Ông chủ “mr.potato” khởi nghiệp sớm vì sợ… già

0
2170
Nguyễn Lê Minh Nhựt – ông chủ tạo nên thương hiệu mr.potato là doanh nhân trong lĩnh vực thực phẩm với ý tưởng thức ăn nhanh từ khoai tây chuyên nghiệp.

Khởi nghiệp từ khoai tây

Niềm đam mê kinh doanh nhen nhóm khi Nhựt mới là một cậu học sinh trung học. Khi đó, Nhựt đã luôn miệng nói “muốn làm ăn”. Nên sau khi học hết cấp ba, Nhựt theo học ngành Hệ thống thông tin kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế RMIT để phục vụ cho ước muốn khởi nghiệp của cậu sau này.

Ra trường năm 2011, Nhựt làm trợ lý ban giám đốc cho một tập đoàn chuyên chế biến và xuất khẩu cà phê hạt. Trong những lần đi công tác nước ngoài, Nhựt nhận ra khoai tây được kinh doanh phổ biến ở các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam chưa ai làm.

“Nhựt nghĩ là mình còn trẻ, mới 23 tuổi, dù làm ăn 2-3 năm có thất bại, mình vẫn có thể làm lại được. Chứ đợi công việc ổn định tầm 32-33 tuổi mới dám theo đuổi ước mơ của mình, rồi thất bại, già rồi ai nhận mình vào làm nữa”, Nhựt vui vẻ chia sẻ.

Nghĩ là làm, Nhựt quyết định nghỉ công việc với mức lương mơ ước, mở nhà hàng bán khoai tây chiên trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè. Với số vốn tích góp được từ những năm đi làm cộng với một phần huy động từ các cổ đông và vay ngân hàng, nhà hàng mr. potato đầu tiên được khai trương trên đường Lê Lai, quận I, TP.HCM. Trước đó nó là căn nhà nát nhưng Nhựt đã cải tạo lại nền và tường nhà, trang trí nội thất khác lạ…

Thương hiệu mr.potato nghe rất ấn tượng, nhưng thực ra nó được chọn một cách khá tình cờ. Ban đầu, Nhựt viết một bản kế hoạch kinh doanh để tìm kiếm nhà đầu tư mr. potato là cái tên đầu tiên Nhựt nghĩ ra và tạm đặt cho dự án. Rồi Nhựt đi vào các hạng mục khác mới quay lại tìm cái tên chính thức sau.

Tuy nhiên, sau khi mọi thứ trong bản kế hoạch đã xong xuôi, Nhựt quay lại tìm tên đặt cho quán và liệt kê hàng chục lựa chọn như Potato World, Potato Kingdom, Potato Corner, French Fries Heaven… nhưng tất cả đều quá nhàm chán và không gây được cảm tình với bản thân Nhựt. Nhựt quyết định giữ nguyên “mr. potato” và cái tên này không được viết hoa. Đó cũng là cách Nhựt thể hiện mong muốn của mình đến với khách hàng gần gũi chứ không khoa trương, hoa mỹ.

Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường giúp cho Nhựt có một nền tảng tư duy và khả năng phân tích các tình huống thực tế. Ba năm đi làm thuê, ngoài chuyên môn, điều giá trị nhất Nhựt học được là kỷ luật, tính khách quan và sự bình tĩnh khi đối mặt với những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, là người rất thực tế, Nhựt luôn biết năng lực và kinh nghiệm của mình còn quá nhỏ bé trong môi trường kinh doanh khốc liệt.

“Không gì đảm bảo thành công cả, phải có nỗ lực, phải có tính toán kỹ càng và phải có may mắn. Nên Nhựt xác định tập trung làm tốt hai yếu tố đầu vì may mắn mình không làm chủ được, chỉ có chuẩn bị cho tốt để may mắn có đến thì mình nắm bắt”, Nhựt cho hay.

Về phần menu, Nhựt và các cộng sự của mình phải mất 4-5 tháng nghiên cứu về khoai (cách tạo hình, bảo quản, chiên) và nghiên cứu các loại nước sốt. Nét độc đáo của mr.potato là sự đa dạng về nước xốt và bột lắc. Trong đó, mr.potato đặc biệt quan tâm đến khẩu vị và xu hướng ẩm thực của giới trẻ Việt.

Khoai tây chiên thực chất bắt nguồn từ phương Tây, nơi người dân có thói quen đi dạo trong tiết trời mát mẻ để thưởng thức món ăn chiên giòn, nóng hổi trên tay. Còn ở Việt Nam, vì yếu tố thời tiết và giao thông nên khách thích ăn uống trong nhà, nơi có máy lạnh hơn. Vì thế, mr.potato trang trí phong cách quán mang đậm phong vị đường phố với nhiều nét đặc trưng từ nhiều thành phố nổi tiếng.

Ước mơ phát triển “mr.potato”

Hệ thống cửa hàng mr.potato đang phát triển
Hệ thống cửa hàng mr.potato đang phát triển

Khi được hỏi về sự thành công của mr.potato, Nhựt khiêm tốn nói: “mình còn cách thành công xa lắm. Vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước dành cho mr.potato”.

Khó khăn thì vô vàn nhưng cũng như nhiều người trẻ khởi nghiệp, Nhựt cũng hơi “vướng” về nhân sự như: đội ngũ nhân viên trẻ còn đi học, thay đổi liên tục nên việc đảm bảo nhân viên mới được training tốt là một thử thách mang tính dài hơi. Thêm nữa, bản thân khách hàng chủ yếu là những người trẻ, thích trải nghiệm những món ăn mới lạ, hấp dẫn nhưng cũng vì thế mà khách hàng trung thành chưa nhiều. Vì vậy, để duy trì và phát triển thương hiệu, đòi hỏi người đứng đầu phải luôn đổi mới. Nhựt cũng thừa nhận kinh nghiệm của một người trẻ như Nhựt chưa thực sự dạn dày nên khó tránh khỏi những sai lầm trong kế hoạch quản lý nói chung.

Khoai tây vốn là món ăn dân dã của người Việt. Song theo ý kiến chủ quan của Nhựt thì “khoai tây không có dân dã chút nào. Khoai tây gần gũi với mọi người và hay đóng vai phụ nên mọi người hay xem nhẹ chứ nếu xét cho đúng về giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng và độ phổ biến trong các món ăn từ bình thường đến cao cấp, thì khoai tây là nông sản cao cấp chứ không có dân dã cho lắm”.

Nhận thức được điều đó, chàng giám đốc trẻ lên quyết tâm đầu tư nghiêm túc và anh đã dần chứng minh được thực lực của mình. Nhựt dự tính sẽ đưa mr.potato đến với các thực khách thủ đô Hà Nội trong một ngày không xa. “Ra Hà Nội và các tỉnh khác trước đã rồi Nhựt tính “vượt biên” sau cũng chưa muộn”, Nhựt chia sẻ về kế hoạch của mình.

Bí quyết khởi nghiệp của Nhựt đơn giản là: “Nhựt luôn nhắc nhở bản thân là nếu mình đã biết mình thật sự muốn làm gì, thì mình phải quyết tâm theo đuổi đến cùng nhưng không được hấp tấp và đôi khi có những vấn đề mà mình phải biết lùi lại để có góc nhìn rộng hơn về nó vì “muốn nhanh thì phải từ từ”, ông chủ mr.potato chia sẻ.

Ông chủ “mr.potato” khởi nghiệp sớm vì sợ… già
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here