạp điện thông minh của Việt Nam.

Tốt nghiệp ngành lập trình công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa, cũng như hầu hết các sinh viên vừa ra trường khác, Long xin vào làm việc ở một vài công ty trước khi quyết định tự thân lập nghiệp.

Năm 2012, nhận thấy thị trường xe đạp điện có tiềm năng phát triển, Long nảy ra ý định thử nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển chiếc xe đạp điện trở thành một loại phương tiện tích hợp nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, nếu thành công sẽ tự sản xuất, lắp ráp và bán rộng rãi trên thị trường.

CEO Lê Hoàng Long
CEO Lê Hoàng Long

Theo Long, thị trường xe đạp điện tại Việt Nam rất có tiềm năng bởi xe đạp điện phù hợp với số đông các đối tượng từ học sinh, sinh viên, cư dân các đô thị cho đến người già, người trung tuổi. Hơn nữa, với văn hóa cũng như cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam, đây là loại phương tiện đi lại khá phù hợp, tốn rất ít chi phí.

Nhìn rộng hơn có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nếu có năng lực sản xuất tốt, bởi nhiều nước phát triển trên thế giới đều khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Vì vậy, nhu cầu hiện tại và tương lai của sản phẩm này là rất lớn.

Theo nhận định của anh, việc tự sản xuất xe đạp điện không ở đâu thuận lợi bằng tại Việt Nam. Ở Việt Nam đã có sẵn rất nhiều công ty, tập đoàn lớn nổi tiếng toàn cầu về sản xuất, lắp ráp xe máy như Honda, Yamaha, Piaggio… tạo ra hệ sinh thái vô cùng đa dạng với một chuỗi hàng nghìn các nhà sản xuất và cung cấp linh kiện đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể nguồn lực về con người không ở đâu rẻ hơn Việt Nam…

Nghĩ là làm ngay, Long cùng một vài người bạn thân đã xoay sở đủ mọi cách để có được nguồn vốn ban đầu 500 triệu đồng, từ vay người thân, gia đình, bạn bè, thậm chí là cố gắng thuyết phục gia đình cho cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở.

Nhờ số vốn này, Long và nhóm bạn đã thành lập công ty tự nghiên cứu và lắp ráp xe đạp điện với tên gọi HK Bike quen thuộc và mới đổi sang thương hiệu Pega như hiện nay.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, mọi sự đối với anh đều khó khăn vô cùng.

Nhóm của anh đã thay nhau đi gõ cửa hàng nghìn công ty sản xuất linh kiện trong và ngoài nước để thuyết phục họ nhận đơn đặt hàng sản xuất và cung cấp linh kiện, song không ai chịu tiếp vì họ không tin tưởng năng lực của một doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy vậy, anh cùng các cộng sự đã kiên trì thuyết phục từng người về ý tưởng dự án và định hướng phát triển của mình. Cuối cùng, đã có doanh nghiệp chấp nhận trở thành nhà cung ứng cho anh và giờ đây thậm chí có nơi còn đồng ý cung ứng trả chậm trong vòng 2 tháng.

Chàng trai 8X dám nghĩ dám làm
Chàng trai 8X dám nghĩ dám làm

Hiện tại, Pega (HK Bike) đã trở thành công ty sản xuất xe đạp điện đầu tiên của Việt Nam chủ động được từ thiết kế, nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp sản phẩm đến marketing và phân phối. Từ năm 2012 đến nay, Pega (HK Bike) liên tục phát triển và đã có tới 500 điểm bán hàng, 230 showroom chính hãng trên toàn quốc.

Với vốn khởi điểm 500 triệu đồng, sau 4 năm phát triển, đến nay, ước giá trị vốn hóa thị trường của Pega vào khoảng 1.000 tỷ đồng, doanh thu lên tới hơn nghìn tỷ đồng/năm.

Thương hiệu Pega đã trở thành một trong số không nhiều công ty khởi nghiệp có sức hấp dẫn trên thị trường, được các nhà đầu tư đánh giá có tương lai phát triển rất tốt. Nhiều nhà đầu tư từ Anh, Bỉ, Nhật Bản và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã tìm đến bày tỏ ý định muốn rót vốn đầu tư nhưng anh muốn tự đi trên đôi chân của chính mình với những bước tiến chậm nhưng chắc chắn.

Mục tiêu lớn nhất của Pega hiện nay là mở rộng hợp tác với các đối tác toàn cầu về công nghệ để đưa những công nghệ tốt nhất vào sản phẩm và toàn cầu hóa thương hiệu xe điện Việt Nam.

Hiện các linh kiện lắp ráp xe điện của Pega từ khung xe, vành, lốp, yên, chắn bùn, động cơ… đều được đặt hàng từ các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp cơ khí chế tạo của các hãng có tên tuổi đặt tại Việt Nam, do đó đã góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm.

Giải thích nguyên nhân tại sao không tập trung vào công nghệ, mà lại muốn bắt đầu từ việc tự sản xuất, Long cho biết: “Chỉ sản xuất mới tạo nền tảng vững vàng để nền kinh tế lên. Vì vậy, tôi muốn tạo ra công ty khởi nghiệp thiên về sản xuất để tranh thủ lợi thế về công nghệ, việc sản xuất tạo công ăn việc làm và nhất là thu hút được các bạn trẻ có đam mê công nghệ”.

Kỹ sư công nghệ thông tin khởi nghiệp với xe đạp điện
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here